Ký ức những ngày tháng Tám

VÕ TRƯỜNG 01/09/2015 08:40

Đang viết hồi ký về những mốc điểm đáng nhớ trong cuộc đời làm cách mạng của mình kinh qua trong 2 cuộc kháng chiến thì ông Trần Văn Truyền (92 tuổi), lão thành cách mạng, hiện ở thôn Hương Trà, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì lý do sức khỏe. Song, khi được nhắc về những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông phấn chấn hẳn lên: “Nhanh quá, mới đó mà đã 70 năm, thời gian bằng cả đời người rồi còn gì. Tuổi thanh niên và Cách mạng Tháng Tám không chỉ riêng tôi mà với mọi người dân lúc đó chính là bước ngoặt cuộc đời. Đất nước sau đêm dài nô lệ đã rũ bùn đứng dậy, cách mạng đã đổi đời cho bao số phận lầm than”.

Đêm trước cách mạng

Hồi ức về quá khứ, ông Truyền kể câu chuyện đau buồn của gia đình như vừa mới trải qua. “Mẹ mất sau khi sinh cho tôi đứa em thứ 5; ba đi lính lệ cho Pháp luôn xa nhà. Trong tình cảnh đó tôi phải bồng em đi xin sữa, chăm bẵm bằng tình thương của người anh, các em kế cũng nheo nhóc lo cái ăn cầm bữa. Được 6 tháng thì em út mất, hai người em kế do đói khát cũng sinh bệnh tật mà qua đời sau đó không lâu. Tủi hận, khổ không nói hết”.

Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo như vậy, ông Truyền vẫn quyết tâm học cả chữ quốc ngữ lẫn chữ nho để mở lớp học tại nhà cho con em người dân trong làng không có điều kiện đi học.  Gọi lớp học nhưng việc học chẳng như bây giờ. Thay bảng đen, phấn trắng ông xuống bãi sông xúc cát mịn về đổ ra sân khỏa bằng. Học sinh theo thầy dùng que viết lên đấy, xong lại khỏa bằng viết tiếp. Sau để trẻ em các làng lân cận có điều kiện học nên ông mượn Yểm xóm (điếm canh Hương Trà) mở lớp thu nạp thêm học sinh các làng Phú Lộc và An Lộc.

Đình Hương Trà - Di tích Lịch sử cấp tỉnh, nơi đêm 18.8 ông Truyền gióng lên hồi trống tập hợp nhân dân nổi dậy giành chính quyền.  Ảnh: V.T
Đình Hương Trà - Di tích Lịch sử cấp tỉnh, nơi đêm 18.8 ông Truyền gióng lên hồi trống tập hợp nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Ảnh: V.T

Việc dạy học của ông Truyền luôn bị quân Pháp kiểm soát gắt gao. Lúc đó Pháp có 2 đồn đóng ở Tam Kỳ là Tuần Đinh ở đầu cầu Tam Kỳ và Thương Chánh, vị trí ở trụ sở Thanh tra tỉnh bây giờ. Lính đi lùng sục, ngoài việc bắt dân nộp thuế khóa, chúng còn truy tìm bắt bớ những người theo Việt Minh. “Không cần chứng cứ, cứ nghi ngờ là họ bắt. Ngay như Trùm Nguyên - tức Nguyễn Rớt, Cửu Tình - tức Trần Tình, là chức sắc địa phương chúng cũng bắt giam vì nghi tham gia  hội cứu tế đỏ; nghi tham gia vụ trộm nhà thầy Thông Liên (người thông dịch cho Pháp, nhà giàu có nhất vùng Tam Kỳ bấy giờ) ở Cây Trâm, đoạn Bà Bầu, Núi Thành bây giờ”.

Giữa cảnh sống hết sức lầm than và do được giác ngộ cách mạng sớm, trực tiếp là người cha của mình nên ông Truyền tham gia đội viên du kích Vũ Hùng - tiền thân của lực lượng vũ trang Quảng Nam. Tháng 3.1945 ông được giao nhiệm vụ tổ trưởng tự vệ cứu quốc làng Hương Trà. Tổ của ông có hai đội viên lớp đàn anh thuộc đội du kích Vũ Hùng là Hồ Ngọc Thành và Lê Võ Tố, sau cả hai đều hy sinh tại bến Đò Xu (Đà Nẵng) vào năm 1947; hai đội viên khác là Nguyễn Hữu Dật và Trần Quận. Công việc chủ yếu bấy giờ của tổ là tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc trong nhân dân, ngầm xây dựng cơ sở để làm nòng cốt khi cách mạng nổ ra. Một trong những nội dung tuyên truyền lúc đó là 10 chính sách Việt Minh do chính ba ông Truyền cung cấp. Nhiều câu giờ ông vẫn còn thuộc nằm lòng như: “Việt Nam độc lập đồng minh/ Cờ treo độc lập nền xây bình quyền/ Làm cho con cháu Rồng Tiên/ Dân ta phải giữ lợi quyền nước ta…” .

Tuy làm lính lệ cho Pháp nhưng ba ông Truyền là cơ sở cách mạng, người cung cấp những tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh từ Huế chuyển vào để các cơ sở cách mạng của ta nắm rõ hơn tình hình chiến sự cũng như tư tưởng tiến bộ của cụ Huỳnh.

