Căn cứ lòng dân
Cuối năm 1973 đầu năm 1974 đường Đông Trường Sơn rẽ nhánh thọc thẳng xuống Sơn Thọ, Quế Tiên (Hiệp Đức). Từ đây, xe zin 3 cầu theo đường mới mở chở vũ khí, lương thực băng đèo Răm đổ xuống Sơn Long, Sơn Thạch, vượt đèo Le ra Sơn Phúc, phục vụ chiến dịch giải phóng Nông Sơn - Trung Phước.
Trận chiến này ta đã tiêu diệt hoàn toàn 2 tiểu đoàn địch, bắt sống cả trăm tên, di lý về trại tù binh dã chiến đóng ở thôn An Long, Sơn Long, tiếp tục đưa lên trại tù binh ở phía núi cao hơn. Đặc biệt trong chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, đường tiến về đồng bằng thênh thang mọi nẻo, phần lớn xe quân sự có cả xe tăng qua Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Khánh ngoặt phải đến quận lỵ Quế Sơn, đâm thẳng xuống Hương An, tiến ra giải phóng Đà Nẵng.Trong những năm 1968 - 1972, Mỹ ngụy xúc tát gần hết dân miền trung du Quảng Nam lùa vào các khu dồn thuộc vùng chúng kiểm soát, biến nơi đây trở thành chỗ tự do bắn phá, máy bay chiến đấu, B57, B52 cất bom rải thảm, pháo mặt đất nã tới bất kể ngày đêm, rải chất độc hóa học phá hủy rừng rú, hoa màu, làng mạc xác xơ, đồng ruộng hoang hóa.
Bọn họ quyết tiệt đường sống của người dân vùng giải phóng, cho tàu rọ, tàu gáo bay lượn dò tìm mọi nơi, thấy bóng người lập tức vây hãm bắn đại liên, rốc kết giết chết hoặc chụp lưới bắt về giam tù. Dân trụ bám phải ra đồng, ra ruộng ban đêm để cuốc đất trồng tỉa kiếm hạt lúa củ khoai, chúng lại dùng máy bay ép dân vùng bị chiếm đến các cánh đồng gặt sạch, nhổ sạch cho vào những bọc lớn cẩu xuống quận lỵ, tỉnh lỵ... Tại Sơn Thạch chúng đã làm như vậy nhiều lần ở đồng Độ - Lộc Trung, đồng Cường - Gia Cát, người dân trụ bám ẩn trong bụi cây, trong hốc đá chỉ biết nhìn theo trong tiếc nuối, căm hận. Người già, phụ nữ hợp pháp đi chợ dưới vùng địch mua mắm muối, thuốc tây, nghĩa quân địa phương đón lại tịch thu, đánh đập, đá đổ sạch trọi. Dân thiếu gạo, thiếu muối đau ốm, vàng da, phù thủng không có thuốc chữa. Nhiều người mẹ nhìn con đau ốm không thuốc than phải chết tức trước mặt. Phần bom đạn bời bời, phần đói khổ rách rưới, nhưng mỗi lần địch càn tới, các bà các chị một đầu con nhỏ, một đầu gạo muối gánh chạy vào núi trốn tránh, tá túc; địch rút lại quay về tiếp tục bám trụ. Đầu năm 1971, nhân có lệnh ngừng bắn của hai bên thỏa thuận để nhân dân miền Nam đón xuân Tân Hợi, thanh thiếu niên xã Sơn Thạch tập trung đóng trại tại một cánh rừng thuộc xóm Gia Hội, thôn Gia Cát, trong lúc đang diễn văn nghệ thì bọn địch đóng ở đồn trên đỉnh Bằng Thùng phát hiện gọi pháo Cấm Dơi nã tới trúng sân khấu và các lán trại, giết chết 84 em. Có nhà anh em cùng đi trại, cùng ngồi một chỗ xem văn nghệ, trúng quả pháo chết sạch. Nhà chết 2 con, nhà chết 3 con dày xóm. Đấy là một ngày vô cùng tang thương, dẫu chiến tranh có lùi xa bao nhiêu đi nữa thì người Gia Hội, Gia Cát vẫn luôn ghi sâu trong lòng mỗi khi xuân về tết đến. Ngày tết dân ở đây làm đám giỗ cả xóm, cả làng.
Ác liệt, chết chóc, gian khổ trên từng bước chân, trên từng giây phút, nhà cửa cháy trụi dân dựng lều tạm che nắng che mưa, rúc vào hang đá trú thân, đói ăn rau rừng, ốc đá, sắn sượn, củ chuối cầm hơi, rứa mà nhiều người dân Sơn Thạch, Sơn Long vẫn kiên cường, sắt son với cách mạng “Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết ở lại với cán bộ, du kích, bộ đội đến cùng. Đến đầu năm 1972, dân trụ bám của hai xã còn tới cả nghìn người. Mỗi người dân trường kỳ trụ bám quý như những viên ngọc đã được giũa mài. Là dân nhưng chính họ cũng là những chiến sĩ cách mạng. Nhiều gia đình, nhiều người bị xúc tát xuống quận lỵ Quế Sơn, Chu Lai, Đà Nẵng... nhưng họ luôn tìm cách quay về.
Chiến tranh đã qua đi, tôi về Quế Phong ngồi cùng với những chiến sĩ cách mạng, với những người dân trụ bám tưởng lại, ôn lại năm tháng hào hùng của công cuộc kháng chiến. Gặp các đồng chí Mai Văn Minh, Thái Tung là những người đã từng đẫm mình xuyên suốt cuộc chiến trên quê hương họ. Theo đề nghị của tôi, đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng các anh cố chắp nối ký ức đã đứt gãy, mờ phai theo thời gian hun hút trôi tái hiện lại những dấu tích, những sự kiện bi hùng mà các anh đã trải nghiệm bằng máu xương của chính mình. Hai anh đều có chung ý tưởng: “Chúng tôi tự hào quê hương mình là “Căn cứ lòng dân”. Nhưng khách quan mà nhìn nhận, do nhu cầu kháng chiến đã biến vùng bán sơn địa Long - Thạch trở thành mảnh đất thép kiên cường. Bởi, trong những năm tháng đó quân giải phóng, lực lượng cách mạng tỉnh Quảng Nam, huyện Quế Sơn, cán bộ, du kích, nhân dân Sơn Long, Sơn Thạch phải tập trung trụ vững tại mảnh đất này. Nơi đây vừa là đầu mối, vừa là trung điểm của tuyến đường huyết mạch nối giữa vùng đồng bằng Quảng Nam với căn cứ địa Trường Sơn. Từ Trà My, Phước Sơn kể cả các xã phía nam huyện Giằng, cán bộ, bộ đội hành quân, đi công tác lẻ, đi vận chuyển mắm muối, lương thực phía đồng bằng Duy Xuyên, Thăng Bình hoặc móc hàng từ Đà Nẵng, Hội An về căn cứ đều phải men chân núi Bằng Thùng, Hòn Tàu qua tuyến đường đèo Răm - Đá Trắng - Đòn Gánh. Mỗi người dân trụ bám là một ánh lửa, là một mắc xích chỉ lối dẫn đường cho bộ đội, cán bộ, thanh niên xung phong lách địch vượt hiểm nguy hoàn thành nhiệm vụ. Đêm đêm qua những đoạn đường nút thắt, thường có ngọn đèn báo hiệu của những bà mẹ rằng, phía trước đang có địch phục hay an toàn. Những chiến sĩ cách mạng ung dung rong ruổi hay vật lộn theo những gùi hàng nặng trĩu trên vai hãy nhìn ánh lửa kia mà đi, mà cẩn trọng giữ thân. Hay có lúc giữa trưa nắng gắt, trên vai nặng trĩu súng đạn hành quân, bỗng có một bà già ngồi trong túp lều dòm ra, tha thiết gọi “Các con ơi vào đây uống miếng nước chè ván rồi hãy đi tiếp”. Ý Đảng lòng dân đã trùng hợp là ở chính chỗ này. Cái ý nghĩa lớn nhất, sâu nhất của “Căn cái lòng dân” là ở chỗ này đây”.