Số phận mỉm cười
Tôi thăm cựu xã đội Trần Văn Nhung thì bất ngờ gặp Đỗ Phú Nuôi. Nghe Trần Văn Nhung giới thiệu bạn tù Côn Đảo, tôi hỏi anh bị bắt khi nào? Địch bắt khi cặp chân tôi bị gãy - Đỗ Phú Nuôi đưa tay chỉ cái chân gỗ nói. Tôi nhận ra bàn tay trái của anh có ba ngón tay cũng bị thương, mỗi ngón chỉ còn một nửa…
Chậm rãi, Đỗ Phú Nuôi kể, tôi chỉ huy một tổ du kích Điện Thái đánh diệt một tiểu đội Pác Chung Hy ở Ngã tư Nông Sơn - Điện Phước. Trận đánh thắng ngon ơ không anh em nào bị thương nhưng hai ngày sau thì bị liên quân Mỹ - Sài Gòn và chư hầu đổ quân càn thì tôi bị nguyên một quả pháo gãy luôn hai cái chân. Đồng đội băng bó cầm máu, đưa tôi xuống hầm chứa thương rồi du kích cùng bộ đội mở đường máu thoát ra. Nằm dưới hầm đến ngày thứ hai thì tôi bị bắt…
Ông Đỗ Phú Nuôi.Ảnh: H.D.L |
Một tên nhìn tôi có vẻ khinh khi, hỏi: Mày có phải Việt Cộng không? Tôi mà Việt Cộng chi. Việt Cộng thì sức mấy nằm trong hầm chứa thương cho các ông bắt. Một tên đến, lấy chân giày đá chân tôi, hỏi: Mày có nghe quân đội Việt Nam Cộng hòa kêu gọi chiêu hồi không? Tôi nói: Có. Hắn hỏi: Sao mày không về với chính nghĩa Quốc gia? Cục tức cố dằn xuống bỗng trồi lên tận cổ, tôi chỉ mặt hắn, nhìn khắp người hắn, hỏi: Cầm cây súng trong tay và mặc bộ đồ trong người, mày biết là đồ của ai không? Hắn trợn mắt. Và thế là hai sĩ quan đứa đạp, đứa đá tôi túi bụi. Tôi ngất xỉu. Lúc tỉnh lại không thấy hai sĩ quan mà thấy mấy người lính Sài Gòn nhìn tôi. Khi một người lính bước lại gần, tôi năn nỉ: Anh ơi, khát quá, cho tôi nước. Một lát sau người lính bưng lại cho tôi một ca lưng nước lạnh. Tôi gục đầu biết ơn. Anh ta dặn: Máu ra nhiều, uống ít thôi. Biết vậy nhưng tôi nốc hết nửa ca rồi lịm đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy, trước mắt tôi là những người nói tiếng Mỹ...
Một người Việt đến hỏi tôi: Anh làm gì, ở đơn vị nào? Dạ, tôi là dân. Dân sao lại bị thương mà ở trong vùng toàn là lính Việt Cộng? Anh nên thành thật khai báo. Dạ. Đầu năm 1968, vợ tôi bị bom chết. Tôi một thân một mình bồng ba đứa con dại chạy tránh bom đạn. Thấy một số gia đình bà con gồng gánh ôm con chạy xuống Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng, một số thì bám lại ruộng vườn cuốc đất trồng rau, tôi theo bà con bám cái vườn mà sống qua ngày. Nhiều lúc ác liệt quá cũng muốn dẫn con chạy xuống Vĩnh Điện, nhưng nghĩ xuống đó rồi làm chi nuôi ba đứa con dại, đứa lớn mới tám tuổi. Thế rồi cuối năm 1968, bị một loạt bom, trúng cái hầm của người hàng xóm làm chết 10 người trong số có 3 đứa con của tôi. Hôm ấy tôi đang ở ngoài biền bói, nếu không cũng đi theo 3 đứa con xuống tìm mẹ chúng nó rồi. Từ đó tôi ôm cái gùi chạy theo du kích, khi bộ đội về thì chạy theo bộ đội xin ăn. Vì bom, pháo, cày ủi không cách nào trồng tỉa thứ gì để có cái ăn mà sống đành bám theo bộ đội. Anh ta hỏi tôi: Bộ đội có cho anh ăn không? Có. Họ biết tôi ngại vì phải ăn chực nên giao tôi một việc làm để tôi có thể vui vẻ ăn cơm của bộ đội. Họ giao cho anh việc chi? Ngày ngày tôi ngồi bên miệng hầm dưới lùm bói hễ có thư từ gì thì họ bảo tôi bỏ thư vào túi đi. Đi đâu? Có ba nơi tôi thường đến. Đến đó đưa thư rồi có thư thì đem về. Họ viết gì trong thư: Họ dán kín tôi đâu dám khui ra. Anh biết đơn vị đó là gì không? Dạ, nghe nói là trung đoàn độc lập. Thật ra, tôi biết đó là Trung đoàn 36 - bộ đội chủ lực của khu. Người hỏi tôi là một thiếu úy, có tên và quân hàm trên áo ngực, nhớ chỉ có một hoa mai, không nhớ tên chi. Hình như các câu trả lời của tôi anh ta cho là thành thật và tin tôi là một người dân.
