Vẹn nguyên ký ức

PHAN ĐỊNH 13/12/2022 14:22

(QNO) - Nửa thế kỷ trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn mãi khắc sâu trong tâm thức nhân loại về trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược trên bầu trời Hà Nội. Với những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc năm xưa, chiến thắng đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của họ. Nó đã trở thành bản hùng ca bất diệt cho trí tuệ, bản lĩnh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

CCB Đặng Xây với cán bộ trẻ LLVT Quân khu 5.
Cựu chiến binh Đặng Xây với cán bộ trẻ LLVT Quân khu 5.

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh (CCB) Đặng Xây ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Ông là người trong cuộc của 12 ngày đêm đánh địch trên bầu trời Hà Nội.

Với 78 tuổi đời, 9 năm quân ngũ, những ký ức của tháng ngày tham gia chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn vẹn nguyên, đầy tự hào.

Khi đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông được chọn đi học lái máy bay tại Liên Xô. Trong 3 năm miệt mài tiếp học tập ở nước ngoài, cựu phi công tiêm kích Đặng Xây luôn là học viên xuất sắc, từng thử nghiệm bắn rơi máy bay không người lái ở trường bắn Acstrakhan và tốt nghiệp bằng đỏ.

Trở về nước, ông được biên chế về Đại đội 5 thuộc Trung đoàn 921 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Ông có những chuyến bay xuyên mây tài tình. Nhiều người vẫn còn nhắc đến chiến công của Đặng Xây đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm khi không có đèn chiếu. Chính nhờ thử nghiệm này, đã giúp cho bộ đội không quân tham gia 12 ngày đêm đánh B52 hoàn toàn chủ động.

Theo lời kể của cựu chiến binh Đặng Xây, tháng 10/1972, phía Mỹ nói Phó Tổng thống Spiro Agnew sẽ đến Hà Nội ký tắt hiệp định hòa bình Paris với ta. Để chuẩn bị cho việc này, ta đã cho dọn hết máy bay chiến đấu ra khỏi sân bay Gia Lâm. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông được nghe thông báo Mỹ đã lật lọng. Với nhận định đế quốc Mỹ sẽ đánh Hà Nội, nhưng lúc này 2 trung đoàn pháo cao xạ đã vào Nam chiến đấu nên ta bố trí hết tên lửa án ngữ, bảo vệ quanh Hà Nội.

Lúc bấy giờ, cựu chiến binh Đặng Xây được đơn vị giao nhiệm vụ vào sân bay Khe Gát (Quảng Bình) chuẩn bị cho Mig 21 hạ cánh khi ta đánh vào phía trong. Bởi vậy, khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội, ngày 25/12, ông được điều quay trở ra Hà Nội làm nhiệm vụ trực chiến bổ trợ tại hầm Núi Trầm ở sân bay Hòa Lạc.

Nhớ về những tháng ngày lịch sử, ông bồi hồi xúc động kể: Khoảng 9 giờ tối ngày 26/12, kẻng báo động vang lên dồn dập thông báo sắp có F111. Khoảng 1 tiếng sau, tiếng kẻng tiếp tục vang lên, báo động sắp có B52, rồi cả bầu trời Hà Nội rực sáng. Tất các loại súng đều đồng loạt khai hỏa, từ tầng cao, tầng trung, tầng thấp, từ tên lửa, pháo cao xạ, súng máy, súng trường đều chỉ hướng bắn hết lên bầu trời Hà Nội, tạo thành thiên la địa võng tiêu diệt máy bay Mỹ.

Trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích đường không Lai-nơ-bếch-cơ II của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã tập trung phần lớn lực lượng phòng không chủ lực cho chiến dịch. Gồm 14 tiểu đoàn tên lửa tầm cao S-75 Đờvina, 50 máy bay tiêm kích MiG và hệ thống pháo phòng không các loại; cùng hàng nghìn khẩu pháo, súng máy phòng không của dân quân, tự vệ phối hợp; huy động hơn 50.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đối chọi với lực lượng không quân, hải quân khổng lồ của Mỹ.

Dẫu phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nhất là bản lĩnh dám đánh, quyết đánh và trí thông minh, sáng tạo, cách đánh độc đáo, hiệp đồng chặt chẽ, sử dụng lực lượng hợp lý, nên quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã làm nên chiến thắng lịch sử, đập tan sức mạnh không lực Mỹ, đánh bại cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có chủ yếu bằng B-52, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (27/1/1973), tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn tư tưởng Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phòng miền Nam, thống nhất nước nhà.

PHAN ĐỊNH