Cọc Kỳ Sanh và Đại tướng Chu Huy Mân

PHAN ĐỊNH 17/03/2023 11:09

(QNO) - Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Quân khu 5 (tại Đà Nẵng) nhân 110 năm ngày sinh của ông - ngày 17/3/1913 và khá bất ngờ trước hiện vật là chiếc cọc Kỳ Sanh đang được trưng bày tại Phòng 6 (Quân và dân khu 5 trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giai đoạn 1954-1965). 

Chiếc Cọc Kỳ Sanh được trưng bày tại bảo tàng Khu 5.
Chiếc Cọc Kỳ Sanh được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5.

Nhờ những chiếc cọc này, bộ đội ta đã đào hầm hào, công sự và có trận đánh vang dội ở Kỳ Sanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) năm 1964, góp phần làm thất bại chiến lược “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy.

Chiến công mang đậm dấu ấn của cố Đại tướng Chu Huy Mân - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước); nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương); nguyên Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu 5; nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên…

Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Thượng tướng Chu Huy Mân - nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Vào chiến trường khu 5 trong thời điểm đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, Đại tướng Chu Huy Mân cùng Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhanh chóng tổ chức chiến trường nhằm đối phó với các âm mưu, thủ đoạn mới của địch. Với tư duy lãnh đạo sắc bén, Đại tướng Chu Huy Mân đã xây dựng ý chí dám đánh và quyết đánh cho bộ đội.  

Đại tướng Chu Huy Mân đã đến Quảng Nam trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và giúp đỡ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) quyết tâm đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch. Theo đó, thực hiện kế hoạch tác chiến Thu - Đông 1964, Tiểu đoàn 90, Trung đoàn 1, được tăng cường, nhận nhiệm vụ đánh Kỳ Sanh. Kỳ Sanh là một xã giải phóng của ta ở Tây Tam Kỳ (Quảng Nam). Trong tháng 3/1964, Mỹ - ngụy mở nhiều chiến dịch lấn chiếm lại. Sau một thời gian đánh phá, địch đã gom dân vào 6 ấp chiến lược. Lực lượng địch ở đây có tiểu đoàn quân ngụy bố trí thành 3 cụm ở đồi 76 và 2 thôn 7, 8.

Đánh Kỳ Sanh, bộ đội ta phải vận động trên địa hình trống trải, giữa hệ thống cứ điểm dày đặc, địch có thể phát huy được máy bay, cơ giới.

Trước khi bộ đội xuất quân, Đại tướng Chu Huy Mân (lúc này là Chính ủy Quân khu 5) về trung đoàn động viên anh em, sau khi đã quán triệt chiến thuật, đồng chí hỏi: "Bộ đội còn gì khó khăn không?"

Cán bộ, chiến sĩ giơ tay nói: “Báo cáo thủ trưởng, hơn 600 người đi vào trận đánh mà có không đầy hai chục xẻng cuốc, khó đào công sự xong trong đêm”.

Đòi hỏi của bộ đội lúc này rất thực tế, thời gian chỉ còn mấy tiếng đồng hồ, làm sao để giải được bài toán hóc búa này? Sau một lúc suy nghĩ, đồng chí Chu Huy Mân mượn dao cùng các đồng chí bảo vệ ra rừng tìm một cây gỗ thật cứng, chặt một đoạn vót nhọn.

Tập hợp bộ đội, cầm cây cọc gỗ vót nhọn cắm trước hàng quân, Đại tướng Chu Huy Mân nói: “Các đồng chí! Xưa kia Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng bằng những cây cọc gỗ như thế này, tất nhiên là lớn hơn, dài hơn. Ngày nay, các đồng chí hãy noi gương cha ông, dùng nhưng cọc gỗ để đánh Mỹ - ngụy. Gỗ có thể đâm thủng thuyền giặc thì gỗ cũng có thể dùng để đào công sự chiến đấu”.

Hiểu được ý của thủ trưởng, bộ đội tỏa vào rừng, mỗi người chặt một đoạn cây vót nhọn để thay cuốc, xẻng. Đêm hôm ấy, bộ đội đào công sự cá nhân khá tốt.

