Nguyễn Phúc Kỳ - Tổng trấn Quảng Nam thời mở cửa
Có lẽ hai dấu ấn quan trọng nhất của Nguyễn Phúc Kỳ đối với Quảng Nam thời ông làm Tổng trấn là thực hiện đầy đủ, sáng tạo chính sách mở cửa của chúa Nguyễn Phúc Nguyên làm cho Hội An trở thành một cảng thị quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á và chính sách thân thiện với các nhà truyền giáo phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở dinh trấn Thanh Chiêm.
Mộ Nguyễn Phúc Kỳ.Ảnh: LÊ THÍ |
Mở cửa rộng rãi
Thực hiện một chính sách cai trị khác với Đàng Ngoài, các chúa nhà Nguyễn đã thực hiện một chính sách mở cửa rộng rãi. Nguyễn Phúc Nguyên đã cho phép giao thương với các nước phương Đông lẫn phương Tây. Đối với phương Đông, tiêu biểu là Nhật Bản, các chúa Nguyễn đã nhiều lần gửi thư mời gọi sang buôn bán nhất là đến Hội An như những thư mời các năm 1601, 1606, 1611, 1628… Đối với phương Tây chúa Nguyễn đã hai lần viết thư gửi cho Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Malacca (Malaysia) và Batavia (Indonesia) mời họ đến buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng vào các năm 1617 và 1624.
Nguyễn Phúc Kỳ trên cương vị là Tổng trấn Quảng Nam quản lĩnh hai cửa biển quan trọng của xứ Đàng Trong thời đó là Hội An và Đà Nẵng đã thực hiện đầy đủ sáng tạo chủ trương này của cha. Nhờ thế vào thời Nguyễn Phúc Kỳ thuyền buôn của Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á và cả phương Tây cũng cập bến Hội An ngày một nhiều hơn và thường xuyên hơn. Hội An lúc này được một người ngoại quốc cho biết :“Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc Quảng Nam…” (Christoforo Borri - Xứ Đàng Trong năm 1621).
Nguyễn Phúc Kỳ (…-1631) là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) và Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai (1578-1630). Ông sinh năm nào không rõ (có lẽ trong khoảng 1597-1598) tại dinh Trà Bát (Quảng Trị) dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Khi cha còn làm Trấn thủ Quảng Nam, ông được ông nội (Chúa Tiên Nguyễn Hoàng) giao chức Chưởng cơ, chỉ huy đạo quân bảo vệ ở dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1614, khi Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi chúa, Nguyễn Phúc Kỳ được cử làm Trấn thủ Quảng Nam. Vợ trưởng của Nguyễn Phúc Kỳ, một phụ nữ nhan sắc hơn người là con gái của quan Cai cơ Tống Phúc Khang có tên là Tống Thị Toại. Vợ thứ của Nguyễn Phúc Kỳ là Bùi Thị Phượng (người Duy Xuyên) rất hiền thục, nên ông hết mực sủng ái. |
Sách Đông Dương, lịch sử của một cuộc gặp gỡ 1620-1820 Jean Pichon cũng cho biết: “Ở Hội An diễn ra một hội chợ hàng năm kéo dài 4 tháng… Dinh trấn Quảng Nam ở cách đó 8km về phía tây, nối liền đường thiên lý và con sông, là thủ phủ của dinh, vào niên điểm đó người ta có thể gọi là thủ phủ hoàng gia bởi vì Sãi Vương thường ở đó, một trong những người con của ngài hoàng tử Kỳ là quan trấn thủ…”.
Vài con số có thể nói lên sự phồn thịnh của Hội An thời mở cửa của Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ như: Từ năm 1613 đến năm 1628, Hội An đã tiếp nhận 41 tàu của Nhật Bản trong khi Phố Hiến ở Đàng Ngoài chỉ có 24 thuyền. Thời kỳ từ 1602-1635 Nhật Bản đã cấp 331 giấy phép đến 19 cảng thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó 6 cảng của Việt Nam có 130 giấy phép (39%). Riêng cảng Hội An có 86 thuyền được cấp giấy phép (chiếm 25,98% số giấy phép cấp cho toàn bộ các cảng khu vực Đông Nam Á và 66,15% số giấy phép cấp cho 6 cảng của Việt Nam).
