[eMagazine] - Nhớ mãi đồng đội ở Hòn Tàu, Đèo Le
(QNO) – Từng trực tiếp chỉ đạo và chiến đấu tại căn cứ Hòn Tàu – Đèo Le, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn Nguyễn Quốc Dũng chứng kiến sự khốc liệt của chính trường và tội ác của kẻ thù. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống cho độc đập tự do của Tổ quốc. Để có một nơi trang nghiêm, lo hương khói cho đồng đội, ông Dũng vận động nguồn lực xây dựng một Khu tưởng niệm ngay tại Hòn Tàu, Đèo Le.
Năm 1964, ông Nguyễn Quốc Dũng (quê ở Quế Phú, Quế Sơn) tròn 17 tuổi, vừa học xong lớp đệ ngũ tại Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình) đã được tạo điều kiện đi học bổ túc nghiệp vụ công an. Từ cuối năm 1966 – tháng 12/1969, ông kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng tại Huyện đội Quế Sơn như cán bộ trinh sát, Trung Đội trưởng cối 82, Huyện uỷ viên - Chính trị viên Đại đội V10, Thường vụ Huyện uỷ - Chính trị viên huyện đội.
Mỗi cột mốc, mỗi vị trí đảm trách của người bộ đội Cụ Hồ này đều để lại những dấu ấn đậm nét, với những chiến lược xuất sắc, tác động mạnh mẽ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, giai đoạn là Chính trị viên Huyện đội Quế Sơn (1969), ông Nguyễn Quốc Dũng có quyết định sáng suốt khi chọn căn cứ Hòn Tàu – Đèo Le làm nơi nuôi dưỡng, trú quân huấn luyện, củng cố lực lượng. Nhờ đó, những đội quân chủ lực của huyện đội Quế Sơn ra đời, trở thành lực lượng nòng cốt cho những cuộc tiến công, nổi dậy của quân ta, trong đó tiêu biểu là chiến thắng Cấm Dơi (1972). Đây cũng là trận đánh để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.
Ông Dũng kể, đầu năm 1972, ông cùng Bí thư huyện uỷ Hồ Hoa được Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu V triệu tập, tham gia cuộc họp chuẩn bị chiến dịch đánh chiếm cứ điểm Cấm Dơi và Quận lỵ Quế Sơn. Quế Sơn có nhiệm vụ đưa bộ đội chủ lực đi chiến trường, phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực. Đồng thời chuẩn bị lực lượng bên trong để diệt ác phá kìm và chuẩn bị chu đáo việc chuyển tải đạn.
Rạng sáng 17/8/1972, tiếng súng mở màn chiến dịch nổ ra. Trong khi các đơn vị chủ lực đánh mạnh vào các cứ điểm của địch, ông Dũng cùng bộ đội địa phương và du kích đánh các khu vực đồn Nhà Tắm, ấp Đồng Thành, Rừng Dền, Sơn Lộc… để đưa dân an toàn ra ngoài.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Quốc Dũng kể về quá trình tham gia chiến đấu:
Để chặn địch rút lui và cứu viện trên tuyến 105, ông Dũng chỉ huy công binh Huyện đội dùng đinh 10 đóng xuống mặt đường nhựa. Sau đó, địch rà mìn, phát hiện tín hiệu kim loại đã dùng mìn đánh phá khiến mặt đường 105 này bóc lên, tạo thuận lợi để quân ta dễ dặt mìn. Lợi dụng lúc địch sơ hở, ông Dũng chỉ đạo công binh đặt mìn tự tạo và điều khiển từ xa để tiêu diệt các đoàn xe của địch.
Chiều 19/8/1972, cứ điểm Cấm Dơi của địch bị tiêu diệt, bộ đội địa phương và du kích khóa chặt bờ bắc sông Ly Ly và đường 105. Địch liên tục mở cuộc phản kích hòng tái chiếm các cứ điểm đã mất nhưng không thành. Chiến dịch Cấm Dơi hoàn toàn thắng lợi, góp phần đập tan phòng tuyến phía đông của địch, tạo thế và lực trên chiến trường Quảng Nam.
Sau chiến thắng Cấm Dơi, ông Nguyễn Quốc Dũng được cấp trên điều động làm Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên Tiểu đoàn 12 (thuộc Tỉnh đội Quảng Nam). Tiếp đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ tại các tiểu đoàn thuộc tỉnh và chiến đấu cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được điều động về làm Bí thư huyện uỷ Quế Sơn. Sau đó tiếp tục được điều động bổ nhiệm chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông Dũng luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người lính cụ Hồ, phấn đấu hết mình vì những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Những năm tháng khói lửa nơi Hòn Tàu - Đèo Le (nay là xã Quế Long, Quế Sơn) đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Vết tích cuộc chiến giờ đã nằm lặng dưới bóng rừng, nhưng vẫn bộn bề trong lòng vị cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Quốc Dũng bao xúc cảm, nhắc nhớ một thời cùng đồng đội chắc tay súng, chiến đấu quên mình. Không ít đồng đội của ông đã ngã xuống, máu và xương hòa vào đất, để Hòn Tàu mãi xanh.
