Người "lính thép" và cô du kích nhỏ

ANH ĐÔNG - TÂM LÊ 12/05/2015 09:13

Chuyện tình của họ - ông Nguyễn Đình Tôn (SN 1945) và bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1947) - hiện sống tại làng Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn) giống như đóa hoa nở ra từ bom đạn.

Vợ chồng ông Tôn - bà Bảy. Ảnh: ĐÔNG LÊ
Vợ chồng ông Tôn - bà Bảy. Ảnh: ĐÔNG LÊ

Ký ức cựu binh

Về làng Bình Yên gặp đôi vợ chồng cựu binh già, chúng tôi nghe kể về những câu chuyện của một thời hào hùng. Năm 1964, khi mới tròn 19 tuổi, ông Tôn lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Có mặt trong nhiều trận đánh lớn nhỏ ông không tài nào nhớ nổi. Chỉ nhớ năm 1967, trên đường đi Tiên Phước nhận nhiệm vụ thì ông bị địch phục kích tại xã Tiên Sơn (Tiên Phước). Cùng đi với ông lúc đó còn có 3 đồng chí: 1 đồng chí cán bộ đại đội trưởng, 2 đồng chí chính trị viên đại đội. Cả 4 người đều bị thương, trong đó ông bị nặng nhất. Ông và đồng đội được dân đưa vào núi trú ẩn. Bảy ngày ẩn nấp trong núi, vết thương ở chân không được chữa trị nên nhiễm trùng nặng. Sau đó, Huyện đội Quế Sơn cử người đi tìm nơi chữa trị mới đưa được 4 đồng chí bị thương vào Bệnh viện 113 của Tỉnh đội đóng tại Tiên Phước. Sau một năm nằm tại chỗ trị thương, ông bắt đầu tập đi lại. Ba đồng đội còn lại, 2 người phải đưa ra Bắc chữa trị.

Đến nay, ông Tôn đã có 44 năm và bà Bảy 41 năm tuổi Đảng. Gia tài lớn nhất của họ là những người con. Ông bà cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 4 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Say mê kể chuyện chiến đấu, lâu lâu ông Tôn lại nở những nụ cười và ánh mắt trìu mến với người vợ bên cạnh. Tình yêu của họ đã nảy nở từ trong bom đạn chiến tranh ác liệt. Năm ông bị thương cũng là năm bà Bảy tham gia lực lượng du kích xã Phú Diên (nay là xã Quế Xuân, Quế Sơn) phụ trách công tác quân y, chăm sóc thương binh. Thời kỳ đó, Đại đội V11 nơi ông Tôn công tác được phân công chi viện lực lượng cho những xã khó khăn, trụ bám địa bàn với du kích địa phương và thực hiện ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Ông Tôn được phân công về địa bàn xã Phú Diên. Qua những ngày sát cánh cùng nhau, anh lính Tôn và cô du kích Bảy dần có cảm tình và đem lòng yêu thương. Sau khi chuyển từ Bệnh viện 113 của Tỉnh đội đóng ở Tiên Phước về Quế Sơn để tiếp tục điều trị vết thương ở chân, ông Tôn được cô du kích Bảy chăm sóc tận tình. Tình yêu gõ nhịp trái tim của hai người một cách thầm lặng, họ thương yêu, lo lắng và chia sẻ vui buồn với nhau. Năm 1972, bà Bảy làm quân y cho Huyện đội Quế Sơn sau khi hai người anh trai hy sinh trên chiến trường và cha mẹ đều mất. Đầu năm 1973, trong một lần đi tập huấn ở tỉnh, bà Bảy cùng nhiều đồng đội bị trúng mìn của địch tại Hố Dầu (Thăng Bình). Nhiều người hy sinh, chỉ mình bà Bảy may mắn sống sót nhưng bị thương nặng. Mỗi lần nhớ lại, bà không thể kìm được nước mắt khi nghĩ về đồng đội. “Tôi là người may mắn nhất vì còn sống đến ngày hôm nay, được có chồng, có con. Nhiều đồng đội đã không thể trở về…” - bà Bảy chia sẻ.

Hòa bình. Dù trên cơ thể mỗi người đều mang những thương tật chiến tranh. Nhưng cả ông Tôn và bà Bảy may mắn hơn nhiều đồng đội khác là còn sống sót. Hai người đến với nhau như một lẽ tất nhiên. Họ đồng cảm, chia sẻ nỗi đau mà chiến tranh để lại.

Bên nhau

Sau giải phóng, vợ chồng ông Tôn về làng Bình Yên sinh sống và tiếp tục tham gia công tác ở nhiều vị trí tại địa phương. Ông Tôn đảm nhận Thường vụ Đảng ủy xã Quế Phước (cũ), sau đó chuyển qua làm Xã đội trưởng, Trưởng công an xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ thôn Bình Yên. Dù làm ở vị trí nào, ông cũng tận tâm và nhiệt tình với công việc của mình, hết lòng vì bà con lối xóm. Ông Tôn tâm niệm: “Thời chiến vác súng ra chiến trường chiến đấu, coi bom đạn, sống chết rất bình thường thì ngày nay được cống hiến sức mình xây dựng quê hương trong độc lập, tự do như vậy là quá hạnh phúc và may mắn rồi”.

Sự cống hiến, hy sinh xương máu của ông bà cho hòa bình đã được thế hệ sau ghi nhận. Ngôi nhà cấp 4, rộng chừng 64m2 được sơn màu xanh, nền lát gạch men vừa xây dựng với kinh phí 170 triệu đồng, trong đó Quân khu V hỗ trợ 70 triệu đồng, là phần thưởng xứng đáng cho những hy sinh của vợ chồng ông Tôn.  Ông Tôn nói: “Không ngờ đến từng tuổi này mà có được ngôi nhà cứng cáp như vậy, hai vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết. Cả đời chúng tôi, làm đủ công việc nuôi con ăn học thành người là may rồi, lấy đâu ra tiền để xây nhà. Cũng nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước và Quân khu V...”.

Trong ngôi nhà ấy, hai vợ chồng sớm hôm nương tựa, thương yêu và chăm sóc cho nhau. Bà Bảy kể: “Có nhiều hôm trở trời, vết thương cũ tái phát, ổng đau nhức khắp mình mẩy. Canh khuya mới nằm thiếp đi một lúc, bỗng ổng ngồi dậy và hô to: Xung phong!”. Trên tường nhà, chúng tôi thấy ông đặt trang trọng những tấm Huân chương của hai vợ chồng trong một khung kính, bên cạnh những bức ảnh thời chiến đấu của họ và đồng đội.

ANH ĐÔNG - TÂM LÊ

ANH ĐÔNG - TÂM LÊ