Tướng Nguyễn Chơn, dấu chân trên đất Quảng

HỒNG VÂN 04/01/2016 08:28

Tin Thượng tướng Nguyễn Chơn (sinh năm 1927), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vừa từ trần làm những ai ngưỡng mộ ông đều hết sức bàng hoàng. Quảng Nam, mảnh đất in đậm dấu chân ông một thời trận mạc càng tiếc thương vị tướng tài năng, đức độ.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2  với Thượng tướng Nguyễn Chơn  (năm 2011). Ảnh: HỒNG VÂN
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 với Thượng tướng Nguyễn Chơn (năm 2011). Ảnh: HỒNG VÂN

Từ “Dì Hai” đến chỉ huy trung đoàn chủ lực

Rời quê hương Đà Nẵng, tập kết ra Bắc trong đội hình Trung đoàn 803, Đại đội phó Nguyễn Chơn nhập học khóa 10 sĩ quan lục quân. Được các tướng lĩnh quân sự nổi tiếng như Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa trực tiếp chỉ giáo, ông nhanh chóng lĩnh hội trước khi trở vào Nam chiến đấu. Năm 1959, “Dì Hai” - mật danh của tổ quân sự tỉnh Quảng Nam đón Nguyễn Chơn và đoàn cán bộ tập kết về với bao khó khăn đang chờ. Một lon muối được chia ra 90 phần để dùng trong một tháng. Sáu năm ở vùng núi Quảng Nam, mỗi người đều tự xoay xở để bảo đảm cái ăn, tiếp đến là kêu gọi, tập hợp thanh niên đi làm cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang. Với vốn kiến thức được học ở miền Bắc, ông truyền đạt cho đồng đội những điều cần thiết, làm hành trang cho đội ngũ kế cận, trong đó có nhiều người trở thành sĩ quan ưu tú. Ông thực hành bằng trận đánh Ga Lâu thuộc huyện Hiên tháng 10.1960. Đồn này bị diệt gọn mở ra truyền thống đã đánh là thắng trên đất Quảng Nam.

Những đồng đội của ông một thời không ai quên trận Dốc Trao năm 1961. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Lân - nguyên Chủ nhiệm Quân y Quân khu 5 kể: Khi địch bắt đầu hành quân đến Dốc Trao thì trước đó bộ đội của ta đã đón lõng. Địch chọn vị trí đỉnh dốc để nghỉ ngơi trong khi Nguyễn Chơn đã ngồi vào vị trí chỉ huy canh khẩu trung liên. Ông đếm cho đến khi 140 tên lọt hết vào tầm ngắm thì nổ súng. Địch trở tay không kịp. Một đại liên của chúng bắn vào vị trí chỉ huy và Nguyễn Chơn bị một viên đạn phập vào cánh tay phải. Ông bảo y tá Lân mổ lấy ngay viên đạn không cần tiêm thuốc tê, mà để dành thuốc cho thương binh khác. Không đành nhìn người chỉ huy đau đớn nhưng y tá cũng phải làm theo. Ở trận này, chỉ sau 15 phút, quân ta với 45 cán bộ, chiến sĩ đã hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn đại đội tăng cường của địch, bắt sống 60 tên. Đại tá Nguyễn Xuân Lân xúc động nói: “Mổ không cần thuốc tê, sau mổ tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến cuối trận, trong đời quân ngũ tôi chỉ thấy mỗi anh Chơn”.

Thượng tướng Nguyễn Chơn, sinh tháng 12.1927, nhập ngũ tháng 2.1946; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sau một thời gian lâm bệnh, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội, các giáo sư, bác sĩ và gia đình hết lòng chăm sóc, tận tình cứu chữa; song do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 11 giờ ngày 30.12.2015 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chơn được tổ chức theo nghi thức Lễ tang cấp cao. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 8 giờ đến 11 giờ; Lễ truy điệu hồi 11 giờ; Lễ đưa tang hồi 12 giờ, ngày 3.1.2016; sau đó thi hài chuyển về tổ chức viếng tại Nhà tang lễ Viện Quân y 17 - Quân khu 5; an táng vào14 giờ, ngày 4.1.2016 tại Nghĩa trang Quân khu 5, TP.Đà Nẵng.

Tháng 11.1963, Trung đoàn 1 được thành lập, tách ra khỏi Tỉnh đội Quảng Nam. Cuộc đời binh nghiệp vẻ vang của ông với Trung đoàn 1 và Sư đoàn 2 bắt đầu từ đây. Trận đánh đồn Việt An do một tiểu đoàn ngụy đóng là trận mở màn cho chặng đường trưởng thành của trung đoàn về khả năng đánh tập trung, đánh thắng các đơn vị chiến thuật. Sau Việt An là trận Minh Huy, rồi Đồng Dương 1, Đồng Dương 2. Lúc này Nguyễn Chơn đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 của Trung đoàn 1, chỉ huy đơn vị đánh từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi với Ba Gia, Sơn Tịnh mở ra vùng giải phóng rộng lớn rồi trở ra Quảng Nam với trận nổi tiếng phục kích quân Mỹ ở phía nam chợ Cẩm Khê, bắt đầu những năm tháng chiến trận quy mô ngày càng ác liệt. Tháng 11.1965, Sư đoàn 2 được thành lập ở Phước Hà, Tiên Phước, lập công đầu bằng trận Hiệp Đức. Trận này, Tiểu đoàn 90 diệt gọn đại đội bảo an ở Đồi Sơn. Chỉ trong năm 1965, ông được khen tặng 2 Huân chương Quân công hạng Ba và 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Nguyễn Chơn nhận chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 cũng là lúc lữ đoàn dù Mỹ 101 mở cuộc càn vào khu vực Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) năm 1967. Mùa mưa đến sớm, các đơn vị của chúng đánh phá lùng sục phía bắc đường 16, nam sông Trầu, tàn sát dã man dân thường. Phải đánh cho địch bất ngờ! Nhưng bằng cách nào? Bởi con sông tuy nhỏ nhưng nước chảy xiết. Cũng như trận đánh Ga Lâu trên sông A Vương năm nào, Trung đoàn trưởng Chơn ra lệnh chặt cây từ phía bắc đổ sang phía nam sông làm cầu cho bộ đội qua. Trung đoàn hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn một đại đội Mỹ từ Gò Đu kéo lên, thu hết vũ khí địch. Những chiến công dồn dập trên chiến trường Quảng Nam đã làm nên tên tuổi người anh hùng, là bệ phóng để ông cống hiến cho quân đội nhiều hơn trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, được mệnh danh Sư đoàn “Thép”, hai lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khúc bi tráng Động Mông -  Đá Hàm

Tháng 10.2014, kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 2, trước cán bộ, chiến sĩ đơn vị đến thăm, Thượng tướng Nguyễn Chơn kể về các Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Dương Bá Lợi, Nguyễn Việt Sơn, Trương Hồng Anh đã hy sinh với bao cảm xúc bồi hồi và niềm thương mến. Đặc biệt ông nghẹn ngào khi nhắc đến địa danh Động Mông - Đá Hàm và nói rằng suốt đời không thể nào quên.

Đó là một ngày cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, đoàn cán bộ chủ chốt gồm Bộ Chỉ huy Sư đoàn, cán bộ đầu ngành của 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cùng ban chỉ huy 3 trung đoàn được triệu tập để khảo sát thực địa. Trên dải Động Mông - Đá Hàm dựa lưng vào núi Hòn Tàu, Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ cùng cán bộ vừa nghiên cứu bản đồ vừa quan sát thực địa cứ điểm Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn thì 4 máy bay lên thẳng vũ trang HU1A ào tới, dùng hỏa lực cày nát ngọn đồi. Quân ta chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Chính ủy Nguyễn Minh Đức cùng các cán bộ chủ chốt đều hy sinh. Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn thoát chết là do Sư đoàn trưởng Trữ phân công đi chuẩn bị một hướng khác. Ở nhà cơ sở, ông nhìn về ngọn núi mà nước mắt lưng tròng. Biến nỗi đau thành hành động, ngày 8 và 9.1.1968 ông đã chỉ huy trung đoàn đánh một trận quyết liệt tại An Sơn, trong thung lũng Hiệp Đức, loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên Mỹ, bắn cháy 4 máy bay.

