Về Tam Kỳ, nhớ ông Hòe

HỒ DUY LỆ 31/12/2020 06:15

Thời kháng chiến, khi làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, ngoài những anh em, bà con thì Đỗ Thế Chấp (tức Mười Chấp) xây dựng được nhiều gia đình cơ sở cách mạng, ngay trong thị xã Tam Kỳ. Đó là gia đình vợ chồng ông bà Bảy Mọi ở đầu cầu Tam Kỳ, ông Nguyễn Hồng Châu ở ngay trên đường Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Đình Hòe ở trong khu vực chợ Tam Kỳ…

Chợ Tam Kỳ xưa. (Ảnh tư liệu)
Chợ Tam Kỳ xưa. (Ảnh tư liệu)

1. Năm 1957, sau cuộc đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, ông Hòe bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Một hôm, bất ngờ gặp Vũ Văn Sỹ, dân xã Tam Dân, quen từ hồi đi học, do hoạt động trong tổ chức Binh vận, bị bắt. Vũ Văn Sỹ hỏi, chọc tức Nguyễn Đình Hòe: Mi làm đách chi mà ở tù? Nguyễn Đình Hòe tưng tửng: Tau treo ảnh Ngô Đình Diệm trên tường mà không đóng cây đinh trúng chính giữa, nên ảnh bị nghiêng, không thèm sửa để rứa. Một hôm có tay ở Hội đồng Châu Thành ghé chơi, nhìn thấy ảnh Ngô Đình Diệm nghiêng. Hắn hỏi tại răng, tau nói: Ngô Tổng thống mười năm! Thế là, hắn về tâu sao đó mà công an quận Tam Kỳ bắt lên, hỏi, dọa, nói anh mà đụng đến lãnh tụ tôi thì tôi giết không có đất mà chôn, rồi tống vào nhà giam.

Vào tù, ai hỏi, tại răng bị bắt ở tù? Nguyễn Đình Hòe đưa tay chỉ cái miệng. Hai lần bị bắt cũng từ cái miệng!

Bà Lựu vợ của Nguyễn Đình Hòe nghe tin chồng tự nhiên bị bắt. Bà biết ngay, tại cái miệng! Nói không chịu “uốn lưỡi bảy lần”. Đêm nằm thao thức, bà Lựu nghĩ trong bụng, chết cũng từ cái miệng mà sống cũng từ cái miệng! Mờ sáng ngồi dậy, bà lặng lẽ xách gói tiền đi. Chỉ mất hai ngày, bà đã ‘‘nhét’’ được gói tiền vào miệng của mấy vị tai to, quyền lớn, thì chồng bà được về…

- Còn lần sau?

- Chuyện dài, nhiều tập. Nguyễn Đình Hòe kể: Một lần, mấy ổng kêu lên gặp, học tập ‘‘tình hình nhiệm vụ’’. Hôm ấy, có mặt cả mấy ông bự. Ông Sáu Bạc (Đào Đắc Trinh, còn gọi Sáu Trinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy) chỉ tôi, nói với ông Mười Chấp: Đây là nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo nội thị chứ tìm đâu nữa! Thế là từ đó, Mười Chấp chấm tôi. Khi ông Nguyễn Dân tổ chức, kết nạp Đảng cho tôi, tại nhà bà Giáo Hạp ở Trường Xuân, có ông Mười Chấp và ông Võ Để dự. Khi chuyển chính thức cho tôi thì ông Mười Chấp giao tôi làm Bí thư chi bộ và Bảy Mọi làm Phó Bí thư.

Chi bộ nội ô có hai đảng viên trung kiên là Nguyễn Hồng Châu và Nguyễn Đình Lại (Bếp Lại). Bếp Lại là người rất xông xáo, chơi thân cả tá, úy của chính quyền Sài Gòn. Vì vậy, chi bộ giao cho Bếp Lại cung cấp tình hình mỗi khi trên cần đánh ở đâu trong nội ô. Bếp Lại có nghề thợ hồ, chuyên đúc bi, đúc cống. Bếp Lại nguyên là lính khố xanh, nên dễ làm quen với mấy tay tai to, mặt lớn ở quận, ở tỉnh. Cần đến chỗ mô là ảnh xách bay, thước, đến hỏi thăm, kiếm mối làm ăn, “vẽ bản đồ”, đem về nộp… Ông Hòe cũng là dân thầu, xây dựng nhà cửa, làm cầu đường, “kết” với Bếp Lại. Hai ông chơi thân, ăn uống, nói chuyện công khai giữa ban ngày.

Ông Nguyễn Hồng Châu không vợ, không con, nhà cửa rộng, chi bộ chọn nhà ông làm nơi họp, cũng là nơi đón mấy ổng về. Nhiều vị trong Huyện ủy Tam Kỳ thời ấy, từng về ở lại, ăn cơm trong nhà ông Nguyễn Hồng Châu. Một lần, Mười Chấp đang ở trong nhà ông Nguyễn Hồng Châu, thì nghe xe “tâm lý chiến”, chạy qua, rao loa, ai bắt được Mười Chấp, được thưởng. Lúc bấy giờ, chúng treo nhiều tấm ảnh Mười Chấp, ở những nơi nhiều người qua lại. Chỗ tấm bia gần ngã ba bà Nguyệt, ở Hòa Hương, có treo một tấm ảnh Mười Chấp ốm nhom, trông dữ tướng, bên dưới tấm ảnh treo tấm bảng “cáo thị tầm nã”, ghi giải thưởng rõ ràng: Bắt sống: 800 cây vàng. Bắn chết: 300 cây vàng.

Nguyễn Đình Hòe xách bản cáo thị đưa cho Mười Chấp xem. Mười Chấp cười, nói với ông Nguyễn Hồng Châu: Sao không bắt tôi nộp lấy một đống vàng làm cái nhà mới ở, chớ ở chi cái nhà tôn thế này?

Ông Nguyễn Hồng Châu cười, nói với Mười Chấp: Tiền, vàng… Tất cả sẽ mất hết, trừ danh dự!

2. Vợ Bảy Mọi là bà Nguyễn Thị Kiển, một đảng viên từ năm 1949, sau năm 1954, bà Kiển làm “giao thông liên lạc” cho Huyện ủy Tam Kỳ. Nhà ông bà Kiển là một cái trạm, từ cái trạm - nhà này, có lần bà Kiển mang thư của Huyện ủy vào tới Sài Gòn để nối liên lạc với cán bộ Tam Kỳ bị lộ chạy vào. Bảy Mọi rất mê đá gà, vì vậy, khi nhận nhiệm vụ của chi bộ, Bảy Mọi ngày ngày cứ ôm con gà nòi đi đá, từ xóm mày qua xóm khác. Bảy Mọi làm quen và hay chơi với một số nhân vật có máu mặt ở xã Châu Thành, nghe ngóng được nhiều tin tức có thể cung cấp cho vợ mang lên cho Mười Chấp. Một lần, Mười Chấp bí mật vào ăn tết với chi bộ nội ô Tam Kỳ, bố trí ông ở trong nhà ông Bảy Mọi. Lâu ngày, được ăn thịt, cá, bánh, lại ăn nhiều, Mười Chấp bị đau nặng, báo hại, hai vợ chồng ông Bảy Mọi phải nấu cháo, sắc thuốc... cực đáo để.

Một lần gặp thăm, tôi hỏi “sơ yếu lý lịch”. Ông Hòe khai:

Kháng chiến một, tôi đi chiến dịch theo Đốc Dõng (phụ trách Bệnh viện Cây Sanh, Tam Kỳ, thời kháng chiến 9 năm). Từ Tây Nguyên về thì lấy vợ. Được cô vợ đẹp, nên không muốn đi đâu nữa! Có Hiệp định Genève, tập kết. Anh em rùng rùng đi. Bất ngờ tôi gặp ông Huỳnh Hòa (bấy giờ là Bí thư Tam Kỳ) ức, xin đi, ông Huỳnh Hòa biểu ở lại.