Chữ quốc ngữ ra đời
Ông cũng có thái độ thân thiện với các giáo sĩ phương Tây. Sách Lịch sử truyền giáo có viết: “Làm quan trấn thủ Quảng Nam ông có cảm tình với đạo, đã nhiều lần bênh vực cho các cha”. Chính nhờ thái độ cởi mở của ông mà các giáo sĩ như Francisco de Pina (sống ở Hội An các năm 1617, 1621-1624 và ở Thanh Chiêm năm 1625) và Alexandrede Rhodes (sống ở Thanh Chiêm năm 1624-1625) mới có điều kiện sống nhiều năm ở Hội An và Thanh Chiêm, đã kết hợp cùng các quan chức và giáo dân thực hiện việc La tinh hóa tiếng Việt để cho ra đời chữ Quốc ngữ.
Nhiều tài liệu vẫn cho rằng nhờ có mối quan hệ tốt với Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ ở dinh trấn Thanh Chiêm nên Pina có thể lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Résidentia Dinh Ciam). Không chỉ có hoạt động truyền giáo, tại đây cũng là nơi nghiên cứu và sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes. Pina được xem là ông tổ của chữ quốc ngữ và trú sở Thanh Chiêm là “Học viện Việt Ngữ học” đầu tiên trên thế giới, mà Pina có tư cách là vị giám đốc khai lập và Alexandre de Rhodes là vị giám đốc kế nhiệm. Cho nên có thể nói trong việc ra đời của chữ Quốc ngữ có sự góp công rất lớn của Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ qua chính sách thân thiện với các giáo sĩ.
Nằm lại đất này
Nguyễn Phúc Kỳ là người văn võ toàn tài. Năm 1627, ông đã cầm quân phối hợp cùng Nguyễn Hữu Duật và Nguyễn Phúc Vệ đánh bại cuộc tấn công lần thứ nhất của quân Trịnh Tráng vào Đàng Trong. Vì việc này Nguyễn Phúc Kỳ được phong làm Thế tử, chuẩn bị để sau này nối ngôi. Nguyễn Phúc Kỳ cũng nhiều phen chinh phạt Chiêm Thành, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam. Năm 1629, ông cùng người anh rể là Mạc Phúc Vinh (Nguyễn Phúc Vinh) đem quân vào Phú Yên đánh dẹp cuộc nổi dậy của người Chăm và lập nên dinh Trấn Biên, dinh trấn thứ 8 của chúa Nguyễn ở Đàng Trong - một rào giậu vững chắc về phía Nam thời bấy giờ.
Khi vợ thứ của ông là bà Bùi Thị Phượng qua đời vào ngày 14.3.1631, Nguyễn Phúc Kỳ cũng lâm bệnh qua đời sau đó 3 tháng ( 22.7.1631). Sách Lịch sử truyền giáo của Việt Nam có viết: “Năm đó không may người thiếp mà ông yêu mến hơn cả qua đời. Thương tiếc suốt ngày đêm than khóc, ông cho làm một bức tượng lớn bằng người thật, đầu bằng bạc, mình bằng gỗ quý để thờ. Không bao lâu sau vì buồn phiền quá ông ngã bệnh và qua đời. Sãi Vương thương tiếc khóc lòa cả mắt…”.
Sau khi qua đời, Nguyễn Phúc Kỳ được an táng ở làng Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng, Điện Bàn). Lăng mộ của ông tồn tại hơn 350 năm tại đây. Đến sau năm 1975, do phong trào hợp tác hóa nông nghiệp lăng của Nguyễn Phúc Kỳ bị phá để lấy đất làm nông nghiệp.
Năm 2000 mộ Nguyễn Phúc Kỳ được con cháu Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng cải táng về xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên gần nhà máy thủy điện Duy Sơn. Lăng Nguyễn Phúc Kỳ được tọa lạc trên một ngọn đồi có cây cối rợp bóng xanh.
Vị Tổng trấn tài năng và yểu mệnh của Quảng Nam đã được về an nghỉ bên cạnh mẹ (Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai) cùng các Hoàng hậu (Đoàn Quý Phi) và công chúa khác của nhà Nguyễn (Nguyễn Phúc Ngọc Dương và Nguyễn Phúc Ngọc Liên) đã góp phần làm cho Duy Xuyên trở thành nơi có khu lăng mộ quan trọng thuộc loại hàng đầu của nhà Nguyễn ở xứ Đàng Trong.
LÊ THÍ