Đại Lộc: Tọa đàm "Huỳnh Ngọc Huệ với quê hương và tổ chức công đoàn"

BÍCH LIÊN 27/04/2016 07:28

(QNO) - Sáng 26.4, Liên đoàn Lao động huyện Đại Lộc phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức tọa đàm “Huỳnh Ngọc Huệ với quê hương và tổ chức công đoàn”. Tham gia có lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, đại diện các địa phương, đơn vị, thân nhân đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. 

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Bích Liên
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: BÍCH LIÊN

Gần 7 thập kỷ trôi qua, kể từ ngày đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vĩnh viễn ra đi, song những cống hiến to lớn trong quãng đời ngắn ngủi 35 mùa xuân của ông luôn được trân trọng, tôn vinh và ngợi ca. Đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm ngày Quốc tế lao động, 67 năm ngày mất đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (27.4.1949 - 27.4.2016), cuộc tọa đàm về ông được tổ chức, nhằm tiếp tục đánh giá, tôn vinh vai trò, tấm lòng của ông đối với sự nghiệp cách mạng, đối với quê hương Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam và cả nước nói chung.

Huỳnh Ngọc Huệ có bí danh là Hoa, Ngọc và Hồng Chính, sinh năm 1914, tại làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) trong một gia đình nông dân yêu nước, một địa phương giàu truyền thống cách mạng. Năm 1934, Huỳnh Ngọc Huệ thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, sau đó trở thành một giảng viên có uy tín của trường.

Năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đồng chí Tố Hữu, Đào Duy Dzếch được cử làm đại diện cho Đoàn thanh niên dân chủ trong nhà trường và hội hướng đạo, làm Thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và là Bí thư Chi bộ nhà trường. Ông cùng bạn bè tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và huy động học sinh đón “Gô Đa” ở Huế, thu được kết quả nhất định, được kết nạp và Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thân nhân đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. Ảnh: Bích Liên
Thân nhân đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. Ảnh: BÍCH LIÊN

Chỉ trong quãng đời rất ngắn ngủi, 35 mùa xuân, Huỳnh Ngọc Huệ đã cống hiến hết mình vì lý tưởng, từng trải qua 6 nhà lao: Thừa Phủ (Huế), Đắc Tô, Đắc Glei (Kon Tum), Quy Nhơn (Bình Định), Sơn Chà (Đà Nẵng), Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 10.1945, ông được phân công làm Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công vận, là Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ, Chủ nhiệm kiêm Thư ký tòa soạn báo “Tay Thợ”. Năm 1946, ông được Đại hội Xứ ủy Trung Kỳ bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy. Cuối năm 1947, ông trở lại làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn khu V. Năm 1949, ông được Đại hội Đảng bộ khu V bầu làm Phó Bí thư khu V.

Tháng 4.1949, ông bị nhiễm trùng uốn ván và qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào, đồng chí. Trước tin ông mất, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Louis Saillant viết trong đoạn chia buồn: “Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam, là một thiệt thòi lớn cho phong trào lao động Việt Nam…”.

Với những cống hiến lớn lao, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác. Nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tôn vinh những cống hiến lớn lao của ông, UBND tỉnh vừa phê duyệt, ban hành giải thưởng mang tên ông: Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ sẽ được tổ chức trao thưởng vào dịp 28.7, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam nhằm tuyên dương, khen thưởng những tấm gương cán bộ, công nhân viên chức lao động xuất sắc, có những sáng kiến đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN