Những nẻo đường ra trận

PHẠM THÔNG 18/12/2019 11:12

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1963, Tiểu đoàn 70 được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội chủ lực Khu 5 đứng chân trên địa bàn tỉnh, cùng lực lượng vũ trang của các huyện, du kích các xã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, phân tán khi địch mạnh, tập trung cường kích khi địch co cụm, liên tục tiến công bằng đủ các hình thức như: chông thò, mìn, lựu đạn, bắn bia, bắn tỉa, đánh nhỏ, đánh lớn; từ tiêu hao đến tiêu diệt... không cho kẻ địch có giờ phút bình yên. Sau 3 tháng càn quét hòng bình định lại phần đất mất quyền kiểm soát, cuộc hành quân “Bình Châu - Bạch Phượng” của địch bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn, vùng giải phóng nam Quảng Nam không chỉ giữ vững mà còn được mở rộng, khí thế cách mạng dâng cao.

Và cứ như vậy, Tiểu đoàn 70 - “át chủ bài” của lực lượng vũ trang tỉnh trong suốt năm 1964 và nửa đầu năm 1965 liên tục chuyển quân, liên tục vận động, chiến đấu trên khắp các chiến trường đồng bằng và trung du Quảng Nam. Trong những tháng cuối năm 1964, theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Nam lệnh cho Tiểu đoàn 70 vượt quốc lộ 1, cùng với bộ đội các huyện, đội công tác các xã tiến về giải phóng toàn bộ vùng đông Thăng Bình. Nối vùng giải phóng miền duyên hải Quảng Nam liên hoàn từ Kỳ Phú, Kỳ Anh - Tam Kỳ ra đến Xuyên Nghĩa, Xuyên Thọ - Duy Xuyên thuộc Quảng Đà. Vừa ổn định tình hình vùng đông, Tiểu đoàn 70 quay ngược lên trung du hỗ trợ lực lượng cách mạng tại chỗ giải phóng các xã thuộc vùng trung, vùng tây, siết chặt vòng vây quận lỵ Quế Sơn....

Từ lúc khởi sự tại thung lũng A Xanh, huyện Hiên, lực lượng vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ có 3 đại đội: H30, H21, H36. Đội quân ấy gồm những chiến sĩ cộng sản dạn dày trường chinh kháng Pháp, sau 1954 đi tập kết ra miền Bắc, tự nguyện trở lại miền Nam cùng với những thanh niên có gốc gác Việt Minh, từ đồng bằng nhảy núi tìm tổ chức cách mạng.

Cuối năm 1954 đến giữa năm 1959, tại miền Nam bọn Mỹ Diệm tiến hành đàn áp vô cùng dã man người kháng chiến cũ, đảng viên cộng sản và nhân dân có cảm tình với Việt Minh. Chúng thực hiện chính sách nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, khắp nơi treo khẩu hiệu “Diệt cộng là quốc sách”. Trong khi đó người kháng chiến cũ không được phép cầm vũ khí, không được nổ súng chống lại lính “Quốc gia”. Nay đã có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, mở ra đường lối cách mạng miền Nam là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Như thế Bác Hồ, Trung ương đã cho nhân dân miền Nam, và những người kháng chiến cũ đứng lên cầm súng tiêu diệt bạo tàn rồi. Ngọn lửa vũ trang của tỉnh Quang Nam - Đà Nẵng đã bùng lên từ rừng núi A Xanh.

