Soái đội thủy quân đất Quảng

SONG ANH 31/08/2014 10:10

Câu chuyện đã từng có những người con Quảng Nam tham gia và đứng đầu các đội thủy quân từ triều phong kiến nhà Nguyễn thôi thúc chúng tôi tìm về quê xứ của họ.

Chuyện truyền đời ở xóm ven biển

Trong triển lãm và trưng bày hình ảnh, bản đồ về chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý”, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với GS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và được ông cho biết, ngay tại đất Hà Đông xưa (Tam Kỳ ngày nay) đã có những con người làm chủ soái đội thủy quân trên biển: Vệ úy Võ Văn Tây và chỉ huy hải đội Hoàng Sa Lê Văn Ước.

Cụ Võ Bì đưa chúng tôi thăm mộ Vệ úy Võ Văn Tây. Ảnh: S.ANH
Cụ Võ Bì đưa chúng tôi thăm mộ Vệ úy Võ Văn Tây. Ảnh: S.ANH

Chúng tôi tìm về Tam Thanh (Tam Kỳ). Câu chuyện về 2 thủ soái thủy quân thuở nào lại trở về từ những thư tịch cổ và những câu chuyện dân gian mà người dân quê biển này gìn giữ. “Tổ tiên tôi, rồi đến thế hệ chúng tôi, con cháu chúng tôi, vẫn tiếp tục nghề biển như một cái “nghiệp” mà đất trời đã giao. Cuồng phong có dữ, lòng người có hung hiểm, nhưng chúng tôi vẫn chưa ngày nào ngừng theo bước tiến của cha ông mình” - cụ ông Võ Bì, năm nay đã ngoài 80 tuổi, mở đầu câu chuyện về họ tộc mình. Những câu chuyện về biển đảo luôn khiến người nghe gặp nhiều ám ảnh, nhất là khi câu chuyện do chính những người từng phải đối mặt với bão biển, với lằn ranh sinh tử giữa biển cả bao la. Dẫn chúng tôi băng bộ qua nhiều nổng cát để đến với ngôi mộ Vệ úy thủy quân hộ triều Võ Văn Tây, cụ Võ Bì vẫn không thôi kể về những chuyện tộc Võ đã làm được tại dải đất ven biển này. Tộc Võ tại làng Trung Thanh vẫn gìn giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn thăng chức cho ông Võ Văn Tây trong đội thủy quân của triều đình tại nhà thờ chính tộc Võ ở xã Tam Phú. Chính những người trong gia tộc đã mang tặng bản sao 5 sắc phong cho Ban tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý”.

Qua sưu tập tư liệu thực hiện bài viết, chúng tôi biết thêm một điều khá thú vị rằng, họ Võ vùng ven biển Tam Thanh, Tam Phú và dòng họ Võ khai phá ra đảo Lý Sơn là những người cùng chung huyết thống. Dòng họ này, gắn bó với nghiệp biển và đã có những cống hiến lớn lao, được sử sách ghi nhận về công cuộc gìn giữ chủ quyền biển đảo.

Hùng binh Hoàng Sa

Dọc dài các xã ven biển Quảng Nam, theo như lời GS. Nguyễn Quang Ngọc còn có rất nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Trong lịch sử chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, hai tỉnh có lịch sử lâu dài nhất, tổ chức thực thi chủ quyền sớm nhất, có những đóng góp tiêu biểu nhất là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Hải đội Hoàng Sa, về mặt danh nghĩa và trên cả thực tế chủ yếu ở khu vực Quảng Ngãi, tại đảo Lý Sơn và cảng Sa Kỳ. Nhưng nơi quyết định chính thức thành lập Hải đội Hoàng Sa lại ngay tại dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam do chúa Nguyễn Phúc Nguyên ban sắc lệnh thành lập” - GS. Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ. Khi quyết định thành lập, tổ chức Hải đội Hoàng Sa chọn khá nhiều người Quảng Nam tham gia trấn giữ biển Đông, xác lập chủ quyền trên biển.

Ông Lê Văn Tài, ở xã Tam Thanh, cho biết trong tộc Lê của mình có ông Lê Văn Ước từng làm Soái đội Hoàng Sa. Và bằng chứng mà người tộc Lê thôn Hạ Thanh chia sẻ với chúng tôi là sắc phong cho “Soái đội Hoàng Sa” Lê Văn Ước vào năm Minh Mạng thứ 18, nội dung chính tạm dịch: “Chỉ dụ, căn cứ vào việc điều tra và bẩm báo của quan cai quản, trong đội thủy vệ Quảng Nam số mười có đội binh Lê Văn Ước, quê phường Hạ, xã Hòa Thanh, huyện Hà Đông, đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp Soái đội, tùy cai quản Hoàng Sa”.

Ắt hẳn vẫn còn rất nhiều nguồn tư liệu quý về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo còn tản mát trong dân gian. Tất nhiên đây sẽ là những bằng chứng lịch sử vô cùng quan trọng để chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa muôn đời nay thuộc về Việt Nam. Còn với chúng tôi, những người hậu thế rong ruổi suốt mấy ngày trời ở xã ven biển Tam Thanh để tìm kiếm, lắng nghe câu chuyện về những hùng binh Hoàng Sa, lòng dấy lên niềm tự hào khó tả. Lòng quả cảm, can trường vì chủ quyền từng tấc đất, vùng biển đảo quê hương muôn đời nay vẫn là dòng chảy xuyên suốt…

SONG ANH

SONG ANH