Chuyện đời Ba Hòe

PHẠM LÂM 26/10/2023 07:16

Một buổi sáng năm 2023, tôi cùng vài đồng đội đến thăm anh trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở thôn 3, xã Tiên Sơn, Tiên Phước. Gặp anh khi đã vào cái tuổi cận kề thất thập, có ai nghĩ, cách đây 50 năm, anh là chiến sĩ du kích gan dạ, dũng mãnh, tên tuổi vang dội một thời.

Tuổi thơ khổ hạnh và bước ngoặt cuộc đời

Không được may mắn như những đứa trẻ khác trong làng, cậu bé Trần Hòe là đứa con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em, lại trong hoàn cảnh chiến tranh.

Năm 1968, xã Tiên Sơn thuộc vùng đất tranh chấp. Thực hiện âm mưu giành dân, lấn đất, địch đã lùa người dân Tiên Sơn ra khu dồn thôn 7, xã Bình Lâm để tiện bề cai quản. Cha của Trần Hòe đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng trước đó, mẹ và sáu anh em Hòe cùng chung số phận với dân làng.

Chân ướt chân ráo vừa chạm đến vùng đất lạ, bỗng dưng có một người lính tên gọi Năm Đức đến thuyết phục mẹ Trần Hòe (tên Vũ Thị Xiêng) để đưa cậu, lúc này vừa mới tuổi 13, về ở chăm con cho vợ chồng ông...

Vào một ngày cuối năm 1969, một trận đòn sấm sét của vợ Năm Đức giáng xuống tấm thân gầy gò của Trần Hòe. Cậu thoát chạy về lại nhà giữa đêm tối mịt mùng. Mẹ Xiêng ôm con vào lòng trong từng cơn nấc nghẹn. Ở nhà được mấy hôm, Trần Hòe lại được mẹ đưa sang đi ở cho nhà ông Giáo Thái, chăn trâu, lượm củi, kiếm cơm qua ngày.

Một chiều mùa thu năm 1971, trong lúc chăn trâu ở cánh rừng hoang vắng, bỗng dưng Trần Hòe nhìn thấy mấy bóng người xuất hiện rồi rảo bước đến gần mình. Sau một hồi trò chuyện, cậu biết đó là những người đi làm cách mạng như cha của mình...

Không chấp nhận thân phận của một kẻ làm thuê ở đợ, Trần Hòe quyết định theo các anh, các chị đi làm cách mạng (Sau này anh chỉ còn nhớ được hai trong số người dẫn dắt mình lúc đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Các, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Binh - Địch vận và anh Đặng Văn Lầu, cán bộ vũ trang an ninh huyện Quế Tiên).

Tuy phải rời xa mẹ, rời xa chị và các em, nhưng Trần Hòe lại được sống trong một môi trường mới của lực lượng vũ trang huyện với bao nghĩa tình anh em, đồng chí, đồng đội cùng chung chí hướng. “Cách mạng đã đổi đời cho tôi!”, đến bây giờ anh vẫn còn nhắc lại niềm suy tư ấy.

Cuối năm 1971, Trần Hòe được biên chế vào lực lượng du kích xã Phước Hà. Từ đây, anh được rèn luyện và trở thành chiến sĩ vũ trang kiên cường, dũng mãnh, sẵn sàng đi đầu trong các trận chiến, lập nên những trận đánh vang dội, làm cho bọn địch phải nhiều phen bạt vía kinh hồn. Trong gần 4 năm, anh đã cùng đồng đội tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, góp phần đem lại những chiến công vẻ vang cho quê hương xứ sở.

Dấu ấn cao điểm 228

Trận đánh để lại dấu ấn, tên tuổi của Trần Hòe là trận ở cao điểm 228, nằm giữa địa phận xã Tiên Cẩm và xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước ngày nay.

Ngày 5/10/1973, chốt giữ tại cao điểm này gồm các chiến sĩ Lê Văn Hương, Nguyễn Mậu Ta, Phan Tấn Điện thuộc Trung đội 2, Đại đội V11, Huyện đội Quế Tiên; Trần Văn Hòe, Phạm Văn Hòa, Đoàn Đảng thuộc lực lượng du kích xã Phước Hà, huyện Quế Tiên, nay là xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, do Trung đội trưởng, Trung đội 2 Lê Văn Hương chỉ huy.

