Căn cứ lòng dân (tiếp theo)
Nó là cách mạng từ trên Trường Sơn tiến về giải phóng Sơn Long, Sơn Thạch, nhưng thực ra lực lượng vũ trang tại thời điểm này còn quá mỏng. Cả Quế Sơn chỉ có một đại đội tập trung, tỉnh Quảng Nam có Tiểu đoàn 70; chủ lực khu đứng chân tại chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, Bắc Quảng Ngãi có vài trung đoàn. Quân ta quá ít lại rải trên diện rộng để hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng khắp nơi.
Thực lực như vậy, lấy đâu cho nhiều người áp xuống vùng trung Quế Sơn. Riêng hai xã Sơn Long, Sơn Lãnh ra quân trong chiến dịch này, kể cả cán bộ chính trị như Chung Đệ, Phạm Bân, Thanh Vân... cộng với các chiến sĩ vũ trang cũng không quá vài chục người. Vũ khí trên tay chỉ vài khẩu tiểu liên K50, vài khẩu tam-xông, tuyn thời kháng chiến chống Pháp còn lại, vài cây cạc-bin, K44, trường mách bắn phát một, đôi ba quả lựu đạn chày tự tạo, đôi ba quả lựu đạn M26 lấy được của địch... Thậm chí có người trên thắt lưng đeo mỗi trái lựu đạn. Các đồng chí Mai Phồn, Nguyễn Ngọc Liễn... người Sơn Long; Huỳnh Ngữ, Đoàn Xảo, Nguyễn Thưởng.... người Sơn Thạch là cơ sở được cài cắm từ trước, họ nhận nhiệm vụ huy động thanh niên mang súng gỗ, đội mũ tai bèo, cải trang thành quân giải phóng, vừa dọa địch vừa cầm loa kêu gọi quần chúng nổi dậy tự giải phóng quê hương.
Bọn tề ngụy địa phương nghe dân kháo nhau “Việt cộng về quá đông, mang súng lớn súng nhỏ đi dày đường”, chúng hoảng hốt bỏ chạy hết xuống quận lỵ Quế Sơn. Đấy! Cách mạng đã giải phóng dân mình bằng chính sức mạnh của họ, bằng mưu trí xuất phát từ nhu cầu giải phóng của nhân dân.
Từ cái đêm lịch sử đó, chính quyền cách mạng, các bộ phận trực thuộc như xã đội, an ninh, tuyên huấn, thông tin, đấu tranh chính trị, binh địch vận, tài chính..., các tổ chức đoàn thể như nông hội, phụ nữ, thanh niên... hai xã Sơn Long, Sơn Thạch nhanh chóng hình thành.
Khẩn cấp, mỗi xã thành lập trung đội du kích, mỗi thôn một tiểu đội, huy động toàn dân đào giao thông hào, rào làng chiến đấu, lên phương án đánh địch từ quận lỵ Quế Sơn, từ các chốt điểm tiến đến lấn chiếm vùng giải phóng mới mở ra.
Lòng dân dẫu có tha thiết với cách mạng, sẵn sàng hy sinh gia đình con cái để phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương nhưng dân cũng rất thực tế. Cách mạng đã giải phóng được đất thì cách mạng phải chiến đấu giữ đất. Đa số dân sẵn sàng động viên con cháu gia nhập du kích, tự nguyện đứng ra gánh vác nhiệm vụ cách mạng, xung phong tòng quân nhập ngũ, nhưng cũng có người đang dòm chừng mấy ông cách mạng ni có giữ nổi vùng giải phóng hay không. Vì thế để tập hợp được tất cả lực lượng, dựa chắc vào thế mạnh lòng dân, trước tiên các đồng chí lãnh đạo địa phương phải ra sức xây dựng đội ngũ vũ trang đủ mạnh cả về con người, vũ khí và tinh thần. Đủ sức chiến đấu đánh bật các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm của địch, gây được niềm tin trong dân.
Trước khí thế quần chúng trong những ngày đầu, tháng đầu nổi dậy cộng với tiếng súng đanh gọn của các đồng chí trong Đội công tác tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ, khiến cho bọn tề ngụy, bọn dân vệ, nghĩa quân bỏ chạy thục mạng. Sau đó được sự tiếp sức của lính cộng hòa và hậu thuẫn đắc lực của lính Mỹ, chúng quay lại đánh phá quyết liệt nhằm tái chiếm những vùng đã mất. Nhưng không thể! Bọn địch đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của du kích Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Lãnh. Suốt 10 năm, từ 1965 đến 1975, du kích Sơn Long, Sơn Thạch đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu cả trăm trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Có những trận điển hình như vào ngày 25.2.1966, du kích Sơn Long tập kích đại đội lính ngụy đóng dã ngoại tại đồng Đá Dựng, tiêu diệt 14 tên, thu nhiều vũ khí. Ngày 20.3.1966 du kích Sơn Thạch, Sơn Lãnh cùng một trung đội của Đại đội V10 chặn đánh đại đội lính ngụy tiến vào càn quét thôn Lãnh Thượng thuộc địa bàn Sơn Lãnh, tiêu diệt 10 tên, làm bị thương 10 tên, Trần Phước Xáng - Quận trưởng Quế Sơn thân chinh trên xe Jeep đốc thúc quân lính, bị đánh bất ngờ hắn hoảng hốt nhảy xuống, bỏ xe chạy thục mạng về quận lỵ. Ngày 20.4.1967 du kích Sơn Thạch lừa lính Mỹ sa vào bãi mìn gài sẵn, tiêu diệt 5 tên, bọn còn lại tháo lui về Cấm Dơi... Từ 1968 đến 1972, biệt kích Mỹ thường đổ quân ở các đồi cao, triển khai xuống các tuyến hành lang phục kích gây cho ta nhiều thiệt hại; ngày 21.8.1968 du kích Sơn Thạch tổ chức đánh phản phục kích tại cây da Bát Ngoạt tiêu diệt 5 tên, những tên sống sót chạy lên đồi cao, gọi trực thăng đến chở lui về Cấm Dơi... Tháng 7.1974 du kích hai xã Sơn Long, Sơn Thạch hỗ trợ du kích Sơn Lãnh, Sơn Thắng tiến đánh giải phóng Khu dồn Nhà Tằm, Khu dồn Cây Cốc, đưa hàng trăm dân bị địch xúc tát vào khu dồn về vùng giải phóng sinh sống, làm ăn....
Đã tham gia kháng chiến thì đánh giặc là nhiệm vụ hàng đầu nhưng ở đây còn căn cứ địa cách mạng, vì thế nhiệm vụ của cán bộ địa phương phải ra sức giành, giữ từng người dân, xây dựng phong trào toàn diện. Còn dân, có phong trào mới còn vùng căn cứ.
Trong những năm 1965 - 1967 tại vườn ông Thắm, thôn Gia Cát có cả trường cấp II để con em vùng giải phóng Quế Sơn tụ hội học tập. Trên ranh núi Bằng Thùng có bệnh xá huyện, dân còn gọi bệnh xá của bác sĩ Thu Hà. Đây cũng là nơi bộ đội tỉnh, bộ đội chủ lực Khu 5 về ém quân chuẩn bị cho nhiều chiến dịch... Ấn tượng nhất là năm 1972, vùng Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Lãnh là nơi các Trung đoàn 1, Trung đoàn 31 - Sư 2 của ông Nguyễn Chơn về đứng chân tiến đánh san bằng cụm cứ điểm Cấm Dơi - Hòn Chiêng, làm chủ quận lỵ Quế Sơn trong 2 ngày.
(Còn nữa)