Những ký ức về Trường HT2 - Từ Hồ
Chúng tôi đã ở tuổi xế chiều, có những điều có thể quên nhưng tháng năm gian khổ hiểm nguy cùng cam cộng khổ với đồng đội đồng chí ở Trường Sơn; thời gian học tập, sinh hoạt dưới mái trường dành cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam trên đất Bắc trong kháng chiến chống Mỹ là quãng đời luôn lắng đọng nơi tâm khảm không bao giờ mờ phai.
>> Những ký ức về Trường HT2 - Từ Hồ (Tiếp theo và hết)
Tháng 8/1971, từ Ban Tuyên huấn Khu 5 ở chiến khu Trà My, tôi nhận quyết định lên đường ra miền Bắc chữa bệnh. Sau 2 tháng leo núi vượt đèo lội bộ hết Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, tháng 10/1971 tôi đến trạm Cự Nẩm, Quảng Bình. Đây là trạm đầu mối, là làng xã đầu tiên để những người tham gia kháng chiến miền Nam đặt chân tới đất Bắc sau hành trình vô cùng gian khổ.
Như chúng tôi, từ chiến khu Quảng Nam đi mất 2 tháng, từ Nam Bộ mất 4 tháng, thương binh đi khiêng theo từng trạm đường dây 559 mất nửa năm mới tới trạm đầu tiên này. Từ đây chúng tôi lên xe nhà binh qua Ngã Ba Đồng Lộc ra Vinh; từ Vinh về thủ đô Hà Nội bằng tàu hỏa; từ Hà Nội tập trung về K15 Hà Đông - nơi đón tiếp cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc.
Tại K15 Hà Đông, qua nghiên cứu hồ sơ và khám xác định tình trạng sức khỏe, tình trạng vết thương, tùy theo mức độ bệnh tật, thương tật, Cục Quản lý cán bộ miền Nam (Cục B) giới thiệu chúng tôi nhập viện trong nước mà thường là bệnh viện chuyên chữa trị cho cán bộ miền Nam như E1 - Thạch Thất - Sơn Tây, E2 - Từ Liêm - Hà Nội... hoặc đưa đi nước ngoài, chủ yếu sang Quế Lâm, Trung Quốc; người sức khỏe khá về thẳng các “K” an dưỡng cán bộ miền Nam. Như tôi về an dưỡng tại K75 - Kiến An - Hải Phòng.
Khi sức khỏe phục hồi, Cục B sắp xếp chúng tôi vào các trường dành cho cán bộ miền Nam học văn hóa, trang bị kiến thức phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài về sau. Người có trình độ hết cấp I trở lên đưa về Trường HT2 - Từ Hồ, người chưa hết cấp I về K20 ở Vĩnh Yên nhập học.
HT2 -Từ Hồ, nguyên thủy là Trường Bổ túc công nông Trung ương hay là Trường Phổ thông lao động Trung ương, có từ những năm 1954, đóng tại Giáp Bát - Hà Nội, chuyên bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ công tác tại miền Bắc, có thể là trường đã hình thành từ thời chống Pháp, nằm ở tận chiến khu Việt Bắc, nhằm bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ kháng chiến.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cán bộ Dân Chính Đảng các cấp tại chiến trường miền Nam bị thương, đau ốm mất sức phải ra hậu phương miền Bắc chữa bệnh, an dưỡng, khi sức khỏe hồi phục được Ban Thống nhất Trung ương bố trí về HT2 học tập.
Trong những năm 1967 - 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, Trường HT2 đóng ở Giáp Bát - Hà Nội phải sơ tán về xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây có xóm Từ Hồ, có ngã ba Từ Hồ, có Bưu điện Từ Hồ nằm ở thôn Mễ Thượng, là vị trí trung tâm của Trường HT2, cơ quan Hiệu bộ, Bệnh xá nhà trường; các cuộc sinh hoạt văn nghệ, chiếu bóng, họp hành toàn trường đều diễn ra tại khu vực này…
Đó là căn cơ để cái tên Trường HT2 - Từ Hồ xuất hiện và trở thành phổ biến, thay thế cho cái tên Trường Phổ thông lao động Trung ương ở giai đoạn sau này, thậm chí học sinh ở thế hệ chống Mỹ như chúng tôi, nhiều người chỉ gọi, quen gọi trường Từ Hồ.
Nói là trường, thật ra là một khu vực gồm các giảng đường dã chiến mái tranh vách nứa, nằm rải rác trong các thôn Mễ Thượng, Mễ Hạ, Đông Phú, Từ Tây. Hàng chục năm nhà trường tồn tại, phần lớn học sinh ở nhờ nhà dân, ăn bếp tập thể. Nhiều gia đình tự nguyện cho nhiều thế hệ học sinh Từ Hồ tá túc trong chục năm trời.
Dân lúc ấy còn rất khổ, ăn sắn, ăn khoai, nhà chật nhưng vẫn dành chỗ thuận lợi nhất để chúng tôi trú ngụ. Họ đã yêu thương, giúp đỡ chúng tôi như con cháu, anh em trong nhà. Tình cảm ấy chúng tôi không bao giờ quên một khi còn sống trên đời này.
Ban giám hiệu có thầy Lê Tiền người Đà Nẵng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Thành ủy viên Đà Nẵng thời chống Pháp, sau giữ chức Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường; Hiệu phó là thầy Cát người miền Bắc, phụ trách học tập.
HT2 - Từ Hồ có số lượng đảng viên rất đông, đến cả nghìn người, đây là một đảng bộ lớn. Nhiều học viên nguyên là bí thư huyện ủy, tỉnh ủy viên, bí thư xã, Anh hùng Lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ, biệt động thành, tình báo nội thành, du kích tập trung các xã, cán bộ binh vận dân vận các cấp, cán bộ tuyên huấn, văn công giải phóng…
Hầu hết “học sinh” được trưởng thành từ lò lửa chiến tranh, họ là những chiến sĩ cách mạng thực thụ kinh qua thử thách nơi tiền tuyến, trong các nhà tù đế quốc. Mỗi lớp học độ 40 người thì đã có khoảng 30 đảng viên.
Nhiều người trong họ từng được cử về Hà Nội gặp các lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, được cử đi báo cáo thành tích chiến đấu ở nhiều nước trên thế giới… Họ rất trẻ nhưng chí lớn, họ là những chàng trai cô gái non tơ tóc chấm ngang vai nhưng đã là dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, là những người từng trải trận mạc.
Các thầy là những người dạy giỏi, thông thạo tính cách, trình độ, mức độ tiếp thu của “học sinh” lớn tuổi, nhưng gián đoạn việc học vì chiến tranh.
Tháng 1/1972, cận kề Tết Nhâm Tý, tôi về Từ Hồ. Sau cuộc kiểm tra kiến thức các môn Toán và Văn tôi được nhà trường thu nhận vào học lớp 8, thuộc khối cấp III nằm độc lập giữa cánh đồng, cạnh một ao sâu gọi là Ao Cá.
Ao sâu đến mức tôi là dân biển nhưng không thể lặn tới đáy. Nghe nói ao này có đường nước ngầm thông với sông Hồng, theo truyền thuyết thì nó được hình thành bởi một luồng nước xoáy rất mạnh trong một trận lụt lớn đã thay đổi địa hình như “một cuộc bể dâu”.
(còn nữa)