Cả ngày hôm đó, Tiểu đoàn Biệt động Biên phòng 77 ngụy từ cao điểm 211 của quận lỵ Tiên Phước, cách đó chừng 10 cây số, dùng các loại hỏa lực pháo binh bắn xối xả vào cao điểm 228 làm nhuyễn trận địa, rồi xua quân tràn lên hòng chiếm cao điểm quan trọng này. Nhưng với sức kháng cự mãnh liệt của các chiến sĩ ta, bọn địch không thể nào tiến lên được.

Tối hôm ấy, cả một vùng trở nên vắng lặng, tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng côn trùng chi chít giữa đêm khuya. Trên cao điểm 228, các chiến sĩ Trung đội 2 trùm ny lon che mưa, ngồi dưới hầm công sự. Dù đôi bàn chân nứt nẻ, tưa tớt, rỉ máu do lâu ngày dầm trong nước mưa và bùn đất, làm rát đau tê buốt nhưng không một ai nản lòng, nhụt chí.

Khoảng 0 giờ 30 phút, Trung đội trưởng Lê Văn Hương vọt lên khỏi miệng hầm để kiểm tra trận địa. Đồng đội dõi theo, thấy ông mới rảo được mấy bước thì bỗng nghe một tiếng nổ vang rền, Trung đội trưởng Lê Văn Hương bị hất tung xuống triền núi. Liền sau đó, những tia chớp lóe lên kèm theo những tiếng nổ liên hồi trên mặt đất, dưới lòng giao thông hào, hầm công sự, nhiều chiến sĩ bị thương, toàn đội phải rút lui xuống chân đồi để bảo toàn lực lượng.

Chiến sĩ Trần Hòe kiên quyết bám trụ. Anh vọt lên khỏi miệng hầm công sự, lần lượt rút ra 5 quả thủ pháo hai bên hông từ trong dây thắt lưng, xếp thành hàng ngang và chú ý lắng nghe hướng tập kích của địch.

Vừa nghe thấy tiếng rổn rẻn phía bên hông phải thì một quả lựu đạn nữa của địch đã rơi ngay chỗ đáy hầm công sự mà anh vừa thoát lên. Một tiếng nổ vang dội, bụi đất mịt mù. Trong đầu anh lóe lên một tía sáng, miệng anh lẩm bẩm: “Mẹ bay! Đây rồi…”.

Nhanh như chớp, anh chụp lấy từng quả thủ pháo, giật nụ xòe, bung liên tiếp về phía đội hình địch, những tiếng nổ phản công long trời, lở đất, đẩy bọn địch lui trở về triền núi. Hết thủ pháo, anh chụp lấy khẩu súng trung liên, hạ nòng, kéo cò thêm mấy loạt.

Hết đạn, anh lại ôm lấy khẩu B40, cho nhả thêm mấy quả, rồi những đầu đạn của cây B41 cũng lập tức rời khỏi nòng chĩa thẳng về hướng triền núi. Khi không còn một bóng quân địch nào trên lãnh địa anh đang chốt giữ, thì cũng là lúc anh phát hiện mình đã bị thương nặng rồi thiếp đi lúc nào không rõ.

Sáng hôm sau, anh đã được đồng đội kịp thời đưa về cứu chữa. Vết thương vừa lành, anh lại tiếp tục cùng đồng đội xông pha đánh giặc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có những trận thương tích đầy người, tưởng chừng vĩnh viễn ra đi về nơi đất mẹ, nhưng không, anh đều vượt qua cửa tử.

Sau ngày hòa bình, về lại nơi chôn nhau cắt rốn, anh lập gia đình, sinh hạ được 4 người con và nay đã nên gia nên thất. Vợ chồng anh có được hai sào ruộng, vài héc ta rừng keo, một vườn cây ăn quả. Anh bảo với chúng tôi, hiện nay được hưởng chính sách người có công cách mạng, sống trong cảnh thanh bình, con cháu không phải đổ xương máu, hy sinh như mình ngày trước, như vậy là đã thấy vui và hạnh phúc lắm rồi.

PHẠM LÂM