Nghị lực của một thương binh
Chúng tôi tìm về khu tái định cư Tam Hiệp (thôn 3, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) để gặp một thương binh tên Trương Công Báo - người mà bà con trong thôn luôn xem là tấm gương về nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Trương Công Báo trong trang trại nhỏ của mình. Ảnh: T.N |
Tiếp chúng tôi là người đàn ông đã mất đi một tay, một chân nhưng trông vẫn rất nhanh nhẹn. Trong kháng chiến, ông Báo cũng như bao thanh niên khác, xung phong nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trong một trận chiến ác liệt ở vùng Kỳ Lộc (xã Tam Hiệp) vào năm 1973, ông bị thương nặng, và một phần cơ thể đã vĩnh viễn mất đi từ đó. Ông Báo chia sẻ: “Sau khi bị thương tôi thấy mình bi quan, chán nản nhưng nghĩ đến tương lai và gia đình nên cố gắng làm ăn. Tôi nghĩ trong chiến đấu mình không khuất phục trước kẻ thù, lẽ nào trong đời thường lại chùn bước trước khó khăn”. Vượt qua nỗi đâu thể xác, ông Báo không ngừng cố gắng tìm tòi phương kế làm ăn để ổn định cuộc sống. Ông sống hòa đồng với mọi người, tính tình ngay thẳng, sẵn sàng giúp đỡ người khác nên ai cũng quý trọng. Trong cuộc sống hiện tại, ông là tấm gương về lao động vượt khó.
Sau khi gia đình ông Báo đến khu dân cư mới và ổn định chỗ ở, ông và vợ quyết tâm làm ăn trên mảnh đất mới. Vợ chồng luôn chịu khó tích cực làm kinh tế, từ chăn nuôi heo, trồng rau rồi học hỏi thêm cách nuôi nhiều loại vật nuôi khác. Trên tổng diện tích 2.500m2, ông tự thiết kế một mô hình trang trại quy mô nhỏ để nuôi tôm, cua, bồ câu và thỏ. Đến trang trại chăn nuôi của ông mới thấy cách bố trí chuồng trại cho từng loại vật nuôi rất khoa học, thoáng mát và sạch sẽ. Hiện nay, ông nuôi khép kín khoảng 200 con bồ câu Pháp, trên 60 con thỏ. Tôm và cua ở ngoài ao có thể giúp ông trang trải chi phí sinh hoạt, đầu tư thêm cho việc nuôi thỏ và bồ câu. Cứ 3 tháng một lần, ông bán tôm, thu hơn 20 triệu đồng, nuôi cua hằng năm lãi khoảng 17 triệu đồng. Từ trang trại mỗi năm ông có thể thu nhập khoảng 40 triệu đồng nên gia đình không còn phải lo cái ăn cái mặc như xưa, vươn lên thành hộ khá trong xóm. Những người con của ông đều học hành nên người, có công ăn việc làm ổn định, đã yên bề gia thất. Ông nói: “Tôi vẫn còn khỏe nên sẽ tiếp tục làm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tôi làm việc để thấy mình là người luôn sống có ích cho xã hội, để thấy mình xứng danh với tên gọi Bộ đội Cụ Hồ”.
THÙY NHUNG