Thương binh làm kinh tế giỏi
Là người đầu tiên áp dụng mô hình chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt ở Điện Hòa, giờ đây, sau bao thăng trầm, người cựu chiến binh Nguyễn Kéo đã chứng minh bộ đội Cụ Hồ không chỉ biết cầm súng mà còn làm kinh tế giỏi.
Về thôn Đông Quan (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) hỏi đến ông Kéo cựu chiến binh thì nhiều người biết và tận tình chỉ dẫn khách. Tới nhà ông, mặc dù đang tất bật với việc lấy bình nước, nhận bắp về xay thức ăn cho gà nhưng ông vẫn hồ hởi, đon đả tiếp chuyện. Đi bộ đội từ năm 14 tuổi, thuộc đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh, ông Kéo từng nhiều lần vào sinh ra tử với nhiều trận đánh oanh liệt. Ông từng bị thương nặng ở khu vực dốc Đó (phường Điện Dương, Điện Bàn), được công nhận là thương binh hạng 3/4¾. Giải phóng trở về, vốn liếng lận lưng của ông sau mười năm cầm súng chỉ là… hai bàn tay trắng. Thậm chí ngày về, cách đan thúng ông cũng không biết, phải theo cha mày mò học lại.
Làng quê Điện Hòa bao đời nay chỉ gắn với con trâu, cây lúa nên hai mươi năm sau ngày giải phóng, ông Kéo cũng chỉ biết gắn theo với nghiệp này. Năm nào ông cũng quần quật với 10 sào ruộng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Đến năm 1997, ông xem trên tivi và bàn với vợ về việc nuôi cá thoát nghèo, sau đó được hàng xóm thương tình cho mượn mấy chỉ vàng làm vốn đầu tư. Nói là làm, ông bán trâu đổi ruộng để lấy mặt nước mua cá giống về thả nuôi trong niềm hy vọng. Nhưng lận đận vẫn chưa qua khi thiên tai giáng xuống liên tiếp vào hai năm 1998 và 1999 làm gia đình ông lại trắng tay. Nước lụt tràn về cuốn đi mẻ cá chưa kịp thu hoạch của ông. Những năm sau đó, dù vẫn nuôi cầm chừng nhưng khi mùa lụt chưa tới thì vợ ông Kéo đã thu hoạch đem bán hết cá. Việc “bán cá non” này khiến các mẻ cá không thu lãi được bao nhiêu trong khi gia đình vẫn đang rất lao đao. Không chấp nhận đầu hàng số phận, năm 2002 ông quyết định giữ toàn bộ số cá trong hồ qua mùa lũ chấp nhận “được ăn cả ngã về không” và cuối cùng trời đã không phụ lòng người khi mẻ cá năm ấy ông thu lãi được hơn 40 triệu đồng, một số tiền rất lớn khi đó đủ để trả hết số nợ và tái đầu tư cho các lứa tiếp theo. Lúc ấy nhiều cá nhân, tổ chức ở Tam Kỳ, Quế Sơn… về nhà ông để tìm hiểu, học tập mô hình, phương pháp nuôi cá đem lại hiệu quả cao này. “Hồi đó, họ thấy tui nuôi cá được quá nên khắp nơi trong tỉnh kéo về tham quan, học hỏi, tui cũng nhiệt tình chỉ từng chi tiết những cái họ thắc mắc; có người còn dúi tiền bồi dưỡng công chỉ dẫn nhưng tui không nhận, họ nói là tỉnh tặng tui mới miễn cưỡng nhận. Đến năm 2003, gần như cả thôn Đông Quan người người nhà nhà thuê máy xúc về vét hồ nuôi cá đó” - ông Kéo nói cười sảng khoái.
Hiện tại, ngay trước vườn nhà ông là nửa héc ta mặt nước thả nuôi nhiều loại cá nước ngọt như trắm cỏ, mè, diêu hồng, rô phi… Trên mặt hồ ông còn xây chuồng để thả gà nhằm tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi và phân gà để giảm bớt lượng thức ăn cho cá dưới hồ. Tổng cộng mỗi lứa ông nuôi 3.000 con gà, khoảng 45 ngày cho xuất chuồng, trừ chi phí thu nhập ước đạt 20 triệu đồng. Với 5.000m2 hồ cá, mỗi năm ông thả hai lứa nếu suôn sẻ thì thu hoạch được 5 - 6 tấn cá, có thể thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm bò, heo và gà đá. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ông đã được mời dự Hội nghị chiến sĩ thi đua và được tặng Huy hiệu chiến sĩ thi đua của tỉnh.
QUỐC TUẤN