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Mai 3 lần dẫn cựu binh Mỹ về lại chiến trường Ngọk-tà-vát nói rằng, mỗi khi kể lại trận đánh này, ông lại nhớ Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn. Đây là trận đánh nối tiếp xuân Mậu Thân. Tiểu đoàn 40 được lệnh tiến công cứ điểm Ngọk-tà-vát. Lúc đầu địch lúng túng nhưng sau phản công dữ dội, máy bay C130 liên tiếp nhả đạn; pháo từ Khâm Đức cũng bắn mạnh vào trận địa. Ta mấy lần phải lui ra. Nguyễn Chơn ra lệnh DKZ, cối chi viện và chỉ thị cho tiểu đoàn chiếm cho bằng được cứ điểm trong đêm. Câu mệnh lệnh của ông “Chỉ có tiến không có lùi” là động lực để tiểu đoàn xung phong giữ vững, tiến tới làm chủ trận địa.

Hai lần làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, chỉ huy đơn vị đánh những trận lớn từ biên giới đến cao nguyên Bô-lô-ven (Lào), từ đồng bằng đến Đắk-Tô - Tân Cảnh rồi trở lại Quảng Nam giáng những cú đấm thép làm nên Cấm Dơi, Quế Sơn, Nông Sơn - Trung Phước…, người chỉ huy Nguyễn Chơn như sinh ra để đánh giặc. “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “lấy ít đánh nhiều”, “trí dũng song toàn”, “sáng tạo và táo bạo”, “thực tế và cụ thể”, “nắm thời cơ và kiên quyết”, “giỏi đánh giặc, giỏi nắm tâm lý đối phương”… là những gì đồng đội yêu mến khi nói đến ông.

Khi suy ngẫm với các nhà viết sử, Thượng tướng Nguyễn Chơn cho rằng, trong một phần chiến công của ông và đơn vị có yếu tố không thể tách rời đó là nhân dân. Đặc biệt là nhân dân Quảng Nam đã cưu mang ông từ ngày ở miền Bắc vào cơ quan “Dì Hai” đến khi cuối cuộc kháng chiến. Ông kể: “Trong chiến dịch xuân 1975, Sư đoàn 2 từ khu chiến Tiên Phước - Tam Kỳ đánh ra Đà Nẵng trong quỹ thời gian rất ngắn là hai ngày. Trên đường tiến quân, các cầu lớn trên sông Thu Bồn, Bà Rén đều bị địch ném bom phá sập, vậy mà bộ đội vẫn hành tiến với tốc độ nhanh khiến cấp trên phải kinh ngạc. Đó là nhờ nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng hết lòng vì cách mạng. Thuyền bè qua sông, xe cộ trên đường, dẫn đường vào các mục tiêu, đảm bảo lương ăn trong chiến đấu. Từ người nông dân đến anh lái đò, xe ôm, từ chị tiểu thương ở chợ đến các em học sinh, ai giúp được việc gì đều giúp. Không có nhân dân không có ngày khải hoàn tháng Ba lịch sử.

Vị tướng với những chiến công lẫy lừng năm nào nay đã đi xa. Nhưng đất Quảng Nam vẫn còn như thấy bóng ông lồng lộng từ Việt An, Hiệp Đức đến Nông Sơn, Trung Phước... Những miền quê nơi ông qua vẫn nhớ mãi người chỉ huy tài ba biết dựa vào dân mà làm nên chiến thắng.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN