Tem, thư và ký ức!
Những ngày tháng Tư, sắp xếp lại tư liệu cũ, những lá thư, những bì thư dán tem cách đây hơn 50 năm của ba má, người thân của tôi đã úa vàng... Từng câu chuyện từ những chiếc tem, cánh thư như thước phim quay chậm về ký ức.
1. Ông bà nội tôi mất sớm, bác lên bảy, ba lên năm, hai anh em rau cháo, đùm bọc nhau mà sống. Giác ngộ cách mạng, người hoạt động bí mật, người lên chiến khu. Biền biệt!
Ba tôi bị thương, rồi đưa ra miền Bắc điều trị. Đất nước giải phóng. Từ miền Bắc, ông viết lá thư dài gửi về miền Trung, nơi làng Già Ban, xã Bình Huề, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thư đi, ông đợi, một tháng, hai tháng, rồi sáu tháng... nhưng chẳng có hồi âm! Nóng ruột, không biết quê nhà người anh ruột và đứa cháu đi bộ đội ai còn ai mất mà chẳng thấy lấy một dòng báo tin. Để lại người vợ và đứa con mới sinh, ông cùng đứa con gái đầu lòng mới lên ba hành trình về Nam.
Trải qua đoạn đường dài bằng tàu Thống Nhất Bắc - Nam, đến ga Đà Nẵng, cha con hỏi đường về quê. Xa quê hơn 7 năm trời, gặp lại người thân, mừng mừng, tủi tủi. Và một ngày sau, lá thư của ba từ miền Bắc mới được người giao bưu đem đến cùng với giấy báo tử và những lá thư của đứa cháu trai. Theo giấy báo tử, anh họ tôi hy sinh cuối năm 1972 - khi chưa tròn 17 tuổi. Lá thư anh gửi cho người con gái cùng quê chẳng nói gì đến chuyện tình cảm trai gái, mà chỉ nhắc đến những lần cùng nhau đi học, đi làm đồng, chỉ nói xa, nói gần như một lời hẹn ước. Lá thư anh viết cho gia đình gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ, bao hy vọng và không hề bi lụy. Tái bút anh còn ghi “ít hôm nữa, con đi công tác với thủ trưởng đơn vị, con sẽ tranh thủ tạt về thăm nhà”. Nhưng cuộc gặp đó đã không thành.
Ba tôi giữ lại những lá thư, cùng bì thư với chiếc tem in hình bản đồ đất nước kèm theo dòng chữ “Thống nhất”, giá trị con tem 5 xu. Những kỷ vật đó, ông lưu giữ cùng với cả trăm bức thư viết trên giấy pơluya mỏng tang, thư ông viết ngày còn ở chiến khu Nước Là, ngày đi dọc Trường Sơn. Và trong đó, có những lá thư của đồng đội ông nằm lại chiến trường, nhưng khi tìm về bản xứ thì cả dòng tộc chẳng còn ai để trao gửi…
2. Những năm đầu sau giải phóng, sách báo vô cùng hiếm, không có gì để đọc, nên tôi hay lôi thư từ, kỷ vật của ba má ra đọc, ngắm. Mỗi bức thư như là một câu chuyện kể về những tháng năm làm vợ, làm mẹ, những nỗi vất vả của những người vợ lính trong thời kỳ bao cấp. Thời kỳ tem phiếu, nào là tháng này được nhận phần tem những gì, gạo bị ẩm mốc nhưng cũng có cái cho vào bụng, nào là tháng này được 2m vải, dành may áo, tã lót cho con... Nào là chuyện ông A, bà B mua được chiếc xe Phượng Hoàng, cái máy cát sét... Còn thư của ba, bao giờ cũng có dòng chữ “Em và các con thương yêu của anh!”. Ông dặn dò các con ngoan, nghe lời mẹ, động viên vợ là hậu phương vững chắc. Tái bút, bao giờ ông cũng ghi “Thư đi rồi, mong nhận được thư em!”.
Lớn lên, tôi cũng có thói quen như ba, thích viết thư, sưu tầm thư và tem. Tất cả đều bỏ vào thùng đại liên. Cuối năm cấp ba, phong trào viết thư tìm bạn bốn phương, tôi có nhiều bạn mới trên mọi miền đất nước. Thời sinh viên khốn khó, bỏ ra 100 đồng rồi đến 200 đồng mua tem, gửi thư là cực kỳ “sang chảnh”. Nên đám sinh viên bày nhau cách sử dụng lại tem cũ, nào là dùng kem đánh răng, hay chà xát nhẹ lên mặt, dấu nhật ấn trên tem của bưu điện sẽ trôi đi. Nhớ mãi người bạn thân, có thư ở phần tái bút ghi “Tem này Phụng đã tẩy rồi nhé, đừng tẩy nữa thư sẽ bị hủy”. Nhưng rồi thấy tem đẹp mà còn mới quá, tôi vẫn sử dụng lại, rồi lại ghi trong phần tái bút “Tem đã tẩy xóa lần hai bạn nhé!”.
3. Những năm 1980, 1990 và đầu những 2000, quà cho tân binh mùa nhập ngũ là một cuốn vở, một ít phong bì thư và những con tem. Món quà thời nay coi rất bình thường, nhưng lúc đó là món quà quý. Bởi mọi thông tin liên lạc đều qua những cánh thư, nhất là người lính. Đặc biệt hơn là lính đảo, họ hồi hộp, ngóng trông thư từ đất liền, nhiều cánh thư do bão lũ, hàng tháng trời mới nhận được. Đọc ngấu nghiến, rồi chuyền tay nhau cùng đọc, trong mỗi bức thư, đất liền thường gửi kèm cánh hoa phượng, con bướm được ép khô, còn lính đảo thì bỏ vào một cọng san hô, hay con ốc biển tí hon. Và chính những cánh thư đó đã tiếp thêm sức mạnh, là điểm tựa tinh thần để những người lính vững tay súng, bảo vệ đất trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Rồi tôi cũng trở thành vợ lính, qua những bức thư tình, bởi chỉ có bức thư tay mới nói hết những gì cần tâm sự. Anh biết tôi có sở thích sưu tầm tem, nên những ngày kỷ niệm, món quà anh tặng là những cuốn album với những con tem cũ anh sưu tầm từ thư của vợ con, người thân và đồng đội.
Hơn 50 năm cha con tôi đã có nhiều bộ sưu tập tem mà nhiều người đam mê tem rất thích. Từ những con tem có giá trị vài xu, vài chục xu, rồi đến vài đồng, vài chục đồng, lên hàng trăm đồng, nghìn đồng và nhiều hơn thế nữa. Rất nhiều bộ tem, nhưng cha con tôi đặc biệt thích bộ tem về cờ các nước, về ngày thành lập Đảng ta, về ngày 30.4 lịch sử, chân dung các danh nhân và Việt Nam đất nước anh hùng...
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, lật dở từng bộ sưu tập tem, đọc những bức thư thời chiến cho đến thời bình, dẫu gần 50 năm trôi qua, những câu chuyện, hình ảnh, kỷ vật của cả một thời chiến đấu hy sinh gian khổ, những ngày đất nước còn gian khó, vẫn đầy cảm xúc.