Người con "Quảng Nam hay cãi"

DƯƠNG QUANG MINH 07/08/2015 08:52

Tính cách Quảng

Đầu năm 1967, lần đầu tôi gặp ông Mai Thúc Long trong một buổi giao ban Ban biên tập miền Nam. Lúc bấy giờ ông mới là Trưởng phòng Thành thị miền Nam kiêm Bí thư Chi bộ Đảng. Ấn tượng ông để lại trong tôi là vóc người nhỏ nhắn, ánh mắt tinh tường và đặc biệt là giọng nói đanh sắc với những ý kiến khúc chiết. Khi biết ông là dân Quảng Nam tập kết, là cây bình luận thời sự chính trị xuất sắc của đài, tôi nhớ đến thành ngữ “Quảng Nam hay cãi”.

Trong quá trình làm việc dưới quyền ông, có lần tôi hỏi: “Những gì được đúc kết trong  thành ngữ Quảng Nam hay cãi?”. Ông cười rất hiền và nói: “Dân xứ Quảng thường là trầm tĩnh, ít nói, nhưng khi đã nói thì không kém phần sắc bén”. Ông kể, có lần ông gặp vị giám đốc cùng quê đang tranh luận với một cán bộ cấp dưới. Được hỏi “sao nảy lửa đến vậy?”, vị ấy đáp “phải tranh luận cho ra lẽ!” và nhận xét rằng: “Cậu ấy biết mới dám cãi. Dám cãi chứng tỏ có bản lĩnh”. Rồi ông Long bình luận: “Cãi nhau vì chuyện cá nhân, vị kỷ, chỉ vì mình… là dở. Nhưng tranh luận về những vấn đề quốc kế, dân sinh, vì lợi ích chung… thì đó là điều hay, nên khuyến khích. Người xứ Quảng thích rạch ròi, phân minh, dứt điểm. Những gì chưa đồng tình thì phân tích mổ xẻ đến cùng, xong việc lại cười xòa, không mấy khi để bụng”. Nghe ông nói, tôi thấm sâu vẻ đẹp cả lý lẫn tình của câu thành ngữ đã được đúc kết và lưu truyền.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Mai Thúc Long (hàng trước, thứ hai từ trái sang) cùng các thế hệ phóng viên của đài. Ảnh nhandan.com.vn
Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Mai Thúc Long (hàng trước, thứ hai từ trái sang) cùng các thế hệ phóng viên của đài. Ảnh nhandan.com.vn

Đài Tiếng nói Việt Nam là tờ báo giờ. Trong chiến tranh, tính khẩn trương của đài còn hơn. Những gì vừa xảy ra được đài truyền ngay đến tai người nghe. Do vậy người nhà đài phải làm việc khẩn trương, liên tục. Cũng do vậy, biên tập viên nào thiếu tập trung trong lúc khai thác tin tức dễ xảy ra sai sót. Ông Mai Thúc Long không bằng lòng trước những sai sót ấy. Ông nhắc đi nhắc lại: “Được sống trong môi trường làm việc khẩn trương là rất tốt cho việc rèn luyện tay nghề. Người làm báo phải có lòng tự trọng, khi hạ bút nhả chữ phải cân nhắc, không được viết bừa”. Một lần trao đổi cách dùng từ trong một bài bình luận, ông hỏi tôi có thích câu thơ cổ “Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ lưu”. Tôi chưa kịp nhận ra, ông đã giải thích: “Ba năm trời viết được hai câu thơ thì đủ thấy chữ nghĩa đâu có dễ. Song chúng ta làm báo và lại làm báo trong thời buổi chiến tranh hiện đại, thì tính tác chiến rất cao, phải “hạ bút nhả chữ”, sử dụng ngôn từ phải điêu luyện và điêu luyện ngay lập tức. Có vậy mới xứng đáng với danh nghĩa người làm báo cách mạng”. Nghe ông, tôi nhận ra ông đang lưu ý cánh làm báo trẻ ở đài phải rèn luyện tính nhanh nhạy và cẩn trọng.

Năm tháng không quên

Sinh năm 1930 ở xã Ðiện Phước, Ðiện Bàn, ông Mai Thúc Long sớm tham gia cách mạng và kháng chiến ở quê nhà; năm 1949 được kết nạp vào Ðảng. Ông bước vào nghề báo từ năm 1950 khi công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Quảng Nam, phụ trách xuất bản tờ Tin Ðoàn, rồi về Liên ty Thông tin Bình Ðịnh - Quảng Ngãi, phụ trách Phòng Thông tin, tuyên truyền - phát thanh huyện Mộ Ðức (Quảng Ngãi).

Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954, ông tập kết ra bắc, về công tác ở Ðài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Từ một bình luận viên trở thành cán bộ lãnh đạo Ban Biên tập miền Nam, Ban Biên tập Ðối ngoại rồi Phó Tổng Biên tập Thường trực, Phó Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam. Ông là cây bút bình luận năng động, sắc sảo, nhạy bén, đáp ứng rất kịp thời với yêu cầu luôn luôn khẩn trương của công tác phát thanh.

Hơn 40 năm làm việc ở Ðài Tiếng nói Việt Nam, ngoài công tác lãnh đạo rất bận rộn, khẩn trương, ông đã viết hàng nghìn bài báo gồm các thể loại: bình luận, phiếm luận, phóng sự, tản văn, bút ký... Ông là tác giả tập sách “Trong và ngoài nghề báo” (bút danh Hoàng Phương) do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Với những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhà báo Mai Thúc Long đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Ðảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông qua đời lúc 1 giờ sáng 3.8.2015 tại Hà Nội sau một thời gian bệnh nặng.

Phải nói, đối với chúng tôi, những sinh viên ngành ngữ văn ra trường, được về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam là phù hợp, lại được gặp ngay thủ trưởng Mai Thúc Long ai cũng mừng, bởi học được ở ông nhiều điều. Chính sự sắc sảo của ông đã giúp chúng tôi nhanh chóng trưởng thành nhiều mặt. Các nhà báo Trần Nhật Lam, Trần Nguyên Vấn, Nguyễn Kim Trạch, Trúc Thông, Phan Đắc Lập, Nguyễn Viết Bình, Hồ Văn Lại, Trần Thị Ái, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tất Thắng, Đào Xuân Tân… đã lọt vào “mắt xanh” của ông sau khi được giao viết một vài đề tài, rồi được bồi dưỡng thành những cây bút chủ lực của các chương trình phát thanh vào Nam. Hai nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, Trần Quang Khải đã vững vàng trên vị trí Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về sau. Nhà báo Vũ Văn Hiến - nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhắc mãi buổi khởi đầu nghề báo nghiêm ngặt dưới trướng ông Mai Thúc Long ở Ban Biên tập miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Với tôi, không thể nào quên những kỷ niệm có ý nghĩa. Cách đây gần 50 năm, ông Mai Thúc Long và ông Trần Quang Mẫn - Trưởng phòng Thời sự miền Nam phối hợp với Đoàn thanh niên cơ quan bồi dưỡng tôi trở thành đảng viên, trong điều kiện cha tôi thuộc thành phần tiểu chủ (thành phần mà chính quyền cách mạng thời đó chưa đặt hết niềm tin). Về sau, tôi lại được ông Mai Thúc Long nhất trí với đề xuất của ông Phan Quang - Tổng Giám đốc đài cử lên làm việc tại Vụ Thông tin - báo chí Văn phòng Chính phủ.

Thời gian trôi quá nhanh. Thế hệ chúng tôi được ông Mai Thúc Long tận tình dìu dắt trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, giờ đây về hưu đã gần hết. Dù vậy, hàng năm, vào dịp lễ tết, nhất là vào dịp kỷ niệm “Ngày giải phóng miền Nam 30.4”, chúng tôi lại quây quần bên ông, ôn lại “một thời làm báo vang bóng” của Ban Biên tập miền Nam. Ai cũng mừng, thấy ông, nhà lãnh đạo còn sót lại của Ban Biên tập miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thời chiến tranh vẫn khỏe, thân tình và cả trẻ trung nữa, dù bước vào thiên niên kỷ mới ông đã tuổi hơn 80.

Nhưng rồi, quy luật sinh tử không ai cưỡng nổi. Vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 này, trời Hà Nội hết nắng gắt lại mưa dầm, ông Mai Thúc Long không thắng nổi bệnh gan phát sinh từ 10 năm trước, đã từ giã cõi đời. Thế là chúng tôi mất ông, người thầy, người anh, người bạn... Vĩnh biệt ông, tôi viết mấy dòng thơ bày tỏ lòng thương nhớ và xin được gọi bằng “anh”, như thời tôi làm việc và trưởng thành bên ông: “Anh Long ơi!/ Năm mươi năm vui bên anh/ Như chim rộng cánh, như cành thắm hoa/ Bây giờ anh bước đi xa/ Chim như bớt cánh, hoa như bớt cành...”.

DƯƠNG QUANG MINH

DƯƠNG QUANG MINH