Những ngày vùng lên

Cùng ông Trần Văn Truyền đi thăm lại ngôi đình Hương Trà, nắm tay tôi, ông xúc động nói: “70 năm trôi qua nhưng tôi làm sao quên được
Ông Trần Văn Truyền, lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tam Kỳ (cũ) kể câu chuyện của những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh: V.T
Ông Trần Văn Truyền, lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tam Kỳ (cũ) kể câu chuyện của những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh: V.T
những gì đã diễn ra tại ngôi đình này. Trong những năm 1930 - 1945, đây là nơi gặp gỡ của các chiến sĩ cách mạng như Võ Chí Công, Khưu Thúc Cự, Lê Võ Tố, Hồ Ngọc Thành, Nguyễn Mại. Nhiều quyết định quan trọng của cách mạng thảo luận, khởi đi từ đây. Kỷ niệm gắn bó đời tôi chính là việc tôi đã mở tung cửa đình gióng lên hồi trống đầu tiên tập hợp dân chúng nổi dậy trong Cách mạng Tháng Tám 1945.  Cách mạng thành công, đình Hương Trà được Liên khu 5 chọn làm nơi mở lớp huấn luyện cho quân đội, làm trụ sở tạm thời của  Ủy  ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam”.
Theo ông Truyền, chỉ trong thời gian rất ngắn, từ vùng lên đến khi giành chính quyền thắng lợi, người dân Tam Kỳ đã đón cuộc đổi đời vĩ đại mà Cách mạng Tháng Tám mang lại như cả một giấc mơ từ kiếp người lầm than cơ cực.

Về Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Truyền cho biết, tinh thần của cuộc nổi dậy tổng khởi nghĩa đã được phổ biến trước đó mấy tháng. Tôi nhớ khoảng đầu tháng 2.1945, theo tin báo một cuộc họp phổ biến chủ trương diễn ra Đồng Miếu, gần Bến Lội. Để giữ bí mật, các đồng chí của ta giả làm người đi soi ếch, nơm cá từ các nơi tụ tập về.

Sau cuộc họp, ông Tuyền được giao nhiệm vụ tiếp tục phổ biến cho cơ sở lo công việc rèn gươm giáo, làm gậy gộc, riêng cây cắm cờ chỉ giao cho các tổ trưởng cứu quốc vì sắm nhiều sợ bị lộ. Cờ được cơ sở may sẵn, cấp phát ngay trong đêm tổ chức cuộc họp. Khấp khởi vui mừng, nhưng chưa hết nỗi lo nhất là số cờ ông mang dù đã bí mật cuốn nhỏ nhét vào các ống lồ ô cắm vào mấy bó củi để ngoài hiên nhà. Lúc đó nhà lý trưởng Trần Hoang, là mật thám Pháp kề sát nhà ông Truyền nên mọi động tĩnh đi về của ông đều bị theo dõi. Thế nhưng chúng đều không hề hay biết một đội viên du kích Vũ Hùng, tổ trưởng cứu quốc đang trong vỏ bọc thầy giáo dạy học ở cạnh đó. Khi cách mạng nổ ra ông Tuyền cho người bắt ngay tên lý trưởng trong sự ngỡ ngàng của chúng. Riêng công việc rèn đúc vũ khí gặp thuận lợi vì nhiều cơ sở của ta là những thợ rèn ở khối phố Hồng Lư. Không ai nói với ai điều gì nhưng tất cả đều ngấm ngầm chờ đợi cuộc cách mạng nổ ra chẳng còn xa nữa.

Khoảng 15 giờ 30 chiều 18.8.1945, ông Bồng - một người đưa tin đến báo thời khắc tổng khởi nghĩa đã điểm. Ông Truyền lệnh ngay cho số học sinh đang theo học (đây là lực lượng sau này làm nòng cốt cách mạng đã được ông giác ngộ xây dựng bấy lâu) về nhà báo với cha mẹ mang gậy gộc giáo mác đến ngay Yểm xóm. Sau khi nghe phổ biến chủ trương nổi dậy giành chính quyền, những người dân có mặt hôm đó dưới sự chỉ huy ông Truyền kéo ngay về đình làng Hương Trà. Ông Truyền trực tiếp phá cửa đình, gióng trống tập hợp nhân dân. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ sau, hàng trăm người dân trong vùng đã tề tựu ở sân đình trong khí thế rầm rập tiến công. Mọi người kéo đến đánh chiếm đồn Tuần Đinh. Bọn lính Pháp kéo nhau bỏ chạy. Ta chiếm lĩnh đồn treo cờ cách mạng, cắt cử bảo vệ trực canh và bảo vệ cầu Tam Kỳ, sợ địch lén lút phá cầu.

Tiếp đó, đội quân cách mạng kéo đến đánh chiếm đồn Thương Chánh một cách dễ dàng. Tại khối phố Hồng Lư dưới sự chỉ huy của đội viên cứu quốc Hồ Ngọc Thành, dân làng cũng nhanh chóng nổi dậy, làm chủ chính quyền. Sáng 19.8.1945 đội quân cách mạng khắp nơi kéo đến bao vây phủ đường Tam Kỳ và đồn Đại Lý (Bảo tàng Tam Kỳ bây giờ) do Quản Lộc - tên quan một của Pháp đứng đầu. Cuộc nổi dậy, khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Tam Kỳ hoàn toàn thắng lợi, ông Hồ Ngọc Thành được giao đảm trách Chủ tịch Ủy ban lâm thời và ông Trần Văn Truyền là Thư ký Ủy ban lâm thời cách mạng Tam Kỳ.

VÕ TRƯỜNG

VÕ TRƯỜNG