Người con xứ Quảng và "âm mưu" đánh tráo bộ quần áo Bác Hồ
Chỉ trong vòng 3 năm trên cương vị lãnh đạo của 2 đơn vị khác nhau, một người con xứ Quảng đã lập được “kỷ lục” đón Bác Hồ về thăm 2 lần. Và cảm động hơn khi biết ông chính là “chủ mưu” trong kế hoạch đánh tráo bộ quần áo của Bác Hồ, đồng thời cũng là người may bộ quần áo mặc cho Bác nằm trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày nhân dân cả nước tưởng niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về thăm Thiếu tá Trần Mịch (SN 1922), một người con gốc Quảng Nam từng nổi tiếng với “âm mưu” đánh tráo bộ quần áo của Bác Hồ.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở đường Thái Phiên (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), sau ly nước trà mời khách, ông Mịch kể về kỷ niệm những lần được gặp Bác trong niềm tự hào.
Giám đốc Trần Mịch giới thiệu với Bác Hồ các công đoạn sản xuất khi Người đến thăm Xí nghiệp May 10. |
Ông Mịch sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, 4 người anh của ông đã anh dũng hy sinh trên quê hương Thăng Bình khi tuổi mới đôi mươi. Tháng 4.1945, ông Mịch tham gia cách mạng tại quê nhà Thăng Triều (nay là xã Bình Giang, Thăng Bình). Năm 1947, ông được bầu giữ chức Bí thư Ban cán sự huyện kiêm đặc phái viên Ủy ban chấp hành 6 xã vùng đông Thăng Bình. Năm 25 tuổi, ông được cử làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Trà My.
Tháng 5.1950, Chiến dịch Biên giới ráo riết được chuẩn bị. Nhận lệnh điều động của Khu ủy, ông khăn gói đi bộ ròng rã gần 3 tháng vượt Trường Sơn ra Bắc. Vừa ra đến nơi, chân ướt chân ráo, ông đã được trung ương giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng Cục quân nhu, chuyên lo về việc may mặc.
Ông Trần Mịch kể về kỷ niệm trong những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ảnh: KHƯƠNG MỸ |
Đến giữa năm 1956, ngành quân trang rời chiến khu về thủ đô, ông Mịch trở thành giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp May 10 - Tổng cục Hậu cần. Lên nắm cương vị lãnh đạo, ông cán bộ nói rặt tiếng Quảng Nam nhanh chóng thu phục lòng người. Ông là người phát động phong trào “Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh” khiến cả nghìn công nhân thi đua nhau sản xuất. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ông nhanh chóng đưa xí nghiệp vang danh khắp cả nước. Đến giữa tháng 1.1959, xí nghiệp vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Thấy đơn vị có sự tiến bộ vượt bậc, Bác rất vui và hết lời khen ngợi.
Cũng trong lần đó, khi được đứng cạnh Bác, ông Mịch thấy bộ quần áo ka ki mà Bác đang mặc đã cũ kỹ, sờn màu. Ông nói với thư ký của Bác là đồng chí Vũ Kỳ: “Chúng tôi có nguyện vọng may biếu Bác bộ quần áo, anh thấy có nên không?”. Suy nghĩ hồi lâu, ông Vũ Kỳ lắc đầu vì hiểu tính Bác không muốn vậy.
Nhưng thương Bác, ông Mịch vẫn quyết định may tặng Người một bộ áo quần mới. Thế rồi, khoảng một tuần sau, Bác Hồ nhận được bộ quần áo mới do Xí nghiệp May 10 gửi tặng. Bác vui vẻ nhận, Trần Mịch đắc chí cười vì tưởng mình đã thành công. Sau đó Bác viết thư khen ngợi tinh thần thi đua của đơn vị: “Bác rất vui lòng, các cô các chú có tiến bộ khá về: “Đoàn kết thân ái/ Liên tục thi đua/ Cải tiến kỹ thuật/ Tăng gia sản xuất/ Thực hành tiết kiệm/ Quản lý xí nghiệp…”. Kèm với thư khen, Bác gửi trả bộ quần áo để xí nghiệp thưởng cho người có thành tích tốt nhất trong đơn vị.
Thời gian sau đó, Bác chuẩn bị sang thăm Indonesia. Thấy bộ quần áo ka ki của Bác đã quá cũ kỹ, ông Vũ Kỳ lén mang bộ quần áo đó sang đưa cho Giám đốc Trần Mịch bàn với nhau may thêm một bộ quần áo giống hệt như vậy. Ông Mịch cho biết, phải kỳ công lắm ông mới tìm đúng loại vải y mẫu, cúc áo đúng kiểu và đã qua sử dụng. Rồi khi may xong, đích thân ông lại tự mình giặc ủi cả chục lần cho vải cũ đi để Bác không nhận ra.
Bộ quần áo được may mới hoàn hảo và giống đến mức những người thợ lành nghề nhất Xí nghiệp May 10 cũng không thể nhận ra đâu là phiên bản. Cứ ngỡ kế hoạch đã thành công, thế nhưng khi chuẩn bị áo quần để đi, Bác chợt gọi thư ký Vũ Kỳ lại nói: “Chú Kỳ, bộ quần áo này đâu phải của tôi!”. Biết không thể giấu được nữa, ông Vũ Kỳ phải khai nhận đã cùng với Trần Mịch “đánh tráo” bộ quần áo của Bác. Không nỡ phụ tấm lòng của các đồng chí, Bác chấp nhận mặc bộ quần áo mới, nhưng căn dặn: “Mình không nên lãng phí, vì người dân nước mình còn nghèo lắm, phải biết tiết kiệm”.
Càng cảm động hơn khi biết, năm 1969, lúc Bác mất, ông Trần Mịch là một trong hai người được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ may bộ áo quần để Người mặc nằm trong Lăng. “Nhận nhiệm vụ, tôi và anh Trần Quảng - Trưởng phòng Kỹ thuật của Xí nghiệp May 10 trực tiếp chọn vải, còn các số đo thì chúng tôi lấy lại từ lần “âm mưu” đánh tráo bộ quần áo của Bác lúc trước” - ông Mịch xúc động kể.
Trong không gian nhỏ của ngôi nhà ông Mịch, chúng tôi cảm giác như đây là một “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”, bởi nhìn đâu cũng thấy ảnh Người. Giới thiệu với chúng tôi tấm ảnh có Bác Hồ đang đứng nhìn bình gốm sứ, ông Mịch cười tươi rói nói: “Chú biết người đàn ông mặc áo trắng đứng bên trái Bác là ai không?”. Tôi cố quan sát hồi lâu chợt nhận ra rằng người trong hình chính là ông Mịch. Hỏi ra mới biết, năm 1962, Thiếu tá Trần Mịch được điều về làm Giám đốc Nhà máy sứ Hải Dương. Dưới sự điều hành của ông giám đốc “mát tay”, nhà máy sứ phất lên phơi phới và cũng vinh dự được đón Bác về thăm.
Đưa cho tôi xem những huân chương về chiến công của mình, ông Mịch nói: “Lần đó khi đến nhà máy sứ, Bác nhận ra tôi ngay và bảo “Lại là chú đấy à! Cố gắng làm việc để nhà máy sứ phát triển mạnh như xí nghiệp may nhé””.
Có lẽ, bây giờ, với người cựu chiến binh xứ Quảng ấy, hồi ức được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời, là kỷ niệm không bao giờ quên. Và việc ông Trần Mịch chỉ trong vòng 3 năm được 2 lần đón Bác về thăm trên cương vị lãnh đạo của 2 đơn vị khác nhau quả là một “kỷ lục”.
KHƯƠNG MỸ