Lớp học của Dung
Chưa từng qua một môi trường sư phạm, thế nhưng Dung có rất nhiều học trò. Học trò thường gọi Dung với cái tên trìu mến “cô Bảy”. Những năm qua, lớp học của “cô Bảy” đã chắp cánh cho nhiều học trò vùng biển Bình Minh.
Học sinh xúm xít bên Dung để hỏi bài. Ảnh: V.H |
Là con út trong một gia đình có 6 anh chị em, con đường học vấn của Vương Thị Dung (SN 1991, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) sớm dang dở khi mắc phải chứng bệnh viêm tủy cắt ngang. Ấy là vào năm học lớp 11, khi Dung dậy sớm để học bài thì thấy tay chân mình yếu dần và không thể tự điều khiển. Chứng bệnh hiếm gặp này khiến cơ thể Dung bị liệt nửa người dù gia đình đã cất công chữa trị nhiều nơi. Không chấp nhận với cuộc sống nằm một chỗ tẻ nhạt, Dung mở lớp học dạy kèm để giúp đỡ những học sinh nghèo vùng biển, đồng thời tìm niềm vui cho chính mình.
Một lớp học không có bục giảng, chỉ với những chiếc bàn, ghế nhựa được xếp ngay ngắn. Dung kèm cặp chủ yếu các môn Toán, Văn, tiếng Anh từ chương trình lớp 9 trở xuống. Khi chúng tôi tìm đến nhà, sức khỏe của Dung không được tốt nên cô không thể gượng dậy. Đối lập với tâm trạng ủ rũ mà chúng tôi mường tượng, ở Dung toát lên vẻ yêu đời, vui tính và… nói rất nhiều. Biết Dung không thể ngồi dậy, những đứa trẻ chụm lại quanh giường để hỏi bài đã tạo nên khung cảnh ấm cúng lạ thường. Dung chia sẻ: “Những đứa trẻ ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn, có nhiều đứa bị mất cha trong cơn bão Chanchu. Biết cái chi là em bày chúng nó thế thôi chứ không có tiền nong chi cả”. Vì gia cảnh Dung cũng khó khăn không kém nên các gia đình có trẻ đến học thường xuyên giúp đỡ để em chữa bệnh. Đến nay học trò được Dung dìu dắt lên đến vài chục người, có những em đã vào đại học. Có lẽ với cách nói chuyện có duyên, hóm hỉnh mà những bài giảng của “cô Bảy” rất cuốn hút nên học sinh dễ nắm bắt các kiến thức mình vừa học. Em Trần Thị Bảo Khương (lớp 8, trường THCS Phan Đình Phùng, xã Bình Minh) chia sẻ: “Qua 3 năm được “cô Bảy” kèm cặp, em học tiến bộ lên rất nhiều. Hồi trước ở trường em học Toán chỉ hơn 6 phẩy thì bây giờ toàn được 8 - 9 phẩy”.
Trong căn phòng nhỏ của Dung có rất nhiều sách, trong đó có nhiều loại sách đắt tiền của một người tên Thắm ở Hà Nội hay vào làm từ thiện ở xã Bình Mình tặng. Dung cho biết sắp tới định mở tủ sách bạn đọc ngay tại nhà để phục vụ trẻ em trong làng. Được hỏi về ước mơ, Dung chỉ ước những đứa trẻ nghèo này có được một cuộc sống no đủ và được học hành tới chốn. Chia tay “cô giáo” của vùng quê rợp bóng dừa xanh, chúng tôi còn nghe văng vẳng bên tai câu nói của Dung: dạy để mang lại niềm vui cho người khác và cũng là niềm vui cho chính mình…
VĂN HÀO