Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người bạn học Quảng Nam
(QNO) - Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều người bạn học, nhiều bạn chiến đấu tri kỷ và đối với Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam, một người con Quảng Nam, thì giữa hai người vừa là bạn học cùng thời ở trường Quốc học Huế, vừa là bạn chiến đấu trong những năm tháng vô vàn khó khăn, thử thách của đất nước. Tình bạn đó được Võ Nguyên Giáp xem như anh em ruột thịt !
Cùng sinh năm 1911, vào giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, không hẹn mà gặp, Hoàng Hữu Nam và Võ Nguyên Giáp đều thi vào trường Quốc học Huế. Một chàng trai từ Quảng Nam, một người từ Quảng Bình, gặp nhau tại chốn kinh kỳ, tuy Hoàng Hữu Nam học trên một lớp nhưng cả hai đã sớm trở thành đôi bạn thân thiết bằng sự mến mộ tài năng của nhau, bằng sự trăn trở trước vận mệnh nước nhà của lớp thanh niên đầy nhiệt huyết bấy giờ.
Những năm 1925-1926, Huế là trung tâm của các phong trào đấu tranh yêu nước của cả nước, đã tác động rất lớn đến lòng yêu nước của học sinh đang theo học ở đây. Trong không khí ấy, cả hai đã hòa vào mình tham gia phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Khi cụ Phan Bội Châu bị đưa về quản thúc tại Bến Ngự, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam cùng các anh Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều thường vào thứ năm hàng tuần đến nhà cụ Phan Bội Châu để nghe cụ nói chuyện. Võ Nguyên Giáp cũng thường đến Nhà hội Quảng Nam để gặp các học học sinh xứ Quảng Nam tá túc tại đây. Năm 1927, để chống lại lại việc đuổi học vô cớ các học sinh có tư tưởng yêu nước, học sinh các trường ở Huế đồng loạt bãi khóa, nhiều học sinh bị nghi là cầm đầu cuộc bãi khóa, trong đó có Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam bị đuổi học.
Thời gian bị đuổi học, Võ Nguyên Giáp có vào Quảng Nam và có lẽ đây là lần đầu tiên ông đặt chân lên mảnh đất mà ông rất mến mộ. Ông lên Trà Kiệu, Thu Bồn, về Bảo An, quê hương của Hoàng Hữu Nam. Tại đây, hai người chia tay và đều tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị bắt ở tù 2 năm, sau đó ra Hà Nội tham gia hoạt động cách mạng và dạy học ở trường Thăng Long, nơi dạy của vợ chồng người anh ruột Hoàng Hữu Nam là Phan Thanh và Lê Thị Xuyến. Trong khi đó, năm 1931, đang hoạt động ở Sài Gòn, Hoàng Hữu Nam cũng bị bắt, bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1936 mới được thả ra. Ra tù và tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ ở quê hương một thời gian, Hoàng Hữu Nam cũng ra Hà Nội ở với người anh ruột và gặp lại người bạn thân thiết và cả hai lại hăng say hoạt động. Võ Nguyên Giáp và Hoàng Hữu Nam đều tham gia viết bài, biên tập cho các báo của Đảng và của Mặt trận dân chủ như: Lao động, Tiếng nói của chúng ta... Năm 1939, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Võ Nguyên Giáp rút vào hoạt động bí mật, rồi sang Trung Quốc, sau về nước hoạt động bên cạnh Bác Hồ. Còn Hoàng Hữu Nam đến năm 1940 thì bị thực dân Pháp bắt, bị đày sang Madagascar và năm 1944, nhân cơ hội thực dân Anh đưa một số tù nhân người Việt về nước hoạt động tình báo, Hoàng Hữu Nam trở lại hoạt động cách mạng ở chiến khu Việt Bắc.
Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị Quốc dân Tân Trào, Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, còn Hoàng Hữu Nam sau Cách mạng tháng 8 thành công được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Tháng 3 năm 1946, cụ Huỳnh thay Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, còn Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch Quân sự và Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp). Đây là cơ hội để hai người gắn bó mật thiết với nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Cách mạng Việt Nam lúc này như ngàn công treo sợi tóc vì nạn thù trong giặc ngoài và cả hai luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ. Theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, quân Pháp vào miền Bắc thay quân Tưởng, ta lập Ban liên lạc Việt - Pháp, Hoàng Hữu Nam kiêm thêm chức Trưởng ban liên lạc Việt - Pháp, có trách nhiệm thay mặt Chính phủ đàm phán với Pháp. Võ Nguyên Giáp nhận xét đây là thời kỳ Hoàng Hữu Nam làm việc rất căng thẳng vì phải luôn đối phó với âm mưu thôn tính nước ta một lần nữa của quân Pháp.
Tháng 10 năm 1946, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cơ quan Bộ Tư lệnh và cơ quan Chính phủ đều chuyển lên Việt Bắc, tuy cơ quan xa cách nhưng hai người vẫn thường xuyên gặp nhau để bàn công việc, trong đó Hoàng hữu Nam thường chuyển những ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ cho Võ Nguyên Giáp. Trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Hữu Nam thay mặt hai Bộ Quốc phòng và Bộ Nôi vụ đã ký chung nhiều văn bản, trong đó có văn bản sau đó được Bác Hồ ký thành sắc lệnh, như quy định về thành phàn Ủy ban bảo vệ khu, tỉnh, huyện, xã; về cách làm việc của Ủy ban kháng chiến; kế hoạch chấn chỉnh và củng cố các Ủy ban hành chính địa phương; thông tư gửi cho các Ủy ban kháng chiến các cấp quân sự về việc dùng người, phát chứng minh thư, khám người, xét giấy… Tháng 4 năm 1947, Hoàng Hữu Nam không may hy sinh trên đường đi công tác Tuyên Quang, Võ Nguyên Giáp rất xúc động khi nghe tin người bạn thân thiết đã qua đời.
Nhận xét về Hoàng Hữu Nam, Võ Nguyên Giáp viết: "Đối với tôi, anh Phan Bôi là một đồng chí cách mạng, người bạn học ở Quốc học Huế, đến lúc đấu tranh, thì cùng bàn đấu tranh cách mạng, từ những thời bí mật, thời gian khó, lúc ở Việt Bắc cũng như lúc gần gũi nhất. Lúc anh viết báo, tôi nhận thấy anh có trình độ, và có thể nói là anh làm việc với tinh thần trách nhiệm rất lớn. Trong lúc làm Bộ Nội vụ hay lúc làm Ban liên lạc Việt - Pháp, anh cũng giải quyết được nhiều xung đột. Trong Chính phủ, anh là người có nhiều anh em bạn như ruột thịt, trong đó có tôi, có anh Hiến (Lê Văn Hiến)… Còn tác phong thì giản dị, gần gũi, đoàn kết với anh em, nên anh em rất thương yêu quý mến. Anh là một cán bộ có phẩm chất của Đảng, đồng thời có tài năng, có kiến thức, có óc tổ chức mọi mặt. Tôi rất quy anh ấy".
Sau này, Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng ông rất quan tâm đến bạn bè, đồng đội, nhất là gia đình đồng đội đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc. Đối với gia đình Hoàng Hữu Nam, ông đã dành những tình cảm đặc biệt, một lần gặp Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Khánh là con trai của Hoàng Hữu Nam, ông đã căn dặn: "Tôi cũng rất mong tất cả các anh chị nên nên kế tục truyền thống của ba, của đất Quảng Nam, một trong những vùng đất có phong trào lớn của đất nước, tiếp tục phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước…".
Võ Nguyên Giáp đã đi vào thế giới vĩnh hằng và sẽ gặp người bạn đồng niên sau 66 năm. Tình bạn giữa ông và Hoàng Hữu Nam thật đáng trân trọng, để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về tình đồng chí, tình bạn bè giữa cuộc sống đang có nhiều thay đổi.
PHAN XUÂN QUANG