Sĩ phu Quảng Nam trước vận nước
Quảng Nam, do vị trí của mình, đã trở thành mảnh đất đứng đầu sóng ngọn gió của đất nước trước gót giày xâm lược của thực dân phương Tây vào nửa cuối thế kỷ XIX. Kể từ đó, cùng với cả nước, nhân dân đất Quảng đã đứng lên chống ngoại xâm; trong đó các sĩ phu của vùng đất này luôn thể hiện sự trăn trở trước vận mệnh dân tộc, giữ vai trò hướng đạo đối với các phong trào yêu nước chống Pháp đương thời.
Học sinh Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm chí sĩ Thái Phiên. Ảnh B.Đ.N |
Đánh thù lòng như đá; Lo nước tóc thành tơ
Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Việt Nam tại cửa biển Đà Nẵng, Phạm Phú Thứ đang ở Nội các, cùng cậu là Phạm Hữu Nghị dâng sớ xin vua Tự Đức cho quan lại, thân sĩ, binh lính quê Quảng Nam đang ở kinh đô được quay về tham chiến. Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh đang làm Bố chính tỉnh Khánh Hòa và tú tài Lâm Hữu Chánh đang làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cũng dâng sớ xin vua Tự Đức cho về quê đánh giặc. Một người Quảng Nam khác là Đặng Văn Xưởng nhận lãnh trách nhiệm coi tiền đạo trong đoàn quân 365 người do bạn ông là Đốc học Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, một danh sĩ thành Nam đứng đầu, xuất phát từ Nam Định tiến vào “chia lửa với Sơn Trà”. Dù trong số các sĩ phu này, có người đạt và có người không đạt được sở nguyện, nhưng cái chí lớn, cái trách nhiệm trước vận mệnh lịch sử dân tộc của họ rất đáng khâm phục.
Phạm Phú Thứ còn có được cái nhìn xa hơn, đó là sự cần thiết phải canh tân đất nước. Sau chuyến đi sứ về ông viết hàng loạt sách phổ biến kiến thức mới và dâng sớ đề nghị triều đình canh tân giáo dục để nuôi dưỡng nhân tài; chỉnh đốn võ bị, hậu dưỡng quan binh, cho các nước thông thương, kết thân với cường quốc và cho người đi du học nhằm học hỏi nền văn minh cơ xảo của phương Tây hầu mong đưa nước ta nhanh chóng phú cường.
Khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay Pháp, thái độ của các sĩ phu Quảng Nam vẫn là chủ chiến, quyết quật khởi để giành lại độc lập trong khuôn khổ của chế độ phong kiến. Sự biến kinh thành Huế nổ ra, TS. Nguyễn Thích đang giữ chức Hành tẩu tư vụ Cơ mật viện cùng các quan viên thuộc hạ đốc binh chiến đấu ngoan cường và đã hy sinh một cách oanh liệt. Đến khi vua Hàm Nghi xuất bôn xuống dụ Cần vương, tại Quảng Nam, TS.Trần Văn Dư cùng các quan lại đồng hương như phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, hoàng giáp Phạm Như Xương, các cử nhân Phan Bá Phiến, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Quang Hanh, tú tài Đỗ Đăng Tuyển… đều từ quan quay về quê lập Nghĩa hội, thống thiết kêu gọi các sĩ phu, thứ dân toàn hạt “nhất nhất mưu đồ khởi nghĩa để đánh đuổi quân thù, giành lại quyền lợi cho thứ dân, tôn phò xã tắc lâu dài”.
Phong trào Nghĩa hội thất bại đã chấm dứt trăn trở về trách nhiệm cứu nước trong khuôn khổ ý thức hệ phong kiến của sĩ phu Quảng Nam, mặc dù tấm lòng ái quốc của họ luôn sắt son, tinh thần chiến đấu của họ rất quật cường. Lời thơ Phan Bội Châu viết về Đỗ Đăng Tuyển: “Đánh thù lòng như đá; Lo nước tóc thành tơ” cũng như là viết cho các sĩ phu Quảng Nam giai đoạn lịch sử này.
Vận nước gặp cơn dâu biển, còn lòng đâu áo mão xênh xang
Bước sang đầu thế kỷ XX, vai trò hướng đạo phong trào yêu nước của sĩ phu Quảng Nam vừa thể hiện ở cả số sĩ phu thời phong trào Nghĩa hội còn lại đang giấu bóng chờ thời như Nguyễn Hàm (Nguyễn Thành), Đỗ Đăng Tuyển, vừa thể hiện ở những sĩ phu mới, thuộc lớp trẻ hơn, chủ yếu là những người đỗ đạt khoa trường trong những năm đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là bộ ba Duy tân xứ Quảng: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Cũng như thế hệ đi trước, họ luôn trăn trở với vận mệnh lịch sử dân tộc, bởi “Vận nước gặp cơn dâu biển/ Còn lòng đâu áo mão xênh xang” (văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu). Tại trường thi Bình Định, ba nhà khoa bảng Quảng Nam đã hô hào sĩ tử “Quăng mũ đi vứt bút đứng lên/ Đừng cam chịu tiếng ươn hèn/ Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù”.
