Từ trận đầu đánh Mỹ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Kỳ 7: Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, mở đường về Sài Gòn

PHAN THANH HẬU 28/04/2020 11:23

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra từ ngày 21 - 29.3.1975, trận then chốt thứ hai trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến dịch do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Quân giải phóng tiến vào đại nội Huế 26.3.1975. (Ảnh tư liệu)
Quân giải phóng tiến vào đại nội Huế 26.3.1975. (Ảnh tư liệu)

Ngày 18.3.1975, khi quân ta trên đà đi đến thắng lợi hoàn toàn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị họp và nhận định, thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của quân ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh. Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975. Quyết tâm của Bộ Chính trị được cụ thể trong phương châm chiến lược: Tập trung lực lượng của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước mắt tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng, các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, tiêu diệt Quân đoàn 1 ngụy, không cho chúng rút về Sài Gòn; đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn.

Vào những ngày cuối của Chiến dịch Tây Nguyên, ta phát hiện địch chuẩn bị rút bỏ tuyến phòng thủ Quảng Trị và có khả năng rút bỏ cả Huế, co cụm lực lượng về giữ Đà Nẵng, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 nhanh chóng mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế sớm hơn dự kiến. Đồng thời với việc chuẩn bị khẩn trương, toàn diện cho công cuộc giải phóng Sài Gòn, ngay khi chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, quân và dân ta đã triển khai Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trận quyết chiến chiến lược thứ hai của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Lực lượng của ta tham chiến có Quân đoàn 2, lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 và Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn.

Ngày 21.3.1975, quân ta được lệnh tiến công thọc sâu vào căn cứ, chặn các đường rút chạy của địch, như quốc lộ 1 đi Đà Nẵng, các cửa biển Thuận An, Tư Hiền. Với sự phối hợp hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy của quần chúng khắp nông thôn, thành phố, ta hình thành thế bao vây quân địch trong thành Huế.

Ngày 25.3.1975, quân của ta từ các hướng tiến công tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch rút chạy ở cửa biển Thuận An, Tư Hiền. Cùng ngày, lực lượng vũ trang phối hợp với các lực lượng chính trị của quần chúng chiếm giữ căn cứ quân sự, cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa và truy quét bọn ác ôn.

Ngày 26.3.1975, Sư đoàn 1 ngụy bị tiêu diệt, TP.Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế được giải phóng, tạo thế uy hiếp đối với quân địch ở Đà Nẵng từ hướng bắc.

Cùng thời gian này, các lực lượng vũ trang của Quân khu 5 phối hợp với quần chúng cách mạng tiến công và nổi dậy tiêu diệt Sư đoàn 2, giải phóng Tam Kỳ (24.3.1975), giải phóng Quảng Ngãi (25.3.1975), Khu căn cứ Chu Lai (26.3.1975); giải phóng toàn bộ phía nam Quân khu 5, tạo thêm một hướng uy hiếp đối với quân địch ở Đà Nẵng từ phía nam.

Thắng lợi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Chu Lai và tiêu diệt các Sư đoàn 1, 2 ngụy, ta đã phá vỡ một bộ phận quan trọng trong kế hoạch co cụm để giữ Đà Nẵng của địch, tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân ta tiến công địch ở Đà Nẵng.

Cuộc tiến công Đà Nẵng được Quân ủy Trung ương quyết định ngay sau khi ta giải phóng Huế (26.3.1975), với tinh thần “kịp  thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất và với lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”. Thực hiện quyết tâm đó, sáng 28.3.1975, Quân đoàn 2 cùng với lực lượng của Quân khu 5 chia thành 5 cánh: bắc, tây bắc, nam, tây nam và đông nam đồng loạt tiến vào Đà Nẵng. Các lực lượng vũ trang và chính trị của quần chúng bên trong phối hợp tiến công và nổi dậy, quân ta đánh chiếm các mục tiêu Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, sân bay, quân cảng, tòa thị chính, khu nhà lao; giữ gìn các cơ sở kinh tế, các công trình văn hóa. Đến 13 giờ 30 ngày 29.3.1975, Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hợp lớn thứ hai của Mỹ - ngụy, bị quân ta tiêu diệt, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Phối hợp với mặt trận Huế - Đà Nẵng, từ chiến trường Tây Nguyên vừa được giải phóng, các binh đoàn chủ lực của ta tiếp tục phát triển tiến công xuống các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, cùng với lực lượng tại chỗ tiến công và nổi dậy tiêu diệt Lữ đoàn Dù số 3, Trung đoàn Bộ binh 40, Liên đoàn Biệt động quân 24 của địch; giải phóng tỉnh Bình Định với TP.Quy Nhơn (1.4.1975), tỉnh Phú Yên với thị xã Tuy Hòa, tỉnh Khánh Hòa với TP.Nha Trang (2.4.1975) và Quân cảng Cam Ranh (3.4.1975).

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trận then chốt thứ hai đại thắng, như một cơn vũ bão tiến về Sài Gòn, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của địch ở miền Trung, xóa sổ Quân đoàn 1, phá tan âm mưu co cụm chiến lược của chúng, không để cho lực lượng đối phương rút về tăng cường phòng thủ Sài Gòn. Qua chiến dịch này, quân đội ta tiến bộ vượt bậc về trình độ tổ chức chỉ huy chiến dịch tiến công gấp rút khi có thời cơ thuận lợi; tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức, chỉ huy, tác chiến và phát triển tiến công trong chiến dịch hợp đồng binh chủng quy mô lớn, đủ điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

__________

Kỳ cuối: Ca khúc khải hoàn

PHAN THANH HẬU