Khúc bi tráng sông Con (tiếp theo kỳ trước)

PHẠM THÔNG 22/10/2019 13:37

Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu 5 mấy năm nay đóng quân ở vùng cao, vùng trung Trà My cũng hành quân năm bảy ngày đường ra đóng ở rừng núi phía đông huyện Giằng - Tây Đại Lộc, với cự ly gần để sẵn sàng chỉ đạo chiến dịch tấn công Đà Nẵng.

Có những bộ phận tiền phương của các cơ quan xung quanh Khu ủy 5 đã áp sát xuống các xã phía đồng bằng Điện Bàn, Hòa Vang. Sư đoàn 2 bộ đội chủ lực Quân Khu 5, các tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng Đà như Tiểu đoàn R20... đã ướm quân lại vùng ven Đà Nẵng, chờ lệnh. Ở phía tỉnh lỵ Quảng Tín - Tam Kỳ các Tiểu đoàn bộ binh 70, 72, 74, Tiểu đoàn Đặc công V16 của tỉnh đều hành quân về tập kết tại các xã phía tây huyện Bắc Tam Kỳ, sẵn sàng đột nhập chiếm lĩnh tỉnh lỵ Quảng Tín... Trên toàn chiến trường miền Nam, tất cả lực lượng cách mạng ở chiến khu, ở nông thôn đồng bằng và ngay trong lòng các đô thị đang chuyển động như những cơn sóng ngầm đại dương, chờ lệnh là xuất kích, là dâng trào.

Đêm giao thừa theo lịch của miền Bắc nhân dân vùng giải phóng với lòng mừng vui khôn xiết nghe thơ chúc tết của Bác Hồ: “ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.

Đêm ấy bộ đội ta đã áp sát quận lỵ Quế Sơn, nhưng có lệnh dừng tấn công, phải rút ra trở lại. Vì do Hà Nội và Sài Gòn khác múi giờ, theo cách tính gì đó mà dân, bộ đội và chỉ huy phía dưới đất cái ni đâu biết rằng lịch của hai miền Nam - Bắc năm nay lại cách nhau tới một ngày, có nghĩa là giờ giao thừa ở miền Nam sau miền Bắc đến 24 tiếng đồng hồ, tết ở miền Nam đến sau tết miền Bắc một ngày. Trong khi đó kế hoạch tổng tiến công được bố trí theo dương lịch, ngày sát nút giật mình nhận ra sự “lệch pha” đó. Kế hoạch Tổng tiến công vĩ đại này buộc phải điều chỉnh ngày, có nghĩa là phải đồng loạt tấn công vào đêm 30 rạng sáng ngày mùng Một tết miền Nam mới tạo ra được tình thế bất ngờ. Theo lệnh chung, tất cả lực lượng bộ đội Quế Sơn phải lui binh, chờ tối hôm sau mới tấn công. Sự lệch giờ, lệch ngày này có lẽ là khoảng trống lớn nhất về sức mạnh của chiến dịch...

Theo đúng lịch định trước, dân Sơn An, Sơn Tân, Sơn Bình, Sơn Hiệp... băng đèo Răm xuống Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Khánh, Sơn Lãnh. Tất cả hàng mấy ngàn người tập trung tại vùng ven, sáng sớm mùng Một tết (lịch miền Bắc) đột nhập quân lỵ cướp chính quyền về tay nhân dân.

Lệnh mới lại ban ra. Kế hoạch nổi dậy của dân chúng cũng lui lại một ngày. Dân cả chục xã vùng tây kéo xuống cũng phải lui về nằm chờ hai ngày một đêm tại Sơn Khánh,  Sơn Thạch.

Đúng giờ quy định, tất cả dân chúng của vùng tây cộng với dân các xã vùng trung như Sơn Lãnh, Sơn Thạch, Sơn Khánh đều tập trung về một địa điểm làm lễ xuất quân. Đội hình xếp thành 3 hàng chỉnh tề, dài dằng dặc, bao gồm cả nam phụ lão ấu, có nhiều em chưa đủ lớn cũng rướn theo.   

Đoàn người do ông Chung Châu Long làm tổng chỉ huy, lần thứ hai xuất phát. Từ Sơn Khánh, tất cả đang hăng hái đều bước trên đường quận lỵ Trung Phước, vừa tới dốc Đỏ đột ngột dừng. Có lẽ bộ đội ta chưa làm chủ được trận địa, đang đánh nhau trong nội ô, xuống đó hai bên bắn vướng đạn, đoàn biểu tình lại phải quay về nơi xuất phát. Chao ôi là ể! Cán bộ, những người cốt cán tiếp tục động viên: Ráng nằm chờ... để rồi “Có lệnh là đi/ Tư thế sẵn sàng”!

Việc chi tới sẽ tới, huống chi là đại sự quốc gia. Đêm mùng Một tết miền Nam, từ Sơn Khánh lại xuất quân. Đoàn người dài cả cây số, mỗi người một lá cờ Mặt trận trên tay, băng rôn dương cao, hiên ngang tiến về phía quận lỵ. Đi đường, đoàn biểu tình có gặp một số bộ đội vác súng ngược trở lên, hỏi: “Tình hình dưới đó răng rồi các đồng chí?”. Họ ầm ừ: “Xong rồi, bà con cứ xuống...”. Đoàn người càng hăng hái băng băng.

Ngang qua Cấm Dơi, lính Mỹ trên đồi Dơi đứng ngó xuống, không một động tĩnh mặc cho đoàn người rồng rắn bước tới trong tiếng hô “Đả đảo ngụy quyền Sài Gòn! Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu!”; kêu gọi: “Anh em binh sĩ hãy quay về với gia đình, với nhân dân”. Có lẽ lính Mỹ đã quen hình thức biểu tình ôn hòa bên chính quốc. Nhưng có người lại cảm thấy đó là hiện tượng lạ. Vì bọn họ càn quét đến vùng giải phóng hung tựa trâu điên, mấy hôm trước lính Mỹ từ các cao điểm Hòn Chiêng, Dương Là, Núi Lớn thấy bóng người thấp thoáng ngoài đồng lập tức nã DKZ, cối cá nhân, quét đại liên. Nhiều nông dân chết, tay chưa rời cây cuốc, cái liềm, răng bữa ni lính Mỹ lại hiền rứa, sinh nghi. Thôi mặc kệ, chết có số, cứ đi, đông người ấm lưng. Không sợ!

Ngày hôm trước dân Sơn Khánh, Sơn Lãnh, Sơn Thắng, Sơn Thạch đi đầu, hôm nay xếp hàng theo vùng, vì thế không có nơi nào tiên phong mà trong tốp đầu có đủ mặt người khắp chốn. Nhưng coi bộ dân Sơn An, Sơn Tân, Sơn Bình, Sơn Hiệp muốn “qua mặt” vùng trung, họ nhanh chân lấn lên đi đầu. Đám thiếu nhi nhẹ mình, chúng lách lên nhóm phía trước. Có lẽ tụi nó nghĩ ai nỡ hành hung con nít chăng...

Trần Thị Thanh Hải mới mười hai tuổi, chạy kịp bà Châu - Hội trưởng Phụ nữ Sơn An đi đầu cầm cờ chính giương cao, bà Cúc - Hội phó tiếp chân, Hải là người thứ ba. Đoàn người đến gần mép cầu sông Con, sợ địch trên đồi trước mặt nhìn thấy, bà Trần Thị Tân - