Từ trận đầu đánh Mỹ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Kỳ 3: Chiến dịch Tây Nguyên 1972, đặc sắc mưu kế nghi binh
Chiến dịch Tây Nguyên năm 1972, còn gọi là Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, diễn ra từ 24.4 đến 6.6.1972, tại địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, giải phóng cụm cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh. Bộ Tư lệnh tiền phương chiến dịch có Tư lệnh Nguyễn Mạnh Quân, Chính ủy Đặng Vũ Hiệp, Phó Tư lệnh Hồ Đệ, Phó Chính ủy Lã Ngọc Châu, Tham mưu trưởng Trần Quốc Biên, Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Hữu Hưu, Chủ nhiệm Hậu cần Đặng Văn Khoát.
Về phía ta, có Sư đoàn 2, Sư đoàn 320, các Trung đoàn 66, 28, 24, 95; cùng tiểu đoàn xe tăng và lực lượng địa phương, tổng cộng khoảng 45.000 người. Về phía địch, có các Sư đoàn 22, 23, sư đoàn dù thiếu; 2 liên đoàn biệt động quân; 14 tiểu đoàn bảo an và các đơn vị khác; tổng cộng khoảng 54.000 người; được chi viên tối đa của không quân bao gồm cả không quân chiến lược Mỹ.
Từ 26.3.1972, ta thực hiện chia cắt chiến dịch đối với địch, cắt đường 14 trên đoạn nối liền 2 thị xã Kon Tum và Pleiku, là căn cứ chủ yếu của Quân đoàn 2 ngụy.
Đúng 6 giờ ngày 30.3.1972, ta nổ súng, thực hiện nghi binh trên dãy cao điểm 1049 phía tây thị xã Kon Tum, vây ép tiểu đoàn dù 2 của địch, mở đầu chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Việc nghi binh này khiến địch hoang mang, tung một phần quan trọng lực lượng tổng dự bị (2 lữ đoàn dù) ra ngăn chặn ta ở đây để phòng ngự thị xã. Sư đoàn 320 liên tục tiến công địch, diệt và đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn, khiến Lữ đoàn dù số 2 mất sức chiến đấu. Ta cũng đánh thiệt hại một phần Sư đoàn 22 ra ngăn chặn ở phía đông Tân Cảnh, khiến lực lượng phòng ngự của địch ở đây bị tiêu hao. Đòn nghi binh của ta có hiệu quả rất tốt, nhưng trận đánh then chốt mở màn chiến dịch ở khu vực Tân Cảnh tiến hành chậm do ta gặp rất nhiều khó khăn về mặt đảm bảo hậu cần. Tuy nhiên, tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở bờ tây sông Pô Kô bị đập vỡ, đường 14 bị cắt đứt, địch ở thung lũng Đắc Tô - Tân Cảnh bị cô lập.
Căn cứ 42 - trung tâm chỉ huy của tập đoàn phòng ngự phía bắc tỉnh Kon Tum - nằm trên dải đồi trọc, cách thị trấn Tân Cảnh và đường 18 khoảng cây số về phía tây nam, rộng chừng 24ha, có cấu trúc hình lục giác. Bên trong căn cứ 42 có nhiều loại công sự được cấu trúc vững chắc, xung quanh có từ 8 đến 14 hàng rào kẽm gai, xen kẽ có nhiều mìn chống tăng và chống bộ binh... Đây là một cứ điểm phòng thủ mạnh, có nhiều cứ điểm và lực lượng xung quanh bảo vệ sẵn sàng ứng cứu, được máy bay, pháo binh chi viện tối đa. Khi ta tiến công, lực lượng địch ở đây có nhiều loại quân binh chủng, với khoảng 1.500 tên, bố trí thành 13 khu.
Thực hiện kế hoạch chiến đấu, trong 3 ngày 21, 22 & 23.4, các cụm pháo chiến dịch của ta bắn phá mạnh vào căn cứ 42. Đúng 4 giờ 30 phút 24.4, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 ra lệnh tiến công căn cứ 42; cùng lúc quân ta tiến công giải phóng thị trấn Tân Cảnh (4 giờ 55 phút 24.4). Khi ta đang đánh căn cứ 42 tương đối thuận lợi, khả năng làm chủ đã rõ rệt, Bộ Tư lệnh tiền phương kịp thời lệnh cho pháo binh chuyển hướng, bắn vào Đắc Tô 2, đồng thời điều động một số đơn vị thuộc Sư đoàn 2 tiến công, đánh chiếm căn cứ Đắc Tô 2. Ta chiếm căn cứ 42 lúc 11 giờ và chỉ 30 phút sau đã làm chủ căn cứ Đắc Tô 2. Kết quả, ta đã giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum (trừ thị xã Kon Tum).
Do không huy động kịp thời lực lượng vì những khó khăn khách quan và chủ quan, ta không tận dụng được thời cơ địch hoang mang, rối loạn sau thất thủ Tân Cảnh để tiến công ngay thị xã Kon Tum; hơn nữa, trận đánh vào đây phải hoãn lại nhiều lần. Bởi vậy, địch kịp thời tăng cường lực lượng tổ chức phòng ngự vững chắc khu vực thị xã. Những trận đánh ở ngoại vi từ ngày 14.5 và trận tiến công thị xã từ 24.5 đã diễn ra quyết liệt ngay từ phút đầu và trong suốt quá trình chiến đấu. Ta chiếm được phần lớn thị xã, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, nhưng sau đó không phát triển được. Địch phản kích liên tục dưới sự chi viện tối đa của hỏa lực phi, pháo. Đến ngày 6.6.1972, do lực lượng hạn chế, khả năng giành thắng lợi không còn, ta rút bộ đội khỏi thị xã, kết thúc chiến dịch.
Bắc Tây Nguyên là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng trên quy mô tương đối lớn, là bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự trên chiến trường rừng núi Tây Nguyên, trong đó bộ đội xe tăng lần đầu tiên xuất hiện ở đây đã phát huy sức mạnh đột kích trong những trận đánh công sự vững chắc. Nghệ thuật lập thế trận vây hãm, chia cắt và đột phá chiến dịch đem đến những thành công mới. Cách cắt đường dài ngày là hình thức chiến thuật vây hãm, cô lập địch có hiệu quả. Đột phá vào cụm phòng ngự Tân Cảnh, ta đánh gục về cơ bản lực lượng địch ở Kon Tum. Một điểm đặc sắc khác là trong trận đánh này mưu kế nghi binh lừa địch và điều địch hết sức thành công. Song, do nhiều yếu tố, đã không tận dụng được thời cơ thuận lợi nhất; cùng với việc thiếu kinh nghiệm trong tổ chức lực lượng, tổ chức hiệp đồng chỉ đạo tình huống và trong tác chiến thành phố đã dẫn đến không thành công trong trận tiến công thị xã Kon Tum.
---------------
Kỳ 4: Chiến dịch Trị - Thiên, đường đến Hiệp địNh Paris