Như lời ông Dũng, không phải ngẫu nhiên vùng đất Hòn Tàu - Đèo Le trở thành vùng trọng điểm trên chiến trường Quế Sơn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là giao lộ quan trọng. Từ Hiệp Đức xuống, Nông Sơn qua hay từ vùng đông Quế Sơn, Thăng Bình đi lên đều phải vượt Hòn Tàu - Đèo Le. Đồng thời với địa hình hiểm trở, nhiều hang động rộng lớn, kéo dài, thông với nhau nên khu vực này trở thành nơi tập trung lương thực, vũ khí, nhân lực để sẵn sàng cho những cuộc tiến công, nổi dậy của quân ta. Đặc biệt, những hang động như Trú Bà Sáu, Trầm Xác Máu có thể làm nơi đóng quân cho cả một trung đoàn.
Một số thời điểm, Hòn Tàu - Đèo Le còn trở thành căn cứ địa vững chức cho Đặc khu ủy Quảng Đà, Tỉnh ủy, Huyện ủy. Đây cũng là nơi từng diễn ra những sự kiện lịch sử đáng nhớ về các lần Đại hội Đảng bộ huyện Quế Sơn, từ đó đề ra nhiều chủ trương, giải pháp sát hợp với tình hình thời chiến. Đáng chú ý, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cũng từng về đây ở và làm việc với Huyện đội Quế Sơn trong thời gian khá dài, khi các vùng Đại Lộc, Duy Xuyên bị đánh phá ác liệt.
Ông Dũng đau lòng trước bộ đội ta hy sinh trên đường Đèo Le sau một trận đánh ác liệt năm 1969. Tỉnh đội Quảng Nam yêu cầu Huyện đội Quế Sơn khẩn trương chôn cất. Nhưng địch liên tục ném bom khiến việc chôn cất diễn ra rất gian nan và đau xót… Sự hy sinh ấy càng cho thấy tội ác kẻ thù thật sâu dày. Ghi khắc những thòi khắc không thể quên, quân và dân Quế Sơn cùng nhau vượt qua gian nguy trụ vững chiến đấu, gây nhiều tổn thất cho địch và làm nên những chiến thắng vẻ vang.
Khi quê hương giải phóng, được phân công làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, ông Nguyễn Quốc Dũng đã nung nấu ý nguyện về một công trình tưởng niệm để hương khói cho những đồng đội đã hy sinh. Song hàng chục năm sau đó, ý nguyện vẫn chưa thể thực hiện vì nhiều lý do, điều này để lại trong lòng ông nhiều nỗi dằn xé khó tả…
Đến đầu năm 2022, ông Dũng phối hợp với nhiều nhà tài trợ tổ chức giải Golf thu hút 500 golfer tham gia. Toàn bộ số tiền sau giải đấu, ông Dũng hỗ trợ xây nhà, trao sinh kế cho cựu chiến binh, thương binh bệnh binh trên địa bàn huyện Quế Sơn. Đồng thời, dành khoản kinh phí hơn 11 tỷ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm Hòn Tàu – Đèo Le và Bia ghi tên các Anh hùng liệt sĩ tại rừng cấm An Xuân (xã Quế Mỹ). Trong đó, Khu tưởng niệm Hòn Tàu – Đèo Le được khởi công vào tháng 2.2022 với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
“Rừng cấm An Xuân là nơi chôn cất 38 đồng đội của tôi đã hy sinh. Trận đánh này tôi trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu nên biết rõ anh em hy sinh thế nào, chôn cất ở đâu. Thời gian qua, chúng tôi tìm được hài cốt các đồng chí và dựng bia tưởng niệm để con cháu đời sau biết về dấu mốc lịch sử của vùng đất này" - ông Nguyễn Quốc Dũng.
Trước khi khởi công công trình, ông Nguyễn Quốc Dũng cùng lãnh đạo huyện Quế Sơn lên ý tưởng, khảo sát địa điểm và thông qua nhiều phương án thiết kế. Công trình được triển khai xây dựng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng của mưa bão và dịch bệnh Covid-19 nhưng đơn vị thi đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đảm bảo các yêu cầu về kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị lịch sử - văn hóa của di tích.
Khu tưởng niệm Hòn Tàu – Đèo Le gồm các hạng mục nhà tưởng niệm, vòng tròn trung tâm, tượng phù điêu, nhà đón tiếp, lối đi nội bộ, san nền, cải tạo suối, bãi đổ xe... Điểm nhấn Khu tưởng niệm là bức phù điêu về người chiến sĩ Hòn Tàu – Đèo Le mang tính biểu trưng, như anh linh anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện với chiến khu, sống mãi với non sông.
Giữa tháng 12/2022 vừa qua, huyện Quế Sơn tổ chức khánh thành Khu tưởng niệm với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương. Dâng nén hương, tưởng niệm đồng đội, ông Nguyễn Quốc Dũng xúc động nói mãn nguyện vì sau bao nhiêu năm, anh linh những chiến sĩ hy sinh tại Hòn Tàu – Đèo Le đã có nơi để lo hương khói….
Bí thư Huyện ủy Quế Sơn Đinh Nguyên Vũ cho rằng, Khu tưởng niệm Hòn Tàu – Đèo Le hoàn thành mang ý nghĩa chính trị to lớn. Đây là nghĩa tình của thế hệ hôm nay đối với anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và gia đình các liệt sĩ.
Để giữ gìn và phát huy giá trị, cũng như ý nghĩa to lớn của Khu tưởng niệm, huyện Quế Sơn sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý, bảo vệ, gìn giữ để nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ cho người dân, du khách tham quan, học tập và giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau.