Chiến thắng "trực thăng vận" - dấu ấn một thời máu lửa

PHẠM LÂM 17/04/2023 11:57

Đối phó với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, quân và dân huyện Hiệp Đức đồng lòng, quyết tử vì Tổ quốc, từng bước kết thành đại thắng giành độc lập.

Thượng Tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thắng, kể về trận đánh “Trực thăng vận” ngày 22/10/1960. Ảnh: P.L
Thượng Tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thắng, kể về trận đánh “Trực thăng vận” ngày 22/10/1960. Ảnh: P.L

1. Phong trào “Đồng khởi” của Nhân dân miền Nam 1960 đã đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm đến chỗ khủng hoảng trầm trọng. Chính sách viện trợ và dùng cố vấn Mỹ để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam bị thất bại.

Vì vậy, Mỹ chuyển sang chiến lược mới, gọi là chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tức là sử dụng đội quân ngụy quyền Sài Gòn làm lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh. Biện pháp chủ yếu là tăng cường hành quân càn quét, gom dân, lập ấp chiến lược trên quy mô lớn theo Kế hoạch Staley - Taylor.

Ở khu vực Hiệp Đức, địch bắt Nhân dân đốn tre cây, làm từng tấm tre gai, đào giao thông hào, vót chông, kéo dây kẽm gai rào thành ấp chiến lược theo đơn vị thôn và phần lớn được quy lập về chung quanh Chi khu Hiệp Đức.

Cùng với lập ấp chiến lược, bọn địch thường xuyên mở những cuộc càn quét vào các vùng tranh chấp và vùng giải phóng. Những người dân còn bám trụ thì chúng đốt nhà, cướp của; bò trâu, heo gà bị bắn bỏ hoặc cướp đi, rồi đưa người dân vào ấp chiến lược; ruộng vườn hoang hóa, xóm làng tan hoang.

Trước ngày 22/10/1962, theo nguồn tin từ nội bộ trong Chi khu Hiệp Đức, địch có khả năng mở đợt càn quét hòng chiếm lại vùng đất Trà Linh, Đồng Làng.

Nắm được thông tin, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Sơn nhận định ban đầu: Địch có thể sử dụng 2 đại đội bảo an từ Trung tâm huấn luyện biệt kích Phước Sơn (tại khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình ngày nay) di chuyển xuống theo trục đường công chánh, hợp lực với 1 đại đội từ Chi khu Hiệp Đức xuống đường Tã Huy để đánh chiếm lại vùng đất này.

Từ nhận định đó, Huyện ủy Quế Sơn quyết định cử 12 đồng chí cán bộ chiến sĩ của Huyện đội, do đồng chí Phùng Chí Mai, 35 tuổi, Huyện đội trưởng, làm chỉ huy lên phối hợp với 15 đồng chí du kích xã Sơn Tân (trong đó có cả Bí thư, Chủ tịch xã) mai phục, để đánh trả cuộc càn quét.

Đúng như tin báo, mờ sáng ngày 22/10/1962, địch dùng súng cối 105 ly từ các cứ điểm ở Nông Sơn, Quế Sơn, Tuần Dưỡng bắn phá dồn dập vào các khu vực Thổ Sung, đồng Cây Canh, Nà Trâu (xã Sơn Tân), sau đó đưa máy bay phản lực đến ném bom, làm nhuyễn trận địa trước khi đổ quân.

Khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, một tốp máy bay trực thăng H-34, loại hai cánh quạt, gồm 6 chiếc, bất ngờ từ phía dưới Đức Dục bay lên, chui qua Hòn Kẽm Đá Dừng, nhanh chóng hạ cánh đổ hơn 100 quân xuống đồng Cây Canh (Gành Khô cũ, Trà Linh Tây ngày nay).

