Bí ẩn Y Kông

KHÁNH LINH 29/06/2013 06:34

Ông Y Kông, già làng ở thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang được ví như cây đại thụ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu nơi núi rừng miền tây xứ Quảng. Báo chí đã viết nhiều về ông nhưng dường như vẫn chưa đủ để nói hết về một con người với những ám ảnh bí ẩn, những câu chuyện lạ đời…

  • Đại thụ giữa non xanh
Già làng Y Kông trong moong của mình.Ảnh: K.LINH
Già làng Y Kông trong moong của mình.Ảnh: K.LINH

Dựng moong riêng

Già Y Kông vốn tên thật là Nguyễn Văn Dư, sinh năm 1928. Năm 1954,  tham gia hoạt động cách mạng tại Tây Nguyên, để dễ bề hoạt động, ông đổi tên thành Y Kông theo họ người Rắc Lây. Từ đó, cái tên Y Kông theo ông mãi đến giờ. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, Y Kông từng giữ nhiều chức vụ như Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (1962 – 1975), Chủ tịch UBND huyện Hiên (1975 - 1982); thôi chức Chủ tịch UBND huyện, năm 1982 ông quay về xã Ba tiếp tục làm cán bộ xã mãi đến năm 2002 thì nghỉ hẳn.

Từ khi nghỉ hưu, già Y Kông chuyên chú sưu tầm, phục chế các loại  nhạc cụ của người Cơ Tu; tuyên truyền vận động đồng bào bảo tồn các vật dụng truyền thống của dân tộc mình. “Trong chiến tranh xã Ba, xã Tư đều mất hết nhạc cụ bây giờ làng xã có việc gì đều phải đi nơi khác mượn”, già Y Kông nói lý do việc làm của mình. Tự tìm hiểu mày mò đến nay trong nhà Y Kông đã có đầy đủ các loại nhạc cụ như bộ trống chiêng, sáo rahem, a luốt, abel …. Mỗi khi huyện, xã có lễ hội đều đến nhờ ông hướng dẫn hoặc mượn nhạc cụ về biểu diễn. Ông gần như là người Cơ Tu cuối cùng của huyện còn lưu giữ và chơi được các loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Già Y Kông bỏ cả tháng trời lên rừng kiếm cây gỗ giổi đường kính 2 mét. Ông xin phép cơ quan chức năng cho khai thác rồi nhờ người mang về đục rỗng ruột tự làm... quan tài cho mình theo hình dáng con thuyền cùng nhiều hình tượng chạm trổ xung quanh. Chuyện xảy ra cũng nhiều năm rồi và mỗi khi có khách muốn tìm hiểu ông lại giải thích: “Phía trước hòm tôi chạm con trâu vì đây là con thú to nhất ở dưới đồng bằng, con voi chạm phía sau vì là con to nhất ở trên rừng, hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, sự to lớn... Hòm có  hình chiếc thuyền vì  đời người như con thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại, khi chết thuyền sẽ đưa linh hồn đi sang miền thế giới khác”. Dưới mắt du khách, đây có thể xem là sản phẩm “mỹ nghệ đặc biệt”, có một không hai.

Năm 2007, thôn Tống Cói dựng nhà làng truyền thống (gươl), gần một năm trời già Y Kông ra gươl tỉ mẫn đục đẽo, điêu khắc hoa văn trang trí với nhiều hình tượng đẹp mắt như  hươu  nai, cá sấu, đầu trâu, múa tâng tung da dá … ai cũng ngợi khen. Nhưng rồi 3 năm sau gươl xuống cấp, tranh lợp mục nát; dân làng chỉ đồng ý đóng tiền lợp tôn, không cản được họ, ông đành nhủ lòng “dân làng không bảo tồn được thì mình sẽ tự làm gươl để bảo tồn theo ý của mình”. Năm 2010, già Y Kông bỏ tiền túi  hơn 50 triệu đồng thuê người và huy động con cháu lên rừng hái lá, đốn gỗ về dựng  moong (gươl nhỏ) trong khuôn viên nhà ngay trước UBND xã. Bên trong nhà, Y Kông trang trọng bài trí ảnh thờ Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc chính giữa; hai bên là các ché gỗ, tượng gỗ do chính tay ông chế tác.  Những tượng gỗ mẹ bồng con, trai gái tỏ tình ngộ nghĩnh, sống động, mà theo ông nói là “trước đây nhiều lắm, nhưng khách du lịch mua hết, bây giờ tay chân yếu rồi thi thoảng mới làm vài cái cho vui thôi chứ không bán nữa”. Từ khi moong được dựng nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của du khách khắp nơi; ai cũng trầm trồ khen ngợi như được sống giữa một không gian văn hóa Cơ Tu với những giá trị tưởng chừng đã mai một.

Tiếp đón 200 đoàn khách từ 40 quốc gia

Du khách khắp nơi tìm đến Y Kông mỗi ngày một đông, có tuần ông phải đón 3-4 đoàn khách quốc tế. Họ đi theo  nhóm vài ba người, có nhóm 5-7 người; ai cũng muốn nghe ông hát lý và chơi các loại nhạc cụ truyền thống hoặc xem ông tạc tượng, kể chuyện văn hóa Cơ Tu, chuyện núi rừng. Nhiều đoàn ban đầu chỉ định ghé thăm chốc lát nhưng rồi ở qua đêm, đặt ông nấu cơm ăn ngủ luôn tại moong hôm sau mới về. “Cũng gần 200 đoàn khách từ 40 nước đến thăm tôi rồi”- già Y Kông khoe. Trong cuốn sổ lưu niệm dày cộm được ông đặt trang trọng trên tủ chi chít những dòng chữ du khách từ khắp nơi ghi lại cảm tưởng của mình. Ông nói: “Khách khi về ai cũng viết vô đây, có người để lại cả địa chỉ, số điện thoại nói lần sau sẽ quay lại ”. Hẳn du khách đến không chỉ để chiêm ngưỡng “cây đại thụ” nơi núi rừng xứ Quảng mà còn để tận mắt chứng kiến một “bảo tàng văn hóa Cơ Tu” sống động với nhiều điều kỳ thú đã trở thành huyền thoại.

“Di sản” của già Y Kông, ngoài moong và các loại nhạc cụ, vật dụng Cơ Tu truyền thống, còn có tác phẩm... quan tài độc đáo. “Khách đến ai cũng muốn xem quan tài và đòi nghe kể chuyện đóng hòm đến mức huyện bảo, thôi ông để lại đi khi nào chết huyện sẽ mua cái hòm đẹp chứ đừng chôn theo ông nữa”- Già Y Kông hóm hỉnh kể. Cỗ quan tài bằng thân cây giờ như “hiện vật quý hiếm” của huyện, còn nhà ông cũng trở thành “điểm đến” thường xuyên của du khách khắp nơi trên thế giới dù chưa bao giờ ông quảng bá.

Đã ở 86 tuổi, sức khỏe già Y Kông ngày càng yếu do bệnh tim hành hạ, thỉnh thoảng phải đi viện nhưng ai đến thăm ông cũng niềm nở đón tiếp. Trong những câu chuyện, Y Kông luôn trăn trở về sự mai một của văn hóa Cơ Tu, sự thờ ơ của lớp trẻ với văn hóa dân tộc mình, rồi chuyện những nghệ nhân lớn tuổi ở Đông Giang cứ thưa vắng dần. Có chút ngậm ngùi khi nghĩ đến một ngày nào đó, sẽ  tiếp tục mất đi một cây đại thụ như Y Kông với những câu chuyện đậm màu bản sắc văn hóa Cơ Tu…

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH