Trang nhật ký trên chiến trường đất Quảng
Hơn 40 năm trước, Anh hùng quân đội - Thiếu tướng Lê Mã Lương từng có mặt trên chiến trường đất Quảng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu một mất, một còn với sư đoàn dù hung hãn, thiện chiến - con át chủ bài của “quân lực Việt Nam Cộng hòa” để giữ vững vùng giải phóng Thượng Đức.
Anh hùng Lê Mã Lương và vợ. |
Nhắc tới ông, người ta không chỉ nhắc về một vị tướng đã đi vào lịch sử bởi những chiến công hiển hách mà người ta còn nhớ đến vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở tuổi 21 với câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Và, trong dặm dài ác liệt của chiến trường, thỉnh thoảng dừng lại, có góc sâu thẳm của tình yêu, tình vợ chồng.
Năm 1971, khi vừa 21 tuổi, Lê Mã Lương là chính trị viên đại đội được ra Bắc học tại Học viện Chính trị. Anh quen một cô giáo dạy cấp 2 người Hà Nội - Lê Thị Bích Đào. Là Bí thư chi đoàn kiêm Tổng phụ trách Đội nên cô được nhà trường cử sang Học viện Chính trị mời anh về nói chuyện với giáo viên và học sinh. Lúc đầu chỉ là tình cảm của người con gái hậu phương với người lính giải phóng từ chiến trường về. Dần dà, đôi trai tài, gái sắc ấy yêu nhau mà những cánh thư tình là cầu nối. Do yêu cầu nhiệm vụ, tháng 7.1972, Lê Mã Lương trở lại chiến trường Trị Thiên - Huế. Hình ảnh người yêu đã theo anh dọc dài khắp các chiến trường. Về phần mình, cô giáo Đào xung phong đi B ngoài lý do “để mình rèn luyện, muốn được đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc” còn có một lý do là vì tiếng gọi tha thiết của tình yêu. Tháng 8.1973, họ gặp nhau trên vùng giải phóng Quảng Trị. Khi ấy, Lê Mã Lương vừa đánh xong trận Cửa Việt, cùng đơn vị hành quân về căn cứ Cam Lộ. Anh đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304.
Năm 1974, Lê Mã Lương và người yêu đã trở ra Hà Nội tổ chức lễ cưới. Mới bén hơi nhau, họ đã phải có “cuộc chia ly màu đỏ”: vợ trở vào Quảng Trị tiếp tục công tác, còn chồng được lệnh cùng đồng đội nhanh chóng hành quân vào chiến trường Quảng Nam máu lửa.
Mặt trận Thượng Đức lúc bấy giờ là nơi đọ sức quyết liệt giữa quân chủ lực ta và quân chủ lực địch - sư đoàn dù hung hãn, từng huênh hoang tự xưng là “thiên thần sát Cộng”(!). Để đánh vào điểm cao 1062, quân dù đã huy động 58 khẩu pháo hạng nặng, mỗi ngày bắn tới 9.000 quả đạn, chưa kể máy bay oanh tạc. Phải liên tục ngày đêm đối phó với kẻ thù hung hãn, Lê Mã Lương thú thật: “Dạo này mình đã quên bẵng người vợ trẻ yêu quý. Chắc vợ yêu chả trách. Đêm qua mơ ngủ bên cạnh vợ. Sung sướng vì vợ khỏe và xinh lạ lùng. Điều mình thích nhất là vợ có mang…” (nhật ký ngày 5.11. 1974).
Sống giữa chiến trường ngút ngàn khỏi lửa, sau những giờ chỉ huy chiến đấu và họp Đảng ủy trung đoàn triển khai nhiệm vụ, chàng sĩ quan trẻ làm bạn với cuốn nhật ký và ghi lại tâm trạng của mình bằng dòng ngắn ngủi: “Buồn quá, không biết tin vợ” (nhật ký ngày 18.11.1974). Rồi, hai ngày sau, con tim của chàng đã vui trở lại khi được đồng đội thông tin: vợ đã có thai! Anh thấy lòng xao xuyến, trào dâng một cảm giác nhớ, thương khó tả nhưng cố kiềm chế. Khi chỉ còn một mình trong căn hầm, Lê Mã Lương mới dám bộc lộ cảm xúc thật sự: “Trời! Sao lúc này nhớ vợ đến thế! Em ơi! Làm sao tả hết được nỗi lòng anh thương nhớ em. Từ lúc nào trong mình có hai Lương rõ rệt. Một Lương muốn có đứa con đầu sớm, và một Lương mong vợ đừng có mang. Có con sớm ai chẳng muốn, nhưng không may mình ngã xuống vợ và con sẽ khổ biết nhường nào!”. Anh đấu tranh tư tưởng và tự trách mình sao lại để cái riêng lấn át cái chung: “Thôi hãy tập trung vào nhiệm vụ đã. Ích kỷ quá Lương ạ!”