Do quá bất ngờ nên bộ đội ta chưa kịp nổ súng, thì tốp thứ hai gồm 5 chiếc, tiếp tục bay tới, chuẩn bị hạ cánh, đồng chí Phùng Chí Mai hạ lệnh tấn công. Trong tay đồng chí Mai là một khẩu súng trung liên, để giữ cho nòng súng được ổn định, tầm bắn được chính xác, đồng chí Võ Sĩ Thái, 21 tuổi, lập tức đưa hai chân súng lên vai và ghì chặt, đồng chí Trần Văn Thắng, 17 tuổi, làm nhiệm vụ tiếp đạn, đồng chí Mai nhấn cò, cả lực lượng ta đồng loạt nổ súng, những luồn đạn bay xối xả vào đội hình máy bay địch, làm 2 chiếc rơi ngay tại chỗ, 4 chiếc còn lại hốt hoảng bay ngược trở xuống Nông Sơn.

Lại một tốp thứ 3 nữa gồm 5 chiếc cũng lù lù lao tới, đồng chí Phùng Chí Mai cùng lực lượng tiếp tục nhả đạn, 1 chiếc rơi ngay tại chỗ, 2 chiếc khác bị thương cùng 2 chiếc còn lại nâng cao cánh, quay trở về Đức Dục. Tổ phi công và những tốp lính gồm 47 tên trong 3 chiếc máy bay rơi bị thiêu rụi hoàn toàn.

2. Cả ngày hôm đó, lực lượng ta từ trong các hẻm rừng, liên tục di chuyển vị trí, dùng súng bắn tỉa vào đội quân địch tại đồng Cây Canh, gây thêm thiệt hại cho chúng, làm cho bọn chúng chỉ biết co cụm lại, không giám triển khai mở rộng đội hình đi càn quét mà chỉ dùng súng bắn vung vãi vào núi rừng trống không và nằm lì bám trụ để chờ lực lượng đến tiếp cứu. Đến tối, lực lượng ta thấm mệt, nguồn đạn cũng đã cạn kiệt, các đồng chí quyết định rút lui một cách an toàn.

Thượng tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thắng, giới thiệu về Tượng đài chiến thắng “Trực thăng vận” ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức. Ảnh: P.L
Thượng tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thắng, giới thiệu về Tượng đài chiến thắng “Trực thăng vận” ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức. Ảnh: P.L

Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, bọn chúng đưa 3 chiếc trực thăng hạng nặng đến hạ cánh, có sự hỗ trợ của đội quân ở mặt đất, thu gom xác đồng đội, rồi cẩu 3 chiếc trực thăng bị bắn rơi về hướng Đà Nẵng. Số quân địch bị mắc kẹt cả ngày đêm tại đây, giờ phải tìm đường rút lui về Trung tâm huấn luyện biệt kích Phước Sơn.

Đây là trận đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận” của địch đầu tiên trên chiến trường tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Huyện đội Quế Sơn và lực lượng du kích xã Sơn Tân được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng bằng khen.

Tại địa điểm Gành Khô (cũ), thôn Trà Linh Tây, xã Hiệp Hòa, năm 2005, được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Năm 2012, Tượng đài chiến thắng “Trực thăng vận” dựng lên bên bến Trà Linh soi bóng trên dòng sông mẹ Thu Bồn. Tượng đài lấy cảm hứng từ trận đánh ngày 22/10/1962, với hình ảnh chiếc trực thăng Mỹ bị bắn rơi cắm đầu xuống đất, chỉ còn lại phần đuôi chỏng chơ trên mặt đất. Tượng đài do một cá nhân là con em quê hương xã Hiệp Hòa vận động đóng góp đầu tư, với kinh phí trên 300 triệu đồng.

Do tác động của thiên nhiên, tượng đài nay đã xuống cấp, rất mong sự quan tâm trùng tu, bảo dưỡng của chính quyền các cấp địa phương. Cầu Trà Linh đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, cùng với danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng, hy vọng nơi đây sẽ là đểm đến của du khách gần xa.

PHẠM LÂM