Tìm về căn cứ địa Thị ủy Tam Kỳ xưa

PHẠM THÔNG 27/09/2023 07:34

Năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, mở ra cơ hội cho cách mạng miền Nam đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Từ đó Huyện ủy Tam Kỳ rút hàng loạt thanh niên từ đồng bằng lên căn cứ, thành lập lực lượng vũ trang, đồng thời thành lập đội công tác các xã. Lực lượng cách mạng tại Tam Kỳ nói riêng và toàn tỉnh Quảng Nam nói chung đã có những bước phát triển nhảy vọt.

Hiện hầu hết nơi đóng chân của các cơ quan thuộc Thị ủy, Thị đội Tam Kỳ xưa đều nằm dưới lòng hồ Phú Ninh. Ảnh: TTT
Hiện hầu hết nơi đóng chân của các cơ quan thuộc Thị ủy, Thị đội Tam Kỳ xưa đều nằm dưới lòng hồ Phú Ninh. Ảnh: TTT

1. Cùng với sự lớn mạnh của phong trào, tháng 4/1963 huyện Tam Kỳ chia tách thành 3 đơn vị hành chính kháng chiến, theo đó thành lập hai đảng bộ huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và Ban cán sự Đảng thị xã Tam Kỳ, do đồng chí Đỗ Thế Chấp làm Bí thư Huyện ủy Bắc Tam Kỳ kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng thị xã.

Ngay sau đó, lực lượng thuộc biên chế thị xã Tam Kỳ từ Tứ Mỹ - Núi Chúa di chuyển ra đứng chân tại các thôn Phú Hòa, Trường Cửu, Đức An thuộc xã Kỳ Trà (Tam Thạnh) và Ngọc Anh thuộc xã Kỳ Quế (Tam Lãnh), bởi đây là vùng bán sơn địa, có thể dựa núi, dựa dân.

Từ đây đến nội ô Tam Kỳ khoảng 14 - 15km, một khoảng cách vừa phải để lực lương ta luồn theo các dãy núi ngang xuống cửa ngõ phia tây, tây nam thị xã; thuận đường ra vùng giải phóng Bắc Tam Kỳ, thâm nhập cánh tây bắc thị xã.

Ở đây cũng có các dãy núi chạy liên hoàn lên Tiên Phước, Trà My - nơi có căn cứ địa của tỉnh, của Khu 5 nằm sâu trong dãy Trường Sơn, có thế tiến thế lùi mỗi khi gặp khó khăn.

Các cơ quan Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Đấu tranh chính tri - binh vận, Ban Dân vận, Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Công vận, Nông dân, Thị đội, Ban An ninh, các đại đội V18, 706, các Đội công tác xã, phường, Trạm giao bưu, Trại quân khí, Bệnh xá, các nhóm sản xuất của các đơn vị đều đóng quân ở các thôn 5, 6, 7 xã Kỳ Trà, thôn 1, 2, 3 xã Kỳ Quế và một phần đất của xã Kỳ Yên. Tùy theo tình hình địch ta, các đơn vị di chuyển địa điểm đến nhiều nơi.

2. Sau khi chia tách (năm 1963), thị xã Tam Kỳ từ chỗ chỉ có mấy chục đảng viên đã phát triển thành đảng bộ có hàng trăm người với đầy đủ các cơ quan đảm nhận chức năng kháng chiến. Về quân sự, hình thành Ban Chỉ huy Thị đội với các bộ phận tham mưu, tác chiến, xây dựng lực lượng...

Lực lượng trực tiếp chiến đấu thì từ trung đội đặc công 75A phát triển thành đại đội Đặc công V18, thành lập mới Đại đội 706. Các lực lượng từ chiến đấu nhỏ lẻ tiến lên đánh tiêu diệt cứ điểm, mục tiêu trong nội ô, tham gia đánh chống càn, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng.

Trong chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, từ căn cứ thị xã Tam Kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ chỉ đạo toàn thể lực lượng quân, dân, chính phối hợp với bộ đội huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ, bộ đội tỉnh Quảng Nam, quân chủ lực Khu 5 và của Bộ Quốc phòng trở thành binh đoàn lớn, gồm các thứ quân với hàng vạn người có đầy đủ xe tăng, thiết giáp, đại bác... tiến vào nơi sào huyệt cuối cùng của địch tại Quảng Nam, giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ Quảng Tín.

Tam Kỳ là thị xã đồng bằng duyên hải miền Trung được giải phóng đầu tiên, mở ra cơ hội giải phóng căn cứ quân sự Đà Nẵng và Chu Lai, góp phần quan trọng để Trung ương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

3. Hiện nay hầu hết địa điểm đóng quân của các cơ quan thuộc Thị ủy, Thị đội Tam Kỳ tại hai xã Kỳ Trà (Tam Thạnh), Kỳ Quế (Tam Lãnh), một phần xã Kỳ Yên (Tam Sơn) đều nằm dưới lòng hồ Phú Ninh.

Nhân dân vùng căn cứ địa sau ngày thống nhất lại tiếp tục hy sinh, di dời chỗ ở đến nơi khác, nhường đất, nhường làng để xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh phục vụ sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời bình.

Những địa danh đồi Ông Sơ, cống Mui, thác Mui, Đá Chặt, đèo Đá Én, đèo Hố Ngãi, nhà ông Thông Liệu, nơi các cơ quan của thị xã đóng quân, tá túc năm xưa đã trở thành ký ức của những người kháng chiến và nhân dân địa phương. Đây là những ký ức vô cùng thiêng liêng đối với những người yêu nước, yêu quê.

Trong thời gian qua, lãnh đạo TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng và được sự giúp đỡ của ngành văn hóa tỉnh nghiên cứu, khảo sát, lập Hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử cách mạng Thị ủy Tam Kỳ trong thời kháng chiến chống Mỹ tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh). UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định công nhận Khu căn cứ địa Thị ủy Tam Kỳ trở thanh Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Để xứng tầm Khu di tích lịch sử Thị ủy Tam Kỳ nằm trên đất Phú Ninh trong hơn 10 năm kháng chiến, lãnh đạo TP.Tam Kỳ cần phối hợp với lãnh đạo huyện Phú Ninh lập đề án đề nghị nâng cấp vùng căn cứ này trở thành khu di tích quốc gia.

Theo đó phục dựng nơi đóng quân của các cơ quan thuộc khối dân chính đảng, quân sự, an ninh, hậu cần của thị xã nằm trên những ngọn đồi nổi lên giữa mặt nước Phú Ninh thơ mộng.

Lấy đó làm nơi giáo dục truyền thống, đồng thời là nơi du khách khi bơi thuyền tham quan thắng cảnh Phú Ninh cập bến thăm viếng, thưởng ngoạn, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại đất này.

PHẠM THÔNG