Hỏi ở lại làm chi? Ổng nói, sẽ có nhu cầu. Thế rồi, mấy ổng lần lượt đi hết! Sau đó, tìm thì gặp Sáu Trinh, Huỳnh Sự, ở chỗ xóm Mít (gần Trà Cai). Từ đó, gặp Mười Chấp, Tư Để, Ba Mậu (Nguyễn Mậu Đông), và gặp… tù tội, khổ!

Nhớ việc đầu tiên Mười Chấp giao cho làm chi không? Tôi hỏi.

Nhiều việc tôi cũng không nhớ. Có một nhiệm vụ đầu tiên tôi không quên là, Mười Chấp giao cho tôi mang bức thư xuống Hội An, đưa cho thầy Phạm Phú Hưu. Tôi nhận, vì bà Trợ Lâm, tức là bà Nguyễn Thị Phương Hạnh, vợ của thầy Hưu, tôi gọi bằng dì và cũng xem như mẹ, vì dì nuôi tôi khi tôi mới ba tuổi.

Ra Hội An, xuống trường Diên Hồng, gần chợ Hội An, trèo lên gác hai, lên cái cầu thang bằng gỗ, thì đến ‘‘nhà’’ của thầy – một cái phòng nhỏ, ở một góc của tầng hai. Thầy đang giảng bài. Tôi đưa thư cho bà Trợ Lâm. Bả đọc rồi ngồi viết một lúc, đưa cho tôi bức thư bỏ trong bì không dán, bảo về đưa cho ông Nghinh (Hồ Nghinh, bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng). Về nhà, mở thư ra xem thử dì nói gì với ông Hồ Nghinh. Thư viết: “Tam Kỳ vốn xứ thơm cam/ Để tươi không đặng nên làm mức rim/Cuối mùa gọi chút tỏ niềm/Xin dâng lấy vị đừng tìm căn nguyên”.

Đọc thư ngẫm nghĩ, biết bả không muốn thầy Hưu tham gia gì nữa!

3. Từ những năm 1960, Nguyễn Đình Hòe đã sắm được chiếc xe Jeep, đi làm ăn, là nhân vật có máu mặt ở xã Châu Thành. Vì vậy, không mấy ai tin “cha thầu khoán”, còn gọi là “Hòe Cộng hòa”. Mỗi lần ông lái chiếc Jeep chạy lên vùng trên (vùng Trường Xuân, Tam Ngọc) để coi làm cầu, làm đường, trên xe, ông chở theo cả gạo tiếp tế cho mấy ổng.

Những năm 1960, 1965, Châu Thành là nội ô thị xã Tam Kỳ, còn Trường Xuân, xã Tam Ngọc, là ngoại ô, là vùng, cả ban ngày cũng có du kích về vì có nhiều gia đình là cơ sở của cách mạng, như gia đình bà Giáo Mai, ông Giáo Hạp, ông xã Nhã và con cháu họ... Khi cách mạng có chủ trương đổi đô la lấy tiền Sài Gòn, nhiều lần, ông Hòe bỏ cả bao tiền trong xe Jeep, chở lên đổ trong nhà bà Giáo Hạp. Từ khi làm Bí thư chi bộ, Nguyễn Đình Hòe được Mười Chấp giao cho huy động “công phiếu kháng chiến”. Từ cái vụ lo hoàn thành chỉ tiêu này mà “bể”, bị bắt bớ tùm lum, bắt cả Đinh Thế Hiển bán thuốc Tây, Nguyễn Ngọc Thúy (Thanh Châu), Hồ Gián, Bùi Văn Trắc, sau đó bắt bà Nhược Thanh, em ruột bà Nhược Kim, rồi bắt cả mẹ con bà Nhược Kim…

Nguyên do dẫn đến vụ lộ bị bắt ấy thật bất ngờ, không lường được. Lúc đó, Đội công tác thị xã Tam Kỳ về, đánh bọn ác ôn chỗ nhà ông Hai Dép (mụ vợ lão Hai bán một nhà dép). Địch bắt Hai Dép, Hai Chả (làm nghề bán chả giò), Huỳnh Tấn (làm cơ giới) lên núi. Sau đó, ông Trường Sơn (Trưởng ban An ninh Tam Kỳ) hỏi, thì biết mấy người này không có tội gì, liền thả về.

