Ký ức Trại Lù
Trại Lù là địa danh thuộc thôn An Định (nay là thôn Phước Định), xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc. Đây là một hang đá ngầm ở sâu trong lòng dãy Sơn Gà, dài hàng cây số, có nhiều ngõ ngách, sức chứa cả trăm người. Với địa thế hiểm yếu đó, trong kháng chiến, Trại Lù là nơi trú ẩn, điểm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ cách mạng của tỉnh, huyện và xã.
Căn cứ địa
Đỉnh Trại Lù có nhiều tảng đá to bằng mái nhà, bom đạn giặc Mỹ khó phá nổi. Theo nhiều cán bộ lão thành cách mạng, đây là một hang đá ăn sâu vào lòng núi, nhưng thời kháng chiến, vì đảm bảo bí mật nên cán bộ, chiến sĩ cách mạng gọi một hang đá sâu nơi này là Trại Lù để tránh bị địch theo dõi, phát hiện.
Địa danh Trại Lù đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng hoạt động ở đây. Dưới lòng hang Lù có suối nước trong, chảy từ khe An Định. Trong hang có gió thông các hướng, có thể mắc võng nằm nên suốt mười mấy năm kháng chiến, quân và dân ta chọn Trại Lù làm điểm trú ẩn, dừng chân trên đường công tác.
Đỉnh Trại Lù nằm ở độ cao khoảng gần 1.000m, từ đây, có thể quan sát mọi động tĩnh của địch. Căn cứ này nằm ở vị trí giao thông thuận lợi để từ đây có thể men theo đường rừng đi bệnh viện dã chiến của ta đóng ở Đại Lãnh, lại có thể đi ngược đường tắt ra Hòa Vang (Đà Nẵng). Trại Lù cũng nối liền với K650 (mật danh kho lương thực) của tỉnh và căn cứ Phước Lộc (xã Đại Quang) nên thuận tiện cho việc trú ẩn và tiến thoái khi địch tập kích.
Những năm 1965 - 1967, cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt, địch liên tiếp triển khai kế hoạch “tìm diệt và bình định”.Những năm 1968 - 1970, bộ đội của Trung đoàn 41 từng đóng tại Trại Lù để tổ chức các trận tấn công mãnh liệt địch ở Núi Lở, Cầu Chìm, Gò Om.
Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Đà cũng đã dừng chân ở Trại Lù trước khi di chuyển về Hòa Vang (Đà Nẵng) chỉ đạo phong trào cách mạng. Năm 1974, chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt với chiến dịch Thượng Đức. Địch nhiều lần phát hiện hang Lù là nơi trú ẩn của cán bộ, bộ đội, du kích nên đã dùng nhiều cách để triệt phá. Song hang Lù vẫn đứng vững trước những cơn mưa bom, bão đạn.
Ông Mai Anh Súy (SN 1950, hiện sống ở xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) - một cán bộ cách mạng từng giữ chức Trưởng Công an xã Lộc Quang (nay là xã Đại Đồng) cho biết, ông cùng đồng đội thoát ly lên núi, lấy hang Lù làm nơi trú ẩn để hoạt động.
Tháng 8/1974, ông cùng 8 đồng đội khi đang trú ẩn trong hang thì bị địch bao vây ráo riết các ngả, chặn đứng các con đường tiếp tế. Sau nhiều ngày ròng trú trong hang ăn dần hết lương thực dự trữ, chỉ còn cách lợi dụng đêm khuya, lúc địch mất cảnh giác, cán bộ chia nhau ra dân xin sắn, khoai, bắp về để ăn cầm cự chờ ngày quân ta phản công, làm chủ trận địa.
“Có lúc đói lả, chỉ ăn cầm hơi, uống nước nhưng niềm tin và ý chí sắt đá đã khiến chúng tôi trụ vững. Đợt đó, chiến trường Thượng Đức đang ở thời điểm ác liệt nhất. Địch đã đưa nguyên một sư đoàn dù tái chiếm Thượng Đức. Trước khi lính dù đến địa điểm nào chúng đều khảo sát địa hình, bao vây tứ phía nên đồng đội và tôi không còn đường rút lui, phải mắc kẹt ở hang Lù nhiều tháng trời” - ông Súy kể.
