Học cụ Huỳnh về việc học

LÊ THÍ 17/06/2015 08:38

Huỳnh Thúc Kháng không những là chí sĩ cách mạng kiên cường mà còn là một trong những nhà trí thức hàng đầu của nước ta.

Về nho học, cụ là đại khoa tiến sĩ, là một trong hai Song nguyên của“đất học Quảng Nam”, đã hai lần đỗ thủ khoa trong các khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) và khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904).

Về tân học, cụ là nhà báo kỳ cựu, tài năng và đầy bản lĩnh, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút của Báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ uy tín nhất, sống lâu nhất ở Miền Trung thời đó. Tờ báo có xu thế chính trị rõ rệt, xuất bản công khai, gắn với những thời điểm lịch sử đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ là tác giả của hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại và bút danh khác nhau từ xã luận, bình luận tình hình thế giới đến vịnh sử, ký sự, phóng sự, truyện dịch, phổ biến kiến thức khoa học, truyện ngắn, dịch thơ...

Trụ sở Báo Tiếng Dân tại Huế.Ảnh: H.T.P
Trụ sở Báo Tiếng Dân tại Huế.Ảnh: H.T.P

Ngọn Thái Sơn về nhân cách và học thuật

Là một tiến sĩ nho học nhưng cụ Huỳnh lại thông thạo cả chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Cụ sử dụng thành thạo chữ quốc ngữ để viết báo, sử dụng tiếng Pháp để giao tiếp với người Pháp, nghiên cứu những tác phẩm mang tính kinh điển về triết học, xã hội học... của các tác giả người nước ngoài.

“Những chuyện mấy bậc vĩ nhân Đông Tây xưa nay, biết bao nhiêu điều đủ làm gương cho người sau học theo…  Bắt chước được một việc thì dầu ai đọc thuộc trăm nghìn quyển sách cũng chẳng hơn chi.
Cái trường học để “làm người” đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta”.(Huỳnh Thúc Kháng)

Cụ là một học giả, một nhà văn hóa, xứng đáng được người cùng thời xưng tụng là ngọn Thái Sơn về nhân cách và học thuật. Ở bất cứ cương vị nào cụ đều thể hiện sự lịch lãm, thấu đáo, uyên bác.

Thế nhưng, chỉ có kiến thức về nho học là cụ Huỳnh được học một cách bài bản ở các trường lớp nho học thời đó. Bắt đầu ở trường làng, rồi trường huyện, trường tỉnh, và cụ được thọ giáo với nhiều vị thầy danh tiếng như phó bảng Nguyễn Đình Tựu, tiến sĩ Trần Đình Phong, những nhà sư phạm nổi tiếng từng làm Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc tử giám. Còn lại tất cả kiến thức khác kể cả những kiến thức về nghề nghiệp tạm thời như bốc thuốc, làm thư ký, làm kế toán... cụ đều tự học. Học từ trường đời cả.

Trong việc học của Huỳnh Thúc Kháng có nhiều điều đặc biệt mà các nhà nghiên cứu về cụ cần lưu ý:
Huỳnh Thúc Kháng là người của khoa cử, học rộng đỗ cao nhưng cụ không coi trọng bằng cấp, không lụy vào bằng cấp. Năm 1900 đỗ Giải nguyên, nhưng vì tang cha cụ không đi thi Hội, mãi đến năm 1904 cụ mới đi thi và đỗ đầu tiến sĩ. Thi xong cụ cương quyết không ra làm quan. Đối với cụ tấm bằng tiến sĩ nho học chỉ là để khỏi phụ lòng mong mỏi của thân phụ lúc sinh tiền chứ không phải là phương tiện để mũ cao áo dài. Giã từ con đường khoa bảng, cụ lao vào học chữ quốc ngữ để tìm con đường mới đưa đất nước ra khỏi tăm tối, ngu dốt, nghèo đói và nô lệ.
Mặc dù có học vị cao, kiến thức uyên bác về nhiều mặt, cụ luôn là người hết sức khiêm tốn. Cụ luôn cho rằng trình độ của mình còn yếu. Với trình độ Pháp văn, cụ đã nghiên cứu để giới thiệu học thuyết của John Deway trên báo Tiếng Dân số 290 ngày 14.6.1930. Đây là một tác phẩm khó đọc ngay cả đối với chúng ta ngày nay. Thế nhưng cụ bảo: “Tuy chúng tôi học bằng con mắt và bộ não nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái...” (Sđd trang 144).
Khoa cử đã đưa cụ Huỳnh Thúc Kháng lên vị trí cao trong xã hội nhưng cụ hoàn toàn không coi trọng bằng cấp mà coi trọng thực học, hiệu quả của việc học. Điều này thể hiện rõ trong đời cụ. Vừa học xong với một nhà khoa bảng, sư phạm nổi tiếng là phó bảng Nguyễn Đình Tựu cụ cũng sẵn sàng về học với một cụ đồ nho trong làng. Điều này cũng cho thấy cụ rất coi trọng vai trò tự học của cá nhân.
Huỳnh Thúc Kháng rất coi trọng việc học từ trường đời. Cụ cùng các nhà cách mạng đồng thời đã coi Côn Đảo là “trường học thiên nhiên”. Cụ là người chủ trương học ở mọi nơi, học từ tất cả mọi người mọi thứ, học suốt đời.

Về chữ quốc ngữ, cụ học từ khá sớm, khoảng năm 1906, thời kỳ cụ cổ xúy cho phong trào Duy tân. Việc học chữ quốc ngữ của cụ chỉ có thể nắm được vài nét sơ lược thông qua những thông tin hiếm hoi mà cụ hé lộ trong quyển hồi ký của mình: Huỳnh Thúc Kháng niên phổ. Cụ viết: “Thành Thái năm thứ 18 (Bính Ngọ - 1906) nửa năm đầu, dạy học tại làng Mỹ An trong tổng, kế đó cùng các thân hào bằng hữu đề xướng chung vốn lập thương cuộc tại Hội An, cùng lập trường học, hội nông, trồng quế... Tùy theo phong khí biến đổi trong nước, nào ăn mặc theo Âu Tây, cúp tóc, náo nhiệt một thời...” (trang 37). “...Năm 29 tuổi (Giáp Thìn) đỗ tiến sĩ; 31 tuổi bắt đầu học chữ quốc ngữ...” (trang 9).

Về tiếng Pháp cụ bắt đầu học sau khi ra Côn Đảo, cụ cho biết: “...Công dịch rảnh, tôi cùng Tập Xuyên lo học tập chữ Tây; ngày sau tôi có đem về cuốn Tự điển Việt Pháp của Trương Vĩnh Ký; sau có mua thêm sách giáo khoa mấy quyển. Tôi biết được một ít chữ Tây, bắt đầu từ đó” (Sđd, trang 48).

Từ nhu cầu phục vụ con người

Khi ở Côn Đảo nhờ có vốn chữ quốc ngữ và chữ Pháp mà cụ được chọn vào làn thư ký trong văn phòng của Trưởng ngục. Nhờ làm việc ở đây mà cụ có điều kiện để biết thêm một số tài liệu về những bản án mà thực dân Pháp và Nam triều gán cho các nhà Duy tân và làm sáng tỏ được nhiều điều về giai đoạn lịch sử này nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cụ đã học thêm nghề làm thư ký và nghề kế toán. Cụ bảo: “Đối với công văn thư trác và sổ sách kế toán, tôi biết được đại khái đôi chút, đều nhờ lúc đó. Gọi là trường học thiên nhiên thật đúng”.

Sau khi ở Côn Đảo về, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng mày mò học nghề y để mưu sinh nhưng chủ yếu phục vụ cho đồng bào trong vùng. Cụ bảo: “Ngày tôi ở đảo về, chính đúng sau nạn đói và dịch. Cả huyện Tiên Phước tiều tụy quá chừng; các làng lân cận nhiều người cảm thời chứng, các danh y đều không làm gì nổi”. Vì thế: “Từ ấy trong làng xóm, người nào có bệnh ngày đêm đến gõ cửa, tôi không thể từ chối được trong việc cứu người, thành phải nghiên cứu lại nghề thuốc...”.

Qua những sự việc trên cho thấy việc học của cụ, kiến thức của cụ hết sức đa dạng và tất cả đều xuất phát từ lòng ham hiểu biết, từ nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu phục vụ cho con người. Để có được những kiến thức đa dạng đó, để trở thành một học giả, một trí thức hàng đầu của đất nước không phải tự nhiên mà Huỳnh Thúc Kháng có được, cụ đã phải cần cù học tập và học tập suốt đời. Ngay cả khi lãnh án tử hình và bị đày ra Côn Đảo không biết sống chết thế nào cụ Huỳnh vẫn mang theo sách để học. Con người ham học, coi việc học như thế mà không trở thành một học giả, một trí thức mới là điều lạ!

Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là do quan điểm của cụ đối với sự học. Quan điểm đó được cụ thể hiện trong một câu ngắn gọn được đăng trên báo Tiếng Dân: “Có một câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng của sự học là: Học để làm người!”. Cụ lý giải: “Cái học làm người này, nói về học khóa cần thiết thì người thông thường ai cũng có thể theo sức lực cùng bản năng của mình mà làm hết phận sự…”.

Những dấu ấn văn hóa

Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là sử gia của phong trào Duy tân như học giả Nguyễn Văn Xuân từng đề cao mà còn là nhà sử học thực sự với nhiều công trình về sử học quan trọng góp phần rất lớn vào việc nghiên cứu lịch sử đấu tranh cách mạng thời cận đại như: Cuộc cự sưu ở Trung Kỳ năm 1908 (Trung Kỳ cự sưu ký); Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân; Một ít dật sử trên đoạn sử Việt Nam Cách mạng trong thời kỳ Pháp thuộc (1885 - 1945); Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử; Thơ văn của các nhà chí sĩ Việt Nam; Bức thư trả lời Kỳ Ngoại Hầu Cường Để; Thi tù tùng thoại (thực chất là một cuốn sử tù).
Ngoài ra, những bài viết trên báo Tiếng Dân cũng là những công trình nghiên cứu lịch sử quan trọng như việc giới thiệu chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa dựa vào những hiểu biết về quần đảo này mà Lê Quý Đôn trình bày cụ thể trong tác phẩm nổi tiếng Phủ biên tạp lục.
Cụ còn là một dịch giả. Hai tác phẩm dịch quan trọng mà cụ để lại dấu ấn là:
Gia đình giáo dục; Xã hội tư tưởng sử. Hay việc cụ dịch để giới thiệu học thuyết của John Deway trên báo Tiếng Dân số 290 ngày 14.6.1930. Cụ cũng là người dịch nhiều bài thơ chữ Hán của các bạn tù đăng trong Thi tù tùng thoại hay đăng trên báo Tiếng Dân sau này.
Cụ là một tác gia, một nhà văn hóa. Công trình hàng nghìn trang trên báo Tiếng Dân về các vấn đề mang tính thời đại, xứng đáng để cụ được đời sau vinh danh về mặt văn hóa.

LÊ THÍ

LÊ THÍ