Chiến thắng Cấm Dơi: Đôi điều ít người nhắc đến

PHAN KHÁNH BÌNH 18/08/2022 07:02

Chiến dịch Cấm Dơi (Quế Sơn) diễn ra từ ngày 23.7 và kết thúc vào 19.8.1972 thì chúng tôi được phân công cùng với Đội công tác khu Tây Quế Sơn tấn công vào khu dồn Trung Phước - Nông Sơn của địch để hỗ trợ chiến trường chính. Khi chiến dịch kết thúc, trở về cơ quan và biết được một số mẫu chuyện “vòng ngoài” của chiến thắng Cấm Dơi mà hình như đến bây giờ ít người nhắc đến.

Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi. Ảnh: H.D
Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi. Ảnh: H.D

Không no làm sao đánh được giặc!

Bộ đội chủ lực đã được giao mục tiêu, nhiệm vụ tác chiến nhưng lương thực thì địa phương phải có phần gánh vác đáng kể. Để có được cả trăm tấn lương thực, huyện đã huy động đủ các nguồn: từ mua bán hợp pháp ở vùng tạm chiếm đưa vào các xã giáp ranh như Phú Diên, Phú Hương, Phú Phong ở khu Đông; Phú Thọ, Sơn Thượng, Sơn Xuân ở khu Trung; Sơn Khương, Sơn Ninh ở khu Tây…; động viên phần lương thực ít ỏi ở người dân trụ bám trong vùng giải phóng, mà lúc ấy số dân trụ bám toàn huyện chỉ khoảng mấy ngàn nhân khẩu.

Khi phát động nhân dân xã Sơn Thạch, một trong những xã có số dân trụ bám cao nhất huyện, nhiều người dân đã phát biểu: “chúng tôi không ủng hộ bộ đội giải phóng thì ủng hộ ai, ngặt nỗi gia đình đã không đủ cái ăn lấy gì nuôi bộ đội”!

Cán bộ dân vận thuyết phục: “Thì bà con còn cây sắn, cây chóc, dây rau lang, rau má… ngoài vườn”, chứ bộ đội thì chỉ có thể mang theo cơm nắm vào chiến trận, bà con đã hy sinh vì cách mạng nhiều rồi, nay hãy dành thêm một ít nữa cho chiến thắng”. Rồi người dân bám trụ cũng xiêu lòng, họ đã đem từng lon gạo dành dụm được nộp cho cán bộ lương thực, còn mình thì ăn sắn chấm với muối rang.

Bác Giang Tạo, người ở thôn Gia Cát (xã Sơn Thạch) tuổi đã gần sáu mươi nói với cán bộ đi vận động: “Thôi tui cũng cố gắng hy sinh lần nữa cho ngày toàn thắng đây, còn hai thùng thiếc lúa giống để làm vụ sau, nay tôi đóng góp cho cách mạng một thùng để các anh bộ đội có gạo ăn đánh giặc...”.

Nhờ thế mà chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, huyện đã lo đủ cơ số lương thực do Bí thư Tỉnh ủy giao để bộ đội “ăn no đánh thắng” căn cứ Cấm Dơi.

Bất ngờ trong trận chiến

Lần đầu tiên trên chiến trường Quế Sơn ta dùng tên lửa có điều khiển B72 để tấn công từ xa các lô cốt, hầm ngầm, xe tăng, hỏa điểm của giặc. Những người trực tiếp tác chiến hoặc phục vụ tác chiến tại chiến trường Cấm Dơi đều quả quyết rằng quả tên lửa được phóng ra bay là là trên ngọn cây, đỏ lừ, lì lợm và đánh thẳng vào các mục tiêu cốt tử của giặc, đặc biệt là xe tăng.

Theo thống kê chính thức, trong trận chiến Cấm Dơi ta đã phá hủy hàng chục xe tăng và thu giữ 12 xe tăng. Và theo cứ liệu từ các chỉ huy trực tiếp tác chiến thì bằng B40, B41, thủ pháo…, các chiến sĩ bộ binh đã tiêu diệt hàng chục xe tăng.

Số xe tăng bị tên lửa B72 tiêu diệt không thấy tài liệu nào nói một cách chính xác là bao nhiêu chiếc. Hóa ra, tại chiến trận, một tay lái xe tăng của địch (*) đã trực tiếp chứng kiến quả tên lửa B72 lừ lừ bò tới và đốt cháy thành than một trong những chiếc xe tăng trong cùng đội hình của mình, nên anh ta quyết định bỏ xe chạy thoát thân.

Vừa bật nắp xe tăng thoát ra thì tay tài xế vướng phải một sợi dây gì mảnh mà chắc và cũng đồng thời quả tên lửa đang trên hành trình bỗng vống ngược lên, trượt khỏi mục tiêu.

Lấy lại bình tĩnh, tên này phát hiện ra rằng nếu va chạm vào sợi dây thì tên lửa B72 không thể đánh trúng mục tiêu, anh ta hô hoán lên cho cả bọn dùng súng cá nhân, các cây gỗ, sắt… nhặt được bất kỳ, vừa chạy vừa huơ đại trên không nên những quả B72 bắn sau đều không đánh trúng được xe tăng, nhưng cũng chẳng thể thu hồi lại được.