Những đơn vị vũ trang cách mạng sơ khai được thành lập giữa núi rừng hoang vu phía đầu nguồn A Vương, người Cơ Tu gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Họ quý bộ đội, thương bộ đội, hết mình cưu mang, che chở bộ đội. Đội quân ấy vừa đánh giặc vừa lớn mạnh trong lòng nhân dân. Và rồi chỉ mấy năm sau, theo dấu chân của các chiến sĩ, vùng giải phóng được mở rộng đến sát biển; các huyện đều thành lập từ một đến ba đại đội; mỗi xã vùng giải phóng có một, hai trung đội du kích, mỗi thôn một tiểu đội; trên địa bàn tỉnh còn có những trung đoàn, sư đoàn quân chủ lực Khu 5 hoạt động. Riêng bộ đội tỉnh có thêm nhiều đơn vị độc lập như pháo binh, công binh, thông tin, hậu cần, đặc biệt là đại đội lính tinh nhuệ đặc công V16... Lực lượng cách mạng Quảng Nam đã trở thành đội quân hùng hậu, vừa giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân, đánh nhỏ đánh lẻ khắp mọi nơi vừa có khả năng phối hợp chiến đấu trên chiến trường rộng lớn với quy mô sư đoàn; có khả năng tiêu diệt trong thời gian ngắn trên cùng một mặt trận hàng nghìn tên địch; đánh sâu, đánh bất ngờ, trút bão lửa xuống tận sào huyệt của quân thù ở giữa lòng nội ô thị trấn, thị xã, thành phố..., khiến cho chính quyền ngụy tan rã từng mảng lớn ở nông thôn, đẩy chúng co cụm ở thị trấn, thị xã, thành phố. Các đô thị - nơi hang ổ cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đều đã nằm trong thế bao vây, bị lực lượng cách mạng tấn công bất cứ lúc nào...

Không chỉ có sự anh dũng, mưu trí, những chiến công vang dội, mặt trái của những tấm huân chương là sự đánh đổi. Giọng ông Năm như nghẹn trong đêm, thằng Cát phải lắng tai mới nghe rõ: “Trên các nẻo đường ra trận, từ khi mới ra đời đến thời điểm tháng 5 năm 1965 này, đã có lớp lớp chiến sĩ của Tiểu đoàn 70 ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng nhân dân. Có rất nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa biết đến một nụ hôn đầu đời. Đằng sau sự vinh quang chiến thắng là chồng chất đau thương, mất mát...”. Ông Năm vừa nói vừa thò tay qua võng sờ đầu thằng Cát: “Cố lên nghe cháu!”.

Nằm bên, mấy đêm liền Năm Cần nghe thằng Cát ngáy đều. Còn ông cứ mãi trăn trở về số phận của Cát. Cuộc chiến còn vô vàn cam go, quyết liệt ở phía trước. Ôi cái thằng trẻ con này mà phải xung trận như ông hay sao? Ông không nỡ nào để cho Cát gặp rủi ro. Mà Cát hồn nhiên thật, ngủ say trong tiếng pháo cầm canh của giặc, ngủ yên bên sự trăn trở của người lính già. Đêm 17 tháng 5 năm 1965, Năm Cần quyết định gửi Cát lại cho Tổ ấn loát huyện Bắc Tam Kỳ cũng đang đóng quân tại xóm Cây Xoài, Long Sơn, Kỳ Long trước khi đơn vị của ông chuyển quân vào Kỳ Thạnh chuẩn bị cho trận đọ sức đầu tiên của quân giải phóng với một đơn vị thiện chiến viễn chinh Mỹ. Đó là trận đánh Núi Thành của Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70...

Cát chỉ được treo võng nằm bên người lính già Năm Cần 5 đêm, từ đó biền biệt không tin tức về ông. Ngày hòa bình thống nhất, từ Hà Nội, Cát về quê nghe mẹ bảo: “Chú Năm Cần bạn của ba con thời Việt Minh đã hy sinh lâu rồi”. Cát khựng người, lặng thinh nhìn về phía núi xa xăm, nhớ lại lời thiết tha bi tráng của chú Năm bên cánh võng: “Từ khi mới ra đời đến tháng 5 năm 1965 này, đã có lớp lớp chiến sĩ của Tiểu đoàn 70 ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng nhân dân. Có rất nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa biết đến một nụ hôn. Đằng sau sự vinh quang là chồng chất đau thương, mất mát...”. Và, chú Năm cũng đã vĩnh viễn không trở lại được quê hương!

PHẠM THÔNG