Bãi biền ven sông Thu Bồn. |
Qua ngày hôm sau thì một viên trung úy đến lúc tôi đang ngồi trên giường, anh ta chào hỏi tử tế, trên tay cầm một xấp giấy. Anh ta nói: Nghe anh bị bắt đưa về đây hôm qua, tôi đến thăm anh. Trong hồ sơ anh khai anh là dân. Anh trung thành với chính nghĩa Quốc gia thì sẽ đưa anh và gia đình ra vùng Quốc gia để tránh bom đạn. Trước khi thả, tôi hỏi anh ba câu.
Câu thứ nhất: Tại sao lính Việt Cộng đến ở trong dân thì dân thương, còn lính Quốc gia đến ở thì dân sợ và ghét? Thưa trung úy, lính Việt Cộng đến đâu thì xem mình như là con em trong gia đình, làm bất cứ việc gì có thể làm giúp đỡ người dân. Có gạo thì san sẻ cho dân chứ không ăn của dân. Còn lính Quốc gia đến thì dân lo nơm nớp. Mặc dầu trong đó có nhiều anh lính rất hiền, dễ thương. Nhưng nhiều anh có gà thì bắt gà làm thịt, có khi bắt cả con heo xẻ thịt nấu ăn mà không thèm hỏi dân, xin dân.
Được rồi, tôi hỏi câu thứ hai: Anh thấy cả hai bên Việt Cộng và Quốc gia, ai mạnh ai yếu. Dạ, câu này ý anh nói là tương quan lực lượng hai phe phải không? Đúng rồi. Theo cái nhìn tại chỗ của tôi thì tôi thấy bên Việt Cộng chỉ có súng tiểu liên, trung liên, đại liên, thỉnh thoảng thấy có súng cối, súng B.40. Không biết trên núi họ có vũ khí gì nữa. Còn bên Quốc gia thì ngoài các loại súng trang bị cho lính, cả lính Quốc gia, lính đồng minh, lính Mỹ, còn có đại bác, xe tăng, máy bay phản lực, máy bay B.52, nghe đâu ngoài biển có cả Hạm đội 7. Rõ ràng về tương quan lực lượng thì quá chênh lệch.
Được rồi, tôi hỏi câu thứ ba: Vậy thì, kết thúc chiến tranh này, ai thắng? Tôi trả lời thế này: Dạ, thưa trung úy. Người lính bên Việt Cộng chết thì họ gọi là hy sinh, là hoàn thành nhiệm vụ. Gia đình, bạn bè họ sẽ buồn, rồi cũng qua đi. Còn người lính bên Quốc gia mà chết thì coi như cả nhà anh ta mất đi một nguồn thu hàng tháng, vợ con anh ta sẽ rơi vào khó khăn, túng thiếu. Riêng cái chuyện này, khi xáp mặt ngoài chiến trường thì tinh thần hai người lính hoàn toàn khác nhau. Chiến thắng không chỉ tùy thuộc vào vũ khí mà còn quyết định ở tinh thần.
