Lên đường từ tuổi trẻ thơ
Tối hôm đó Tư Đặng mời cơ sở họp tại một địa điểm bí mật, có cả người yêu kẻ chiêu hồi dự. Anh công khai: “Tôi rất mừng là Kỳ Xuân vẫn còn yên, các cơ sở vẫn móc nối lại được qua chuyến đi công tác này”. Anh còn cố ý hé lộ đường đi đồng thời mật chỉ cơ sở trung kiên theo dõi hành tung của cặp tình nhân này. Xong cuộc hội ý chớp nhoáng, hai anh từ biệt bà con lên đường. Ngay trong đêm đó, bọn địch bố trí phục kích các nẻo đường nhằm tiêu diệt các anh ở xa địa bàn Kỳ Xuân. Chúng phục kích ta như thế là cặp tình nhân kia vô can, ngoại phạm để có thể phá ta lâu dài.
Qua biểu hiện rõ ràng, Tư Đặng xác định đúng đối tượng gián điệp. Nhưng để chắc chắn, các anh chịu nắng mấy ngày nữa, tối lại lần vào nhà cơ sở điều tra. Khi đã đủ chứng cứ, hai anh tự xoi đường mới về chiến khu lập phương án, đưa tổ an ninh xâm nhập trở lại Kỳ Xuân bắt tên phản bội giải về căn cứ xử lý...
Sau Hiệp định Paris, Mỹ rút khỏi Chu Lai, chiến trường Nam Tam Kỳ bớt ác liệt, nhưng địch lại đẩy mạnh âm mưu ly gián nội bộ ta, sắp đặt kế hoạch hậu chiến. Trong nhiều trường hợp ta đã mắc mưu địch bắt nhầm cơ sở cách mạng. Đồng chí Lê Tư Đặng đã trực tiếp chỉ đạo điều nghiên để giải oan cho một số cơ sở cách mạng. Tại thôn Tám Kỳ Sanh, an ninh vũ trang huyện bắt chị Út Phận - một cán bộ binh vận hợp pháp. Lê Tư Đặng biết rõ Út Phận là cơ sở của Đỗ Viết Can - Phó ban Binh vận tỉnh cài cắm hoạt động hợp pháp. Là cán bộ binh vận phải quan hệ, giao dịch với binh lính địch. “Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết”, vì thế nhiều người nghi ngờ chị. Tư Đặng không tin chị Út bắt cá hai tay, liền đề xuất với đồng chí Bí thư Huyện ủy cho ông trực tiếp điều nghiên. Tổng hợp tất cả nguồn tin đáng tin cậy, xét thấy chị Út hoàn toàn ngoại phạm trong những sự cố xảy ra trên địa bàn Kỳ Sanh gần đây, Tư Đặng ký ngay lệnh giải oan....
Năm 1974 ta tiến đánh giải phóng thung lũng Đức Phú. Trong chiến dịch này, Lê Tự Đặng với cương bị Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Tam Kỳ chỉ huy giải quyết các vấn đề hậu chiến dịch. Trong khi Tư Đặng đang tổ chức đưa dân Đức Phú về vùng giải phóng Xuân Bình, Phú Thọ sinh sống thì nhận được lệnh quay lại Đức Phú đốt nhà dân để họ không thể bỏ về lại làng cũ. Tư Đặng không chấp hành lệnh. Sau chiến dịch, ông mất chức Phó Bí thư Huyện ủy, vì dám cãi lệnh trên. Nhưng không sao! Tư Đặng là một cán bộ dày dạn, 30 năm tham gia cách mạng đã hun đúc nên bản lĩnh của một Tư Đặng vững vàng.
Trong chiến dịch Xuân 1975, Lê Tư Đặng với cương vị Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện được phân công phụ trách cánh bắc huyện Nam Tam Kỳ gồm các xã: Kỳ Thạnh, Kỳ Yên, Kỳ Trà, Kỳ Chánh Kỳ Hưng, Kỳ Bích, Kỳ Trung. Từ đầu tháng 3.1975 Tư Đặng chân chạy không bén đất, huy động cán bộ, du kích, nhân dân làm đường cho các loại xe quân sự chuyển quân áp sát đồng bằng; phát động nhân dân phá kèm, nổi dậy; quán triệt chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc; bố trí truy tróc, kêu gọi tàn quân ra đầu thú... Một núi công việc bày ra, thử thách tính năng động của một Lê Tư Đặng dày dạn trong cuộc trường chinh kháng chiến...