Chiến trận ở đỉnh 1062 ngày càng ác liệt, Lê Mã Lương vẫn giữ thói quen ghi nhật ký nhưng tuyệt nhiên không có dòng nào về vợ. Anh đã thực hiện đúng lời hứa “tập trung vào nhiệm vụ”. Tròn một tháng sau, nhật ký của anh mới viết về người yêu dấu: “Đoàn cán bộ của trung đoàn đi ra Bắc đã về đến sư đoàn, có thể khi vào đây mọi người có ghé qua chỗ Đào, như vậy ắt có thư vợ và thứ gì đó vợ gửi cho. Mong tin vợ đến cháy ruột cháy gan. Chẳng hiểu sao 4 tháng qua không có tin gì” (nhật ký ngày 20.12.1974). Niềm vui vỡ òa khi đồng đội mang thư và quà của vợ từ hậu phương đến, Lê Mã Lương mừng đến quên ăn. “Em thân yêu! Nhận được thư em, anh có cảm giác như mình có một sức khỏe phi thường. Em đã tiếp sức cho anh chăng?…” (nhật ký ngày 21.12.1974).
Dịp Tết Ất Mão - 1975, Lê Mã Lương và đồng đồng đội ăn Tết ở chiến trường đất Quảng. Đã tám năm rồi anh không được ăn Tết với gia đình. Ngày 30 Tết năm ấy, anh viết những dòng chứa chan tình nghĩa vợ chồng: “Em thương yêu! Chắc em buồn và và nhớ lắm phải không? Đêm qua anh đã thức đến 1 giờ sáng để xem thư em. Anh biết em vất vả nhiều lắm, lo cho anh, lo cho con và lo cho cả mình nữa. Lần đầu bước vào cuộc đời làm mẹ trong hoàn cảnh éo le, làm sao không khỏi lo lắng. Biết an ủi em thế nào đây, anh chỉ còn biết cảm ơn em, người vợ anh hết lòng yêu quý” (nhật ký ngày 10.2.1975). Đến ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, Lê Mã Lương càng không quên hình bóng người vợ mới cưới: “Hôm nay là ngày vui của phái yếu đấy nhỉ, vợ ở nhà hẳn không được vui. Những ngày này dễ nhớ về những kỷ niệm sâu sắc của vợ chồng, trong khi chồng lại ở tận đâu. Biết làm thế nào được. Đừng trách anh nhé, em thân yêu”. Một tuần sau đó, anh vẫn còn ray rứt về tình cảnh vợ chồng: “Chắc chắn vợ cũng có nét mặt ưu tư như mình đang vẽ ra đây. Làm sao chả có lúc vợ cảm thấy cô đơn, rồi tưởng tượng về một chân trời xa, ở đấy có một con người thương yêu nhất. Một con người mà cả cuộc đời mình gắn bó, gửi gắm, đang chiến đấu cho lý tưởng, cho sự tồn vinh của giống nòi. Làm sao tránh được những giọt nước mắt nóng hổi, thương nhớ thấm xuống cánh tay trắng ngần, trần trụi, cánh tay đã từng ôm ấp, vuốt ve bạn đời yêu dấu. Có chứ! Rất ái ngại cho hoàn cảnh của vợ. Biết làm sao được. Vì nghĩa lớn, tạm gác những nỗi niềm riêng tư: “Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà…”. Đành chịu lỗi với vợ con thôi. Mong em và con đừng trách gì anh” (nhật ký ngày 17.3.1975).
Đọc lại những dòng nhật ký viết về vợ của người anh hùng Lê Mã Lương, tuổi trẻ hôm nay càng có dịp hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về các thế hệ cha anh thời chống Mỹ - những con người “biết căm thù nhưng cũng biết yêu thương”.
VÂN TRÌNH