Chuyện những người lính tình nguyện Việt Nam - Bài 1: Tình đồng chí - tình ruột thịt

QUẾ HÀ 04/01/2023 08:06

Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, lớp lớp thanh niên sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nghĩa vụ cao cả - sống, chiến đấu bên ngoài Tổ quốc. Trở về đời thường, dù cuộc sống bao bộn bề gian khó, thương tật hành hạ nhưng họ vẫn sống rất đẹp, giữ vẹn nguyên phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”.

Cựu chiến binh bàn giao bức ảnh cho gia đình liệt sĩ Từ Ngọc Hòa. Ảnh:Q.H
Cựu chiến binh bàn giao bức ảnh cho gia đình liệt sĩ Từ Ngọc Hòa. Ảnh:Q.H

Tôi từng được nghe anh Nguyễn Hải Triều (người làng Đại An, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) kể lại: “Khoảng đầu xuân 1975, tôi được cử đi học khóa sư phạm cấp tốc do Ty Giáo dục Quảng Đà mở tại chiến khu Giằng.

Thời điểm này, những trận đánh giữa bộ đội Sư đoàn 304 và quân dù ngụy trên “đỉnh máu” 1062 sắp bước vào giai đoạn kết thúc. Bà con trên vùng sơ tán đã rải rác kéo về làng cũ. Tôi cùng một số đồng nghiệp khác làm nhiệm vụ tổ chức lớp học cho các em tại vùng giải phóng Thượng Đức.

Vừa dạy học vừa thầy và trò vừa lo cảnh giác để tránh các loạt pháo bầy từ sân bay Nước Mặn bắn lên Thượng Đức. Giải phóng Đà Nẵng, rồi đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Đến năm 1981, khi đang công tác ở Phòng Văn hóa huyện Đại Lộc thì anh Triều được lệnh nhập ngũ. Chiến trường Campuchia lúc này rất khốc liệt, anh được biên chế vào Đại đội 19 trực thuộc Trung đoàn Ba Gia anh hùng - mệnh danh Trung đoàn “Thép” - Trung đoàn lừng danh “Đã đi là đến - Đã đánh là thắng”.

Nhà anh Trà Quang Hảnh với Nguyễn Hải Triều cách nhau hàng chè tàu. Năm 1980, anh Hảnh lên đường nhập ngũ, đóng quân gần đền Prết-vi-hia. Trong trí nhớ của anh bây giờ, ngôi đền ấy rất đẹp và thiêng liêng đối với người bản xứ.

Thời tiết ở vùng Prết-vi-hia khắc nghiệt. Mùa mưa thì như trút nước suốt cả ngày lẫn đêm. Mùa nắng, đất đai khô cằn, không có lấy một giọt nước. Đồng đội của anh nhiều người phải đổi máu để lấy nước, không chỉ chết vì bom đạn mà còn chết vì sốt rét, vì khát...

Cựu chiến binh Châu Văn Trà trao hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Q.H
Cựu chiến binh Trà Văn Châu trao hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Q.H

Hai người lính đồng hương gặp nhau, Trà Quang Hảnh dặn dò Nguyễn Hải Triều: “Khốc liệt lắm! Qua ngầm là không về được anh à! Anh phải hết sức cẩn thận, mìn ở đây như nấm!”.

Nửa năm sau, trên đường hành quân vào chiến dịch Ngã Ba Biên mùa khô năm 1984, khi vừa đến Stung-treng thì Nguyễn Hải Triều gặp một chiếc xe Zin 130, trên chiếc võng cột chéo vào thùng xe phía sau là một thương binh bị nát cả hai chân do vướng mìn, máu nhuộm đỏ ướt cả chiếc võng.

Đường ổ gà xốc xoáy, rung lắc. Ai nhìn cũng xót xa và nghĩ người thương binh ấy chắc sẽ không qua khỏi. Khi tới bờ bên này sông Mê Kông, chuẩn bị qua phà vào đất địch, Nguyễn Hải Triều gặp em ruột cũng trên đường chiến dịch, mới biết người nằm trên võng kia chính là Hảnh, bởi một trái mìn KP2 đã băm nát đôi chân khi đi rà mìn cho đơn vị Nguyễn Hải Triều hành quân...