Đúng 5 giờ 30 phút ngày 24.3.1975, bộ đội chủ lực Quân khu 5 cùng với bộ đội địa phương của tỉnh, huyện có xe tăng yểm trợ, đồng loạt nổ súng tiến công đánh chiếm tỉnh đường Quảng Tín. Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy tại tỉnh lỵ Quảng Tín - Tam Kỳ thất thủ trước sức mạnh tiến công như vũ bảo của quân giải phóng. Bọn tàn quân tháo chạy ra Đà Nẵng, vào Chu Lai tìm đường di tản. Ở địa bàn đồng chí Lê Tư Đặng phụ trách nhân dân nổi dậy, bọn tàn quân, bọn ngụy quân ngụy quyền lần lượt ra hàng, nộp vũ khí cho cách mạng. Căn cứ Chu Lai vỡ trận, địch tháo chạy xuống cảng Kỳ Hà trong rối loạn; huyện Nam Tam Kỳ - Lý Tín được giải phóng hoàn toàn trong nội ngày 24.3.1975.
Trong suốt 30 năm, kể từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công đến thời điểm này, Lê Tư Đặng đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử, nhưng ngày 24.3.1975, Tư Đặng mới thật sự ở đỉnh điểm hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc vô biên của một chiến sĩ đã đi theo Đảng, phục vụ cho Đảng, cho dân trong suốt mấy chục năm trời. Anh đi giữa phố xá Tam Kỳ, Lý Tín mà lòng dạ lâng lâng, người nhẹ bổng như bay lên, bay lên với niềm vinh quang chiến thắng.
Ngày 30.4.1975 đất nước hoàn toàn được giải phóng thì Lê Tư Đặng cũng đã tròn 30 năm dấn thân kháng chiến. Từ một cậu bé 12 tuổi Đặng Đình Ngoạt ở làng Sung Mỹ nhổ chân chạy theo cha chú ra giành chính quyền ở phủ đường Tam Kỳ, bây giờ anh đã trở thành một Lê Tư Đặng, Chủ tịch UBND huyện Nam Tam Kỳ, lãnh đạo một vùng có hẳn đất đai dân chúng, trở thành một cán bộ cách mạng từng trải theo dọc dài con đường giải phóng dân tộc.
Ôi! Bốn Ngoạt vẫn còn sống sau 30 năm vào sinh ra tử. Anh chạy về với mẹ, gặp mẹ, gặp đứa con khi ra đi mới chỉ tròn một tháng, vợ anh thì đã đi bước nữa. Chiến tranh khói lửa bời bời, mù mịt dài lâu chị không chờ anh nổi. Âu cũng tại chiến tranh. Mẹ anh thì đã quá già, già theo tuổi tác và nghèo đói. Bốn Ngoạt nửa đời vì xã hội nhưng chưa có một ngày vì mẹ. Mẹ biết không phải là lỗi của anh: “Chiến tranh mà con ơi! Có biết bao bà mẹ đã hy sinh luôn cả bầy con cho Tổ quốc. Chiến tranh mà con ơi!!!”. Độc lập và tự do đã đổi với cái giá vô cùng to lớn!
Bây giờ Lê Tư Đặng trở thành ông già 87 và đã tròn 70 tuổi Đảng. Nhìn lại đời mình, ông không có những chiến công vang dội như một chiến binh trực tiếp cầm súng xông pha trận mạc. Nhưng, ông lại như một con tàu chở đầy nhiên liệu ý chí, kiên quyết, kiên nhẫn dài lâu vượt qua đại dương bao la trùng trùng bão tố và đã về đích trọn vẹn. Lê Tư Đặng nay rất hạnh phúc bên cháu con và đồng đội. Lê Tư Đặng rất vui khi quê hương Núi Thành mà ông từng làm Chủ tịch UBND huyện trong những năm đầu chia tách gian nan, nay đã trở thành một huyện công nghiệp dẫn đầu trên toàn tỉnh. Ông hạnh phúc vì mình trọn vẹn. Ông hạnh phúc vì mình trong sạch. Một Lê Tư Đặng luôn nói như cười!