Mà cũng nhờ vậy ta mới có cơ hội sở hữu đến cả chục xe tăng còn nguyên vẹn của giặc. Tiếc là hậu phương miền Bắc lúc này chưa kịp chi viện xăng dầu vào chiến trường Quảng Nam nên số xe tăng ấy cũng đành bỏ phí.

 Kỷ luật “thép” của chiến trường

Từ bộ đội đến du kích, cán bộ dân chính đến dân công đều được quán triệt nguyên tắc “ba không” khi tiếp quản vùng mới được giải phóng: thấy của cải của dân không được lấy, dẫu có thèm muốn cũng không được xin của dân bất cứ thứ gì và không mua bán bất cứ hàng hóa gì, ai vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Bên cán bộ dân chính của huyện Quế Sơn có đồng chí cán bộ tuyên huấn được phân công cùng với các đồng chí dân chính khác vào tiếp quản khu hành chính của quận lỵ Quế Sơn.

Anh thu nhặt loa, đài, pin, micro, sơn…, nói chung là những thứ có thể dùng cho hoạt động tuyên truyền của ta, chất đầy một chiếc xe bò rồi ì ạch kéo ra. Máy bay địch đến thả bom vào khu dồn làm tung tóe nhà cửa, tài sản của dân.

Trên đường ngang qua đấy, thấy một số vải còn mới tinh vung vải ven đường, anh thầm tiếc và dừng lại xé lấy chừng bốn mét bỏ vào xắc-cốt đeo bên hông, vừa đủ để may một bộ bà ba cổ bẻ, trong khi tiêu chuẩn của cán bộ dân chính lúc bấy giờ một năm được cấp một bộ bà ba cổ kiền bằng vải xi-ta Nam Định do miền Bắc chi viện vào.

Vừa ra khỏi khu chiến chừng vài ba trăm mét, đoàn của anh bị địch dội bom B52 và anh đã hy sinh. Khi đưa thi hài anh cùng với chiến lợi phẩm thu được về hậu cứ, người ta phát hiện trong xắc-cốt của anh có những mét vải nói trên. Để giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, tổ chức đã công bố quyết định thi hành kỷ luật anh ở mức cảnh cáo trước khi đọc điếu văn truy điệu.

Anh được khâm liệm và an táng trong chính quân trang anh được cấp - bộ quần áo bà ba cổ kiền kèm theo chéo dù hoa anh xin được của du kích. Tất cả đồng đội có mặt đều rơi nước mắt tiễn đưa anh và trong thâm tâm họ đều đồng tình với cách xử lý của lãnh đạo lúc bấy giờ. Vì đó là kỷ luật “thép” của chiến trường!

Chiến lợi phẩm tập thể!

Ta còn thu được nhiều xe vận tải GMC nguyên vẹn và một trong những chiếc xe ấy được lính ta lái về để ở ngã tư Sơn Khánh. Xe mới toanh nhưng chẳng để làm gì vì không có xăng, không có đường.

Thế là, a-lê-hấp, cán bộ dân chính, bộ đội dùng dao phay, dao cắt thịt, dao găm cùng nhào vô xẻ mỗi người một đôi dép lốp. Do không có dụng cụ chuyên dùng nên dép làm ra thô thiển nhưng được cái chắc, bền vì lốp “rin” lấy từ xe giặc.

Hai ngày sau, mười chiếc lốp xe chỉ còn trơ lại vành sắt, chiếc xe trông càng dị hợm vì phần bên trên còn mới nguyên nhưng hạ bộ thì “tan tành, nham nhở”. Những anh em biết tin nhưng đến muộn hơn chẳng lẽ về tay không nên mở lấy kính chiếu hậu đem về làm gương chải tóc, người thì chặt lấy một khúc ống xả khói về tặng cho dân làm ống thổi lửa để nếu giặc càn qua có đốt nhà thì khả dĩ khi tối đến, quay trở về cũng còn có thể dùng nó thổi cho ngọn lửa bùng lên để nấu nướng…!

 *
*               *

Dù không trực tiếp cùng máu lửa tại chiến trường trọng điểm nhưng những điều mắt thấy, tai nghe sau chiến trận cũng động viên tinh thần chúng tôi rất lớn. Bởi qua những điều nhỏ nhặt ấy, chúng tôi càng nhận ra chân lý “có dân là có tất cả”; phải kịp thời rút kinh nghiệm trận chiến: các trận đánh sau này ở Quảng Nam, Quảng Đà ta ít sử dụng tên lửa B72 hơn, có lẽ do rút kinh nghiệm ở Cấm Dơi; người lính, người cán bộ cách mạng khi tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật chiến trường đã tạo nên sức mạnh của chính nghĩa; và niềm vui nho nhỏ nhưng ấm lòng những con người tham gia kháng chiến là cùng chia nhau chút chiến lợi phẩm để phục vụ lại ngay cho hoạt động cách mạng của chính mình.

---------------------

(*) Tay tài xế xe tăng bị ta bắt sống và khai báo sự tình cờ phát hiện dây dẫn của tên lửa B72.

PHAN KHÁNH BÌNH