Tấm lòng của ông Dân

CHÂU NỮ 07/08/2013 08:19

Nhiều người có dịp xem qua lý lịch trích ngang của ông Nguyễn Tiến Dân đều có ấn tượng: ông sinh năm 1951 ở Quảng Ngãi, chiến đấu và bị thương khi tham gia mở đường Trường Sơn Đông, sau giải phóng được cử đi học ở miền Bắc, công tác ở nhiều cơ quan, đã nghỉ hưu, hiện sống tại Đà Nẵng và công việc chủ yếu thường ngày là đi tìm đồng đội và làm từ thiện.

Những chuyến đi tìm đồng đội và làm từ thiện của ông Dân trải dài khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nhưng dấu - chân - từ - thiện của ông in đậm nhất vẫn là ở các huyện miền núi Quảng Nam. Khi được hỏi vì sao ông đặc biệt quan tâm đến bà con nghèo ở xứ “chưa mưa đà thấm”, ông trả lời mà như đang nói với chính mình, đơn giản là hơn 10 năm trong quân ngũ, ông sống và chiến đấu với nhiều đồng đội người Quảng Nam. Nhiều người trong số đó rất ngoan cường nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện học hành. Không ít lần đồng đội nhờ ông đọc và viết thư trả lời cho gia đình, người yêu... Đã mấy chục năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ lời trăng trối của một người đồng đội quê Quảng Nam trước lúc hy sinh: “Các đồng chí ơi, sau này, khi đất nước hòa bình, đồng chí nào còn sống mà có điều kiện thì nên giúp cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đi học... Đừng để các em thất học như tụi mình nghe các đồng chí...”.  Ông ghi lòng tạc dạ lời nhắn nhủ ấy. Vậy mà mãi đến năm 2000, khi chuyển về công tác ở Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5, ông mới có điều kiện và chính thức thực hiện được tâm nguyện của đồng đội. “Tôi đặc biệt quan tâm đến học sinh và bà con nghèo xứ Quảng còn bởi một lẽ nữa, đó là vì cha tôi đã hy sinh ở đất Quảng, trên đường công tác” - ông tâm sự.

Hằng tháng ông Nguyễn Tiến Dân dành dụm tiền trợ cấp thương binh, tiền lương hưu... chia sẻ với người nghèo. Nghỉ hưu rồi, có thời gian, ông lại lên đường đi tìm đồng đội. Vừa rồi, qua Trung tâm Thông tin về liệt sĩ, ông nhờ Báo Quảng Nam nhắn tìm thân nhân của một người quê Quảng Nam để trao trả kỷ vật do một cựu binh người Úc lưu giữ. Khi Báo Tuổi trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, ông cũng dành 2 tháng trợ cấp để ủng hộ. Năm học trước, ông cùng bạn bè góp cả nghìn quyển vở cho học sinh huyện Tây Giang. Sau lũ lụt, ông cũng quyên góp áo quần, mì ăn liền... tìm về với bà con huyện núi nghèo này.

Ghi nhận những đóng góp của ông, các ngành đã tặng ông kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, “Vì sự nghiệp khuyến học”. Nhưng điều làm ông vui hơn cả là được góp phần giúp các em học sinh nghèo được đến trường, giúp gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt người thân. Tên ông là Nguyễn Tiến Dân, vì vậy ông được nhiều người gọi bằng những cái tên trìu mến “ông Dân vì dân”, “ông Dân từ thiện”.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