Ngôi mộ chung Thái Phiên - Trần Cao Vân tại Huế. |
Thế hệ sĩ phu đầu thế kỷ XX bị kích thích rất mãnh liệt bởi trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài dội vào qua những tân thư, tân văn. Họ nhận thấy Việt Nam thua Pháp cả một nền văn minh nên muốn đề xướng một tư tưởng, một phương cách cứu nước mới, mà lúc bấy giờ có thể xem là một tư tưởng cứu nước phi truyền thống so với các thế hệ sĩ phu yêu nước trước đó. Thoát ly hẳn với tư tưởng trung quân cố hữu, họ chủ trương “tôn dân đổ vua”, xem “dân ta là thánh là thần”, và cho rằng trong điều kiện đương thời, phải đề cao khẩu hiệu Tam dân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, xem duy tân tự cường cũng là một phương cách cứu nước, chứ không thể dùng biện pháp bạo động, vì “bạo động tắc tử”. Những sĩ phu này cũng đã vượt xa người đồng hương có tư tưởng canh tân thuộc thế hệ trước là Phạm Phú Thứ ở chỗ họ không chủ trương tiến hành từ trên xuống dựa vào pháp chế của triều đình, mà là tự đi các địa phương hô hào phát động, khích lệ các sĩ phu nơi làng xã đứng ra tổ chức thực hiện công cuộc cải cách. Cũng chính vì vậy nên đến họ thì duy tân cải cách không còn dừng lại ở tư tưởng mà đã phát động thành cả một phong trào, khởi đầu từ Quảng Nam để rồi từ đó lan ra các tỉnh phía Bắc, vào cả các tỉnh trong Nam. Thế nhưng, nhân đàn áp phong trào chống thuế (năm 1908) thực dân Pháp đã triệt phá tất cả cơ sở vật chất của phong trào Duy tân và bắt lãnh đạo phong trào, khiến cho sĩ phu xứ Quảng phải chịu cảnh “áo lam ngồi đầy lao/ xiềng gông đi khắp xứ”.
Quốc sỉ ngô thân sỉ, quốc nhục ngô thân nhục
Sau cuộc khủng bố của thực dân Pháp vào năm 1908, sĩ phu xứ Quảng, những người tránh được lưới giặc và cả những người vừa mãn hạn tù trở về, những người vốn thuộc phái “Ám xã” của Nguyễn Thành, Phan Bội Châu, cả những người thuộc phái “Minh xã” của bộ ba Duy tân xứ Quảng đều quy tụ xung quanh Thái Phiên, người vẫn thường đem câu “Quốc sỉ ngô thân sỉ, quốc nhục ngô thân nhục” ra tâm sự với đồng chí về trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận nước. Không chỉ đảm nhận mọi trọng trách của Duy tân hội Quảng Nam trong thời gian Nguyễn Thành bị tù Côn Đảo, Thái Phiên còn liên lạc với sĩ phu các tỉnh để phục hồi tổ chức và giữ mối liên lạc với Phan Bội Châu ở nước ngoài. Cùng với Thái Phiên là vai trò cố vấn của Trần Cao Vân. Mới thoạt nhìn thì hầu như lúc này các sĩ phu quay hẳn lại với tư tưởng, phương cách cứu nước của Duy tân hội lúc mới thành lập, nhưng đi sâu phân tích chúng ta sẽ thấy đã có sự chuyển biến mới về tư tưởng chính trị của họ. Tuy bảo hoàng, cần một ông vua trong hàng ngũ khởi nghĩa nhưng không phải là họ khư khư bám lấy hệ tư tưởng trung quân, bởi vị trí của vua đã được họ xác định trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Việc mời vua Duy Tân tham gia chẳng qua chỉ là làm yên lòng dân (Phụng Kim thượng vi an dân cơ sở). Điều này cho thấy, tuy không được triệt để dân chủ như tư tưởng chính trị của các sĩ phu Duy tân trước đó, nhưng sĩ phu Quảng Nam hướng theo Việt Nam Quang phục hội cũng đã vượt qua được tư tưởng “ngoài tôn quân thảo tặc ra, thì chưa có tư tưởng gì lạ” như suy nghĩ của Nguyễn Thành ở buổi ban đầu lập Duy tân hội để tiến đến chủ trương chính thể quân chủ lập hiến.
Ngày nay nhìn lại, sĩ phu Quảng Nam, cũng như các sĩ phu yêu nước Việt Nam nói chung ở nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, dẫu luôn trăn trở trước vận nước, các tư tưởng, phương cách cứu nước đã được đề xướng và triển khai thực hiện, nhưng rồi các phong trào yêu nước chống Pháp cho đến năm 1916 đều thất bại. Nguyên nhân căn bản là thiếu một hệ tư tưởng tiên tiến dẫn đường để có được một biện pháp đấu tranh thích hợp: kết hợp bạo lực cách mạng (chứ không chỉ đơn thuần là bạo động) với tuyên truyền về dân chủ, định hướng cho xã hội tương lai, phải chuẩn bị công phu, có một đảng vững mạnh, biết chớp thời cơ đúng lúc mới có thể thành công trong giành giữ và xây dựng chính quyền mới. Đến khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, tại lễ kỷ niệm ngày mất của cụ Phan Bội Châu (29.10.1945), cụ Huỳnh Thúc Kháng, người chí sĩ già trong bộ ba Duy tân xứ Quảng năm xưa xúc động nói: “Đời tôi đến đây được thấy cái kết quả mà bình sinh hai cụ (Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh - NV) mong ước, như thế là được rồi”.
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH