Lê Thị Kinh và bộ sách viết về ông ngoại

LÊ BÌNH TRỊ 31/05/2015 07:59

Ở tuổi 90 nhưng bà Lê Thị Kinh vẫn còn rất minh mẫn, là người hương khói và lưu giữ những di vật của chí sĩ tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng.

Lê Thị Kinh là tác giả của bộ sách Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới do NXB Đà Nẵng ấn hành. Tập I dày 954 trang, xuất bản năm 2001, tập II dày 816 trang, xuất bản năm 2003.

Đây là bộ sách hết sức đặc biệt. Đặc biệt vì sách được viết bởi một người không chuyên nhưng lại là người trong cuộc, cháu ngoại của nhà cách mạng. Bộ sách tập hợp đầy đủ nhất các tư liệu gốc về cụ Phan: sách dày hơn 1.700 trang, dày gấp 2 lần các quyển sách được các tác giả khác nghiên cứu về Phan Châu Trinh như của Huỳnh Lý, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Q. Thắng, Chương Thâu, Thu Trang…. Sách lồng ghép tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau gồm các di cảo được lưu giữ trong gia đình, từ các nhà nghiên cứu trong nước và quan trọng nhất là tư liệu sưu tầm được ở nước ngoài, chủ yếu lấy từ Trung tâm Lưu trữ hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre-mer, thành phố Aix-en-Provence, miền Đông Nam nước Pháp), thư khố quân sự và thư khố vùng Paris…  Đây là những tư liệu gốc, có tài liệu chưa một lần được các nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp sờ vào.  

Đặc biệt, bởi đây là bộ sách nghiên cứu về Phan Châu Trinh được viết trung thực nhất vì chủ yếu giới thiệu tư liệu và không đưa ra những đánh giá và nhận định nào. Bộ sách được đầu tư trong suốt hơn 10 năm, được sự ủy thác và kỳ vọng của cả gia tộc, làm việc trong những điều kiện đặc biệt: “Phan Châu Trinh là nhà yêu nước có vị trí đặc biệt trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Do điều kiện hoạt động ở ngoài nước trong thời gian dài (14 năm ở Pháp, về nước chỉ có 9 tháng thì qua đời) nên dù tang lễ Phan Châu Trinh là một sự kiện lịch sử quan trọng nhưng sự hiểu biết về cuộc đời hoạt động của nhân vật lịch sử này vẫn còn hạn chế. Gần đây giới nghiên cứu sử học trong và ngoài nước có cố gắng sưu tầm tư liệu về cụ, đặc biệt tiến sĩ Thu Trang, một Việt kiều tại Pháp, có viết cuốn “Phan Châu Trinh tại Pháp” với một số tài liệu mới phát hiện trong những năm 1970 tại Thư khố Bộ Ngoại giao Pháp, nhưng vẫn chưa đầy đủ (…).

Lê Thị Kinh.
Lê Thị Kinh.

Lê Thị Kinh có bí danh Phan Thị Minh là nhà giáo, nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu lịch sử không chuyên. Bà sinh năm 1925 ở xã Quế Phong huyện Quế Sơn. Bà là con gái lớn của giáo sư Lê Ấm và bà Phan Thị Châu Liên - chị nhà văn Phan Tứ và chị em bạn dì của Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN.

Ông nội của bà là một nhà nho nổi tiếng, cụ Lê Tự, đỗ cử nhân khoa 1900, khoa thi đặc biệt của sĩ tử Quảng Nam; ông ngoại là nhà cách mạng kiệt xuất Phan Châu Trinh.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và cách mạng nên từ năm 16 tuổi bà đã tham gia trong các phong trào đấu tranh yêu nước ở trường Đồng Khánh và Quốc học Huế.

Năm 1945, bà vận động tham gia tổng khởi nghĩa tại quê nhà (huyện Quế Sơn). Cách mạng thành công bà tham gia UBND cách mạng huyện, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945.