Tôi nói đến đó thì thấy gương mặt viên trung úy tỏ ra không hài lòng. Và tôi nhận ra mình ngu. Anh ta hỏi, giọng hơi gắt: Vậy thì ai sẽ thắng? Dạ, theo tôi bên chính nghĩa sẽ thắng. Ý anh là Việt Cộng sẽ thắng. Dạ, tôi không dám nói Việt Cộng sẽ thắng. Khắp nơi làng quê bị bom pháo tơi bời, bộ đội, du kích chết cũng nhiều, bị thương cũng nhiều, bị bắt cũng nhiều. Dạ, tôi nói ai chính nghĩa sẽ thắng. Anh ta đập bàn tay xuống mặt bàn: Vậy thì kẻ nào là phi nghĩa? Dạ, kẻ nào đến một nước khác bắn dân thường, đốt nhà dân là phi nghĩa. Thôi được rồi. Viên Trung úy đưa mắt nhìn vào tập giấy trên tay, nói: Thấy hồ sơ khai báo, kết cung ban đầu, anh là thường dân. Nhưng qua ba câu trả lời thì tôi biết chắc anh không phải là dân thường. Viên trung úy nói vậy rồi bỏ đi. Trong lúc đó tôi thấy liên tục các ca thương được đưa vào nằm quanh nơi tôi nằm. Viên trung úy đi rồi tôi thấy sợ. Hôm sau, một tên làm cung đến nói tôi: Anh là Việt Cộng, anh khai là dân, nhưng anh có làm liên lạc cho bộ đội. Vậy thì anh nhận là giao liên để tôi kết cung. Vào trại tù binh...
Năm 1973, Đỗ Phú Nuôi được trao trả về sân bay Lộc Ninh. Tháng 8.1975, từ Trại thương binh nặng Sầm Sơn - Thanh Hóa chuyển về Trại thương binh nặng Cẩm Hà - Hội An. Về đây thì biết gia đình chỉ còn mình mẹ, năm ấy mẹ Đỗ Phú Nuôi đã ngoài tuổi 70, từ khu dồn về quê, sống dựa bà con trong làng. Đỗ Phú Nuôi xin được về với mẹ. Có chế độ thương binh nặng và chế độ chăm sóc, Đỗ Phú Nuôi lấy phần chế độ chăm sóc đủ nuôi mẹ. Thấy tình cảnh hai mẹ con khổ quá, thanh niên thôn Long Hội chặt cây làm cái trại trên nền nhà cũ cho hai mẹ con che mưa che nắng. Sống bên mẹ thật hạnh phúc, song không thể ăn vào đồng lương, Đỗ Phú Nuôi quyết định phá bói đất nà trồng bắp. Sau mấy chiến dịch khai hoang, phục hóa, bà con đã phá bói đất nà trồng tỉa, vẫn còn bãi bói nhưng là bãi xa, họ sợ có mìn chưa đụng tới. Đỗ Phú Nuôi gỡ mìn, phá bói. Mẹ lo cho con trai vấp phải mìn. Đỗ Phú Nuôi nói, con là vua gỡ mìn của Mỹ, lấy pháo lép của Mỹ làm mìn tự tạo đánh Mỹ mẹ không phải lo. Cứ sáng dậy, mẹ nấu cho ăn một ruột no, lấy cái bọc bỏ theo mấy củ chóc, bấy giờ vùng đất phù sa ven sông Thu Bồn có nhiều chóc hoang, bỏ theo chai nước, vác cái cuốc, cầm cái rựa ra bãi bói chặt, đào, trưa vào lùm cây che nắng ăn mấy củ chóc, uống chai nước nghỉ một lúc lại đội nón cầm cuốc, rựa ra chặt, đào, cuốc cho đến chiều tối. Mẹ anh vui nhìn con trai trên bãi bắp trĩu trái, bên đám đậu nở hoa... Anh lúc nào cũng lạc quan, yêu đời. Đỗ Phú Nuôi tâm sự: Điều làm mẹ tôi mừng hơn là nghe tôi xin mẹ được cưới vợ. Mẹ tôi sống với hai vợ chồng tôi được 8 năm. Mẹ rất vui có được hai thằng cháu nội...
HỒ DUY LỆ