Anh Triều trở về đất mẹ, mới biết đứa em gái ruột không ngại thiệt thòi, đồng cảm sự hy sinh, mất mát của người lính đã đến với anh thương binh thương tật vĩnh viễn trên 80% - Trà Quang Hảnh.

Tình đồng chí - tình ruột thịt đã gắn kết họ với nhau, vượt qua bao khó khăn đời thường, nhớ hôm ngày đưa Nguyễn Hải Triều về đất mẹ, đồng đội bế Trà Quang Hảnh lên chỗ triền đồi Đại Lãnh. Những người lính văn công của đoàn Ba Gia hôn vào lá Quốc kỳ, trong réo rắt tiếng nhạc “Đoàn lữ nhạc” của Đỗ Nhuận.

Chàng trai Trà Văn Châu, quê Đà Nẵng, năm 1983 khi chưa tròn 18 tuổi tình nguyện lên đường nhập ngũ, gia nhập vào Trung đoàn Ba Gia anh hùng. Anh cùng Nguyễn Hải Triều và đồng đội tham gia chiến dịch mùa khô năm 1983 - 1984, 1984 - 1985 khốc liệt tại chiến trường Campuchia.

Tám tháng của chiến dịch mùa khô năm ấy, trung đoàn anh xuyên rừng, dọc theo biên giới nước bạn Lào như Mường Muông, Pắc-xế, Bản Khẻm, Bản Beo… vào giải phóng Ngã Ba Biên - một cứ điểm lớn của tàn quân Khơ-me đỏ.

Trong cuộc đời lính, có những cái tết đáng nhớ, tết giữa mùa chiến dịch. Ngày 20 tháng Chạp, đơn vị của hai anh được lệnh rút đội hình chiến đấu về Bản Beo, cách nơi xảy ra trận đánh 5 cây số để “Đón tết quê nhà”.

Gọi là đón tết nhưng giữa chiến trường, nhưng những người lính tình nguyện chẳng có gì ngoài súng đạn, lương khô, gạo sấy, thịt hộp… và bộ quần áo trận đã rách bươm nhiều tuần chưa được thay. Quà tết mỗi người 2 lạng thịt heo, 4 cây kẹo Nuga, 5 điếu thuốc Apsara để đón giao thừa. Riêng kẹo và thuốc lá là quà quê hương của Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gửi tặng.

Dưới tán cây rừng, trên những tấm tăng dã chiến và những chiếc võng, quây quần bên nhau, râm ran chuyện trời chuyện đất, chuyện đánh nhau, những kỷ niệm quê nhà. Đọc những lá thư của các em học sinh từ Việt Nam gửi qua nhân “Mùa xuân chiến sĩ”, cả những lá thư của gia đình đã cũ rích hằng năm trời, đã nát nhàu chữ, chuyền tay nhau đọc đến thâu đêm suốt sáng.

Tối mùng ba tết, đơn vị được lệnh hành quân đến Cứ điểm 581, nằm sâu trong đất địch hàng mấy chục cây số đường chim bay. Mùng ba, mùng bốn, mùng năm… ban ngày dừng quân trú ẩn dưới những tán lá rừng, ban đêm mài gót, mò mẫm trên những con đường mòn không dấu.

Trời tối như mực, đoàn người phía sau gắn những nắm mùn có lân tinh bắt sáng vào lưng người trước mặt mới thấy dấu mà đi. Vách núi cao vời vợi, lính công binh phải dựng hai chiếc thang bằng cây gác từ đất lên đỉnh những hòn đá lớn để hành quân qua. Bộ đội Việt Nam nhớ quay quắt là hình bóng quê nhà - nhớ cái tết đầm ấm, nhớ mẹ già đợi con…

Ròng rã nhiều ngày chiến đấu, đường tiến quân dài theo các cứ điểm, đồng đội nằm lại rải rác…Cuối cùng, căn cứ của bọn tàn quân cũng bị những đợt tiến công của bộ đội ta tiêu diệt, Ngã Ba Biên được quân tình nguyện Việt Nam làm chủ và giao cho Quân giải phóng Nhân dân Campuchia tiếp quản.

(Còn nữa)

QUẾ HÀ