Sau Hiệp định Genève tập kết ra Bắc dạy tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Về nước được cử làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp nhẹ Hà Nội. Tiếp đó, được điều động sang làm công tác đối ngoại, tham gia phái đoàn đàm phán Paris về Việt Nam. Sau năm 1975 tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao phụ trách hệ thống các tổ chức quốc tế. Từ năm 1982-1986 là Đại sứ Việt Nam tại Italia kiêm một số nước vùng Địa Trung Hải và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Roma (Ý). Năm 1986 bà về nước làm Vụ trưởng Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao. Năm 1990, khi ở tuổi 65, Bộ Ngoại giao mới đồng ý cho bà nghỉ hưu.

Được biết gần đây Thư khố quốc gia hải ngoại Pháp xây dựng tại Aix-en-Provence đã gom nhiều tài liệu về các phong trào, nhân vật quan trọng ở Đông Dương từ trước và trong đầu thế kỷ XX, Nguyễn Thị Bình và tôi  thấy có trách nhiệm phải góp phần sưu tầm tài liệu về người ông của mình. Tôi đã nghỉ hưu nên được ủy thác làm việc này. Sau hai đợt đi sưu tầm năm 1995 và 1998, tổng cộng 6 tháng ở Pháp, cộng với sự giúp đỡ về tài liệu và ý kiến của một số nhà nghiên cứu ở Pháp như giáo sư sử học Daniel Hesmesmeery,  giáo sư Hoàng Xuân Hãn, tiến sĩ Thu Trang, bác sĩ Hồ Tá Khanh… hoặc các nhà nghiên cứu trong nước như  giáo sư  Chương Thâu, Nguyễn Văn Xuân, Hồ Song… chúng tôi đã thu gom được hàng ngàn trang tư liệu quý giá liên quan tới Phan Châu Trinh…” (trích Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới).

Để có được những trang sách tâm huyết đó, Lê Thị Kinh đã phải trải qua những ngày làm việc vất vả, phải bán nhiều đồ đạc, vay của bạn bè hàng ngàn đô la; gõ cửa tòa Đại sứ Pháp để xin trợ cấp vé máy bay đi về; nhiều bữa phải uống nước lọc, ăn bánh mì, đi bộ hoặc tàu điện để đến các văn khố, kho lưu trữ lục lọi hàng đống tài liệu trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt bằng các phương tiện hiện đại. Rồi phải ngồi hàng năm để đọc, dịch, đánh giá, đối chiếu,  sắp xếp và viết lại. Đặc biệt nhất là bà phải làm việc một mình - một phần ở nước ngoài và phải hoàn thành một khối lượng công việc lớn như vậy  khi đang ở tuổi… 78.

Bộ sách đồ sộ nghiên cứu về Phan Châu Trinh vì vậy ra đời trong sự ngỡ ngàng  kính phục của dư luận!

Theo gương Lê Thị Kinh nhiều người đã tìm cách tiếp cận với các kho tư liệu ở hải ngoại, nhờ vậy nhiều trang lịch sử đấu tranh của các nhà chí sĩ  đã được phát lộ, nhiều tồn nghi về lịch sử cận đại đã được giải mã.

Không chỉ dốc sức để viết bộ sách đặc biệt về người ông ngoại xuất chúng, Lê Thị Kinh cũng là người bỏ nhiều tiền bạc và công sức vào việc xây dựng lại nhà lưu niệm của Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng (con gái Nguyễn Phương Nam của bà thiết kế). Hơn mấy chục năm qua, gia đình bà đã quản lý nhà lưu niệm, hương khói hàng năm và bảo quản các di sản quý báu của cụ Phan bằng nguồn lương hưu ít ỏi của mình và nguồn thu nhập của gia đình, chứ không bằng bất cứ nguồn tài trợ hay kinh phí nào của Nhà nước.

Ở nơi xa thẳm nào đó chắc cụ Phan Châu Trinh luôn mãn nguyện với tấm lòng mà người cháu ngoại tài ba và hiếu thảo đã dành cho mình.

LÊ BÌNH TRỊ

LÊ BÌNH TRỊ