Những nẻo đường ra trận
Thằng Cát bám theo hai người đàn ông. Hai người bước vừa phải, nhưng Cát phải lúp xúp chạy mới theo kịp, mệt bở hơi tai. Gần hai tiếng đồng hồ, ba người đến một xóm nhà thưa thớt tựa lưng vào hóc núi. Thằng Cát với anh Lân liên lạc cho Năm Cần vào nhà ông Nghị dưới bìa hố, ông Năm bước lên những bậc đá xếp, vào một nhà khác. Ở đó đã có người của Ban chỉ huy Tiểu đoàn 70 ngồi chờ sẵn. Ông đến, họ vào cuộc họp ngay. Đánh trận Quán Rường sáng nay thắng lớn, diệt gọn trung đội lính bảo an. Các ông bàn rút kinh nghiệm và khuếch trương chiến thắng trong toàn đơn vị vào ngày mai.
Ông Năm bố trí Cát ở với anh Lân, chắc có ý để nó học làm liên lạc. Hằng ngày lẹt đẹt theo sau anh Lân tới các đại đội, trung đội trực thuộc đưa và nhận tin tức cho tiểu đoàn. Hắn phải học việc, phải được thử thách dài dài. Hắn không mang súng, theo sau anh Lân như thằng nhỏ bám chân bộ đội đi chơi đâu đó. Ngó nhỏ xác thế chứ thằng Cát có học chút ít nên sớm ý thức con đường mình đi. Ngầm ý, phải tìm hiểu cho được lai lịch của đơn vị mà hắn bắt đầu dấn thân. Nghĩ vậy, hôm sau Cát xin chú Năm cho ở cùng nhà, treo võng sát ông, đề nghị nghe ông kể chuyện về Tiểu đoàn 70.
Ông Năm trăn trở, giữa chiến trường đạn bom bời bời, thân phận con người rất mỏng manh. Thằng Cát quá nhỏ, rủi có chuyện chi thì thiệt là tội nghiệp. Ông tin nó, biết nó muốn tìm hiểu về những thành tích của tiểu đoàn, về những chặng đường cách mạng mà ông đã qua. Đêm đêm nằm kề, ông bắt đầu rỉ rả những điều nó cần phải biết. Những câu chuyện ông kể, hy vọng sẽ là hành trang ban đầu cho một cậu bé đầu óc non tơ, trinh nguyên, chập chững bước vào con đường đầy gian nguy, thử thách. Ông bắt đầu bằng những ngôn ngữ, tình tiết vừa tầm hiểu, vừa tầm nhớ mà vẫn bảo đảm nguyên tắc bí mật dành cho những người lính trẻ.
Giữa tháng 10 năm 1961, Đại đội H30 và Đại đội H21 được lệnh di chuyển vào cánh Nam của tỉnh. Ngày 27 tháng 10 năm 1961, Đại đội H30 và H21 từ Phước Gia thuộc huyện Phước Sơn vượt sông Tranh tiến đánh giải phóng hai xã Phước Lãnh, Phước Ngọc - huyện Tiên Phước. Chiến dịch thành công, bộ đội đã phá banh các ấp chiến lược giải phóng hai xã Lãnh - Ngọc.
Năm Cần đi bộ đội Vệ quốc từ năm 1946 đến nay đã 19 năm, chiến đấu khắp các chiến trường Khu 5 - Tây Nguyên thời chống Pháp, tập kết ra Bắc rồi vào Nam. Ông là một trong những người lính thuộc lớp đầu tiên từ Bắc vào Nam tăng cường cho bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thời chống Mỹ. Sống đến giờ ông đã qua hàng mấy chục trận chiến, cái chết luôn hiện hữu, thủ trưởng, bạn bè, lính cũ, lính mới đã hy sinh nhiều vô kể, không thể nhớ hết. Cuộc chiến còn dài lâu, Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, chiến trường mịt mù, ác liệt, hy sinh. Năm Cần đã qua 19 năm trường trải hiểm nguy, nhưng chắc chi thấy được ngày hòa bình, thống nhất. Dẫu phải nằm lại đâu đó nơi chiến trường lửa đạn thì ông vẫn luôn sẵn sàng đón nhận hy sinh. Bởi chiến tranh là mất mát, đau thương. Người như ông, một người lính kỳ cựu, một cán bộ cấp tiểu đoàn, thì sự tự giác đã trở thành máu thịt. Ông phải thật sự cứng cỏi trước hàng quân, trên trận tuyến và trong sinh hoạt đời thường. Năm 1946 xa người yêu đi bộ đội, năm 1953 từ Phù Cát - Bình Định về quê xóm Đình, làng biển Tỉnh Thủy cưới vợ, năm 1954 tập kết miền Bắc, năm 1960 trở lại miền Nam, hàng chục năm trời sống với núi non, cây đá, quen nghe tiếng suối reo, chim rừng hót..., chưa có một tuần gần vợ, đời ông thăm thẳm những cuộc hợp tan.
Tiểu đoàn 70, cái tiểu đoàn mà hiện nay Năm Cần đảm trách Chính trị viên phó, lúc khởi sự tại thung lũng A Xanh, dưới chân ngọn A Tuất, nơi đầu nguồn sông A Vương huyện Hiên chỉ là Trung đội H30 với 30 tay súng. Sau 6 tháng tụ nghĩa dưới chân ngọn A Tuất hùng vĩ, cao đến 2.473m, thông điệp lực lượng vũ trang của tỉnh được thành lập, thông điệp Đảng, Bác Hồ kêu gọi nhân dân miền Nam đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn bạo đã xuôi dòng A Vương trong xanh về với từng làng xóm phía đồng bằng. Thanh niên từ các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang, Duy Xuyên rời làng quê, đồng ruộng, lưới chài tìm về A Xanh tụ nghĩa. Trung đội H30 dần tăng quân số trở thành đại đội. Tiếp đó, cũng bên bờ sông A Vương này, Đại đội thứ 2 được thành lập mang biệt danh H21 và Đại đội thứ 3 mang biệt danh H36 tiếp tục ra đời... Mới đầu, bộ đội chỉ luyện tập, tăng gia sản xuất, xuống các bản làng xây dựng căn cứ, nhưng trong lòng mỗi chiến sĩ đều nôn nao giờ phút ra trận.
Cái gì đến cũng phải đến, ngày 8 tháng 9 năm 1960, Đại đội H30 xuất quân đánh đồn Ga Lâu, tiêu diệt một đại đội lính Bảo an, mở toang cửa khẩu hành lang chuyển quân từ miền Bắc vào chiến trường Khu 5. Khuếch trương chiến thắng đầu tiên, Đại đội H30 liên tiếp tập kích san phẳng các đồn Bà Banh, A Tép; phục kích tiêu diệt địch đi càn quét vào làng Trao; bao vây tiêu diệt địch ở làng Nhiều... Tiếng súng tiến công kẻ thù đã nổ vang khắp vùng rừng núi huyện Hiên, đẩy bọn địch chạy về phía đồng bằng, mở rộng an toàn khu, tạo điều kiện thuận lợi đưa đón các đoàn quân dân chính từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên.
Từ phía tây huyện Hiên, Đại đội H30, H21, H36 tiến về đồng bằng Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng, vừa đánh vừa thu nhận thanh niên để tăng quân số, lấy vũ khí địch tự trang bị, phát triển lực lượng thêm hùng mạnh. Từ đó đủ sức hỗ trợ cho các huyện cánh Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng phát động nhân dân đứng lên giải phóng một số làng xã sát núi, gần căn cứ, có địa thế thuận lợi cho chiến tranh du kích, làm bàn đạp để tiến về đồng bằng của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên...
(Còn nữa)