Công an ngụy quận Tam Kỳ nghi thế nào lại bắt Đinh Thế Hiển, thế là, Đinh Thế Hiển khai Nguyễn Đình Hòe, bảo đóng góp cho cách mạng...

Bị tra hỏi, đánh đau, Nguyễn Đình Hòe không chối mà phân bua: Thì tôi đi làm cầu, làm đường lên ngã trên gặp “mấy ông kẹ”. Mấy ổng bảo đóng góp, tôi nói không có tiền, tiền vợ giữ hết. Thế là, mấy ổng đưa tôi một xấp giấy, bảo về huy động. Tôi đem xấp giấy về nhà, tối mở ra, thấy giấy “công phiếu kháng chiến”!

Không chấp hành ‘‘mấy ông kẹ’’, làm răng lên ngõ trên làm ăn! Tôi đi một vòng quanh thị xã, tìm mấy nhà giàu, mấy vị có máu mặt, đưa cái ‘‘công phiếu’’. Tôi đưa anh Đinh Thế Hiển một tờ, ảnh đọc rồi trả lại. Vậy tại sao ảnh khai cho tôi?

Tay công an quận Tam Kỳ đưa ra một cái “công phiếu kháng chiến”, có tên Đinh Thế Hiển, ủng hộ 5 triệu, hỏi, cái này là cái gì? -

Cái đó, hỏi ông Hiển.

Thì ra, ông Hiển không nhận “công phiếu kháng chiến”, từ tay ông Hòe, mà từ tay em của mình, là ông Đinh Quang Trinh…

Chúng lại đánh, hỏi ông Hòe:

- Là nhà tư sản, làm thầu khoán, thuộc loại giàu có, tại sao theo Cộng sản?

- Tôi đâu có theo Cộng sản. Tôi toàn chơi với Quốc gia, chơi với cả Tỉnh trưởng, không tin thì các ông đi hỏi.

- Không theo Cộng sản, sao đem tiền cho Cộng sản? Hắn ta hỏi rồi đưa ra một danh sách ủng hộ và đóng “công phiếu kháng chiến”, có tên Nguyễn Đình Hòe.

Biết không thể chối, ông Hòe than. Cái ni chắc là vợ tôi đưa, bả phải đưa cho họ để mua cái đường vắng… Chứ theo Cộng sản làm chi loại người như tôi…

Một lần bị bắt, chúng đưa Nguyễn Đình Hòe ra nhốt ở lao Con Gà - Đà Nẵng. Ra tòa kết cái tội “không tố cáo hành vi phản nghịch”. Mà người phản nghịch ở đây là Việt cộng nằm vùng, nặng lắm. Vợ bỏ tiền chạy luật sư, luật sư giỏi là nhờ tiền nhiều. Tòa đổi lại tội danh “phá rối trị an”, kêu 3 năm tù treo… Tù treo thì coi như không tù, sau này còn được gọi là tù chính trị.

Về nhà, lo làm ăn mà đâu có yên, trong khi bọn công an, mật vụ chìm ở địa phương luôn rình rập, nghi ngờ, không ngừng theo dõi. Vậy mà, lại có người của trên xuống trao đổi, giao nhiệm vụ, lại đóng góp cho cách mạng…

Vào Tam Kỳ, nay thay đổi nhiều, nhà lầu, ô tô, phố xá khang trang, lạ lẫm. Tuy nhiên, mỗi khi đi qua khu vực quanh chợ Tam Kỳ, tôi bỗng nhớ ông Hòe thầu khoán!

HỒ DUY LỆ