Từ chức kiểu... Quảng Nam

LÊ THÍ 15/03/2013 16:37

Từ chức là cách ứng xử một cách có văn hóa, bình thường xưa nay. Khi cảm thấy năng lực không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc hoặc điều kiện làm việc không phù hợp, thì phải từ chức. Thế nhưng từ chức theo kiểu của  ông tiến sĩ người Quảng Nam, Nguyễn Tường Phổ, thì ít thấy.

Nguyễn Tường Phổ tự là Quản Thúc, Hy Thần, hiệu Thứ Trai, sinh năm 1807 tại làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam). Ông là con trai thứ của Thượng thư bộ Binh, Phó Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Tường Vân. Cụ Nguyễn Tường Vân vốn có tên là Nguyễn Văn Vân, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), vào Gia Định lập nghiệp, sau theo phò Nguyễn Ánh. Cụ Vân đã chọn làng Cẩm Phô để làm nơi “tường phát địa” cho dòng họ Nguyễn Tường vốn được Nguyễn Ánh đổi lại từ họ Nguyễn Văn, nhân một lần đi qua núi Phước Tường  ở Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Chuyện cũ chép rằng, một lần hành quân ở Quảng Nam, khi đến gần cửa biển Đà Nẵng, Nguyễn Ánh chỉ ngọn núi hỏi cụ Vân: “Ngọn núi này tên là gì?”. Cụ bẩm tên là núi Phước Tường. Nguyễn Ánh nghe chữ Phước Tường (“phước” là phước đức, “tường” là rõ ràng) lấy làm mừng nên bảo: “Nguyễn Phước là họ của ta, vậy ban cho ngươi họ Nguyễn Tường”.

Từ đường tộc Nguyễn Tường tại Hội An, Quảng Nam.
Từ đường tộc Nguyễn Tường tại Hội An, Quảng Nam.

Sách “Đại Nam thực lục” viết: “Tường Phổ lúc nhỏ kháu khỉnh lạ, khẳng khái có khí thức, học rộng nghe nhiều, ngoài chính kinh ra, về kiếm thư cầm phả không nghề gì là không thông”. Ông đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841), lúc 34 tuổi.  Năm sau, 1842, vào thi  đình ông đỗ tiến sĩ đệ tam giáp. Khoa thi đình trước đó (năm Mậu Tuất 1838), anh ông là Nguyễn Tường Vĩnh đỗ phó bảng. Thời đó, một nhà hai kỳ thi  liên tiếp có người đỗ đại khoa là hiện tượng đặc biệt. Em lại đỗ cao hơn anh, nên được xem là nhà có phúc lớn.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Tường Phổ được bổ Hàn lâm viện biên tu ở nội các, rồi thăng Tri phủ Hoằng An (Bến Tre), Tri phủ Tân An (Gia Định), Tri phủ Tuy Phước (Bình Định). Một thời gian sau, ông cáo bệnh xin về quê, đến năm 1846 lại bổ làm Giáo thọ Điện Bàn (Quảng Nam) rồi chuyển về trông coi nhà in ở phủ Học chánh, sau thăng quyền Đốc học tỉnh Hải Dương...

Ông nổi tiếng văn chương, chuyên tâm về việc giáo dục. Sách “Đại Nam thực lục” viết: “Dạy người không biết mệt, cốt thực bỏ hủ, trước nghĩa lý sau mới văn chương, tính cương mà khí hào, tự mình giữ kỷ luật rất nghiêm nên trách người quá nặng”. Khí chất Quảng Nam này được ông giãi bày qua lời tự bạch: “Ta bình sinh không hay khoan thứ cho người, nên đặt hiệu là Thứ Trai mà tự là Quản Thúc. Đó là muốn châm biếm cái tính thiên lệch mà chưa được”. Cao Xuân Dục trong “Quốc triều hương khoa lục”  và “Quốc sử quán triều Nguyễn” cũng nhận xét về ông: “Người có khí tiết, không a dua, không thiết gì về sự thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ chén rượu làm vui. Người bấy giờ ví ông với Đào Tiềm”.

Nguyễn Tường Phổ mất năm 1856,  khi mới 50 tuổi và đang tại chức Đốc học Hải Dương. Ông được triều đình cho đưa về an táng ở quê nhà (làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam). Sau này, con trai ông là Nguyễn Tường Tiếp lại được bổ làm Tri huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), thường được gọi là ông huyện Giám. Dòng họ Nguyễn Tường nổi tiếng ở đất Hải Dương sau này, tiêu biểu là các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam, đều bắt đầu từ việc Nguyễn Tường Phổ được điều ra làm quan,  dạy học tại đây.

Nguyễn Tường Phổ làm quan nổi tiếng liêm chính, công bằng, tính tình cao thượng, yêu người nghèo khổ. Nhưng ông rất nghiêm khắc với bản thân, cấp dưới và cả với… cấp trên. Ông lại không chịu sự giả dối, a dua, xu nịnh nên không được cấp trên vừa ý, đường hoạn lộ vì thế  khó thăng tiến. Ông đã hai lần bị giáng cấp và một lần phải từ chức sau khi chửi khéo cấp trên.

Chuyện kể, khi ông làm tri phủ Tuy Phước dưới triều Thiệu Trị, năm đó trong phủ bị hạn và dịch, dân chúng đói nặng, ông bẩm với tỉnh xin mở kho cứu đói và tâu về triều cùng tư cho bộ xin chẩn cấp cho dân. Quan tỉnh Bình Định sợ tâu lên những tai biến như vậy sẽ làm nhà vua buồn lòng và có khi bị bộ quở trách nên giấu nhẹm mọi việc. Ông tức giận lên tận tòa tỉnh, hỏi tội quan Bố chánh. Về phủ, ông làm bài thơ dán trước cửa phủ rồi cáo quan đi về mặc dù chưa được sự đồng ý của bố chánh Bình Định và bộ Lại ở triều. Bài thơ ông treo trước cửa phủ chỉ vỏn vẹn 4 câu như sau:

Bảo đói  e bộ quở

Tâu dịch sợ vua rầu

Giống quan như thế ấy

Chở biết mấy ghe bầu!

Lần đó, không những viên Bố chánh Bình Định bị quở trách mà ông cũng bị biếm chức. Đổi lại, người dân phủ Tuy Phước được triều đình ra lệnh mở kho chẩn cấp, cứu đói kịp thời. Nhưng cái “ngông” và “hào khí” của viên Tri phủ người Quảng được người dân Tuy Phước nhắc mãi, và kiểu từ chức lạ đời của ông trở thành một giai thoại độc đáo ở chốn quan trường.

LÊ THÍ

LÊ THÍ