Theo đúng kế hoạch, đêm 9/8/1964, ta tiến công tiêu diệt 1 đại đội quân ngụy ở thôn 8. Sáng ngày 10, địch huy động thêm lực lượng và 9 xe bọc thép M113 lên Kỳ Sanh cứu viện. Để yểm trợ lực lượng cứu viện, máy bay và pháo binh bắn phá ác liệt dọn đường. Những công sự đào vội bằng cọc gỗ chỉ sâu đến thắt lưng cũng đủ để chiến sĩ ta vững tâm chờ địch. Khi đại bộ phận quân địch đã lọt vào trận địa phục kích, ta đồng loạt nổ súng. Bất chấp những làn mưa bom bão đạn, chiến sĩ ta vừa anh dũng đánh chia cắt bộ binh địch và bình tĩnh đón đánh những chiếc xe M113 đang hung hăng lao tới. Chỉ trong một giờ đồng hồ, ta bắn hạ 6 chiếc M113, tấm lá chắn bằng thép bị phá vỡ, quân địch hốt hoảng tháo chạy, ta xông lên truy kích, diệt hơn 100 tên.

Tuy chưa diệt gọn được toàn bộ quân địch nhưng đây là trận đầu tiên ta trụ vững ở địa bàn đồng bằng. Chiến thuật “thiết xa vận” - thủ đoạn chủ yếu để thực hiện kế hoạch càn quét gom dân lập ấp chiến lược của địch lần đầu bị đánh bại trên chiến trường khu 5. Chiến thắng Kỳ Sanh đã phát động tinh thần dám đánh và biết đánh trong quân và dân ta ở khu 5, khẳng định chỉ với trang bị thô sơ, sử dụng lối đánh gần, ta có thể chiến thắng kẻ thù được trang bị vũ khí hiện đại.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, suốt 12 năm chiến đấu, công tác trên chiến trường trọng điểm Quân khu 5, Đại tướng Chu Huy Mân đã góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo.

Trên địa bàn khu 5, các “vành đai diệt Mỹ” ra đời như vành đai Đà Nẵng, Chu Lai, Đức Phổ, Đệ Đức, An Khê.

Tuỳ theo căn cứ của quân Mỹ lớn hay nhỏ mà xây dựng vành đai rộng hay hẹp, nhưng tất cả đều dựa chắc vào thế trận lòng dân, vào sức mạnh, ý chí kiên cường, quyết tâm thực hiện “ba bám” (bám đất, bám dân, bám địch) một tấc không đi, một ly không rời, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên các vành đai, ta sử dụng nhiều hình thức đấu tranh phong phú, sáng tạo, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận; phát huy nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, giành thế chủ động, bí mật, bất ngờ, mưu trí, dũng cảm, đánh nhanh, diệt gọn.

Với thế trận toàn dân đánh giặc, các vành đai diệt Mỹ thực sự là thiên la địa võng, là bức tường thép vững chắc mà bom đạn của kẻ thù không sao xóa bỏ được, khiến quân thù kinh hoàng khiếp sợ, luôn rơi vào tình trạng căng thẳng đối phó, hao mòn lực lượng, khủng hoảng tinh thần.

Từ chiến trường khu 5, những khẩu hiệu “bám thắt lưng địch mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, gặp ngụy là diệt” ra đời, dấy lên phong trào thi đua Dũng sĩ diệt Mỹ, gây nên nỗi khiếp đảm với quân viễn chinh Mỹ. Khu 5 trở thành địa phương đi đầu diệt Mỹ, cổ vũ khí thế đánh Mỹ, thắng Mỹ trên toàn chiến trường miền Nam. 

Đại tướng Chu Huy Mân là một trong những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu, công tác trên nhiều chiến trường trọng điểm, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Trí tuệ sáng tạo và bản lĩnh kiên cường trong lãnh đạo xây dựng, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân của Đại tướng Chu Huy Mân cùng tinh thần yêu nước, mưu trí dũng cảm của quân và dân Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ là những bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

PHAN ĐỊNH