Bà Lê Thị Thanh (SN 1955, hiện sống tại xã Đại Quang) từng là y tá, cũng là một trong số những cán bộ hoạt động bị mắc kẹt lại hang Lù nhiều tháng trời. Bà kể: “Một ngày, ở trong hang, chúng tôi quan sát và biết quân ta (Sư đoàn 304, Sư đoàn 324) đã làm chủ được tình hình. Quân đội ta đóng cách hang Lù không xa. Chúng tôi bàn cách lợi dụng ban đêm liều mình vượt qua hàng rào bom mìn cài sẵn của địch để tiếp cận bộ đội.
Khi đó ai cũng xác định, ở lại cũng chết, đi có thể chết hoặc có thể sống. Khi còn cách quân ta không bao xa, tôi tiến lên trước để tiếp cận. Vừa thấy người, các đồng chí giương súng bao vây, nhưng thấy tôi là phụ nữ, sau một hồi tra xét kỹ, đã áp tải tôi về đơn vị để xác minh lý lịch. Tôi được đoàn tụ đồng đội và được ăn một bữa no sau nhiều tháng trời bị cô lập”.
“Địa chỉ đỏ” giữa lòng dân
Hoạt động ở Trại Lù thời điểm đó còn có ông Phạm Ngọc Thành (SN 1955) - Xã đội trưởng xã Lộc Mỹ (nay là xã Đại Quang), ông Trần Quang Thái - Chủ tịch UBND xã Lộc Mỹ. Ông Thành cho biết, nếu không có Trại Lù, sự nghiệp cách mạng của 2 xã Lộc Quang, Lộc Mỹ và huyện nhà nói chung sẽ gặp khó khăn. Bởi nếu tính đường chim bay, Trại Lù chỉ cách đồi 1062 chừng vài cây số.
“Phải nói trại Lù là nơi trú lại của lực lượng chính trị, dân quân, du kích địa phương, ngay cả bộ đội tỉnh và huyện cũng về đây. Nơi đây là ngã ba của tuyến liên lạc, có con đường bí mật dẫn đến bệnh viện quân đội dã chiến. Nơi đây cũng có con đường đi Hòa Vang lấy gạo, tiếp tế lương thực, thuốc men, chỉ cách cơ sở lương thực (K650) chừng 1 cây số đường chim bay” - ông Thành kể.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Thành, Trại Lù đóng vai trò như một “tổng hành dinh” của cách mạng, của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Đặc khu ủy Quảng Đà. Nhưng vào năm 1974, có thời điểm bộ đội ta hành quân ghé chân qua đây nghỉ ngơi, tắm rửa; do ở xa tới, chưa thông thạo địa hình, một số đồng chí sơ suất giặt quần áo phơi trước cửa hang rồi ngồi nghỉ mát. Trên không, bọn địch dùng tàu rà phát hiện. Chúng gọi máy bay thả bom Napal (bom xăng) ngay cửa hang Lù, làm chết 8 chiến sĩ. Đây là lần tổn thất lớn ở Trại Lù.
“Thời đó, ai cũng sợ nhất là bom xăng, bởi bị thương rất khó chữa trị” - một cán bộ lão thành nhớ lại. Không chỉ thả bom, địch cũng điên cuồng rải chất độc hóa học vào hang, song rất may là hang Lù thông gió, hơi gió và hơi nước đẩy ra.
Trại Lù còn gắn liền với tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Thị Liền (SN 1924, thôn Phú Hương, xã Đại Quang), tham gia cách mạng từ năm 1947. Thời chống Mỹ, bà Trịnh Thị Liền từng hoạt động ở Trại Lù khoảng 6 tháng, khi đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Lộc Mỹ...
Di tích Trại Lù được Phòng VH-TT huyện Đại Lộc lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, công nhận di tích cấp tỉnh bởi giá trị lịch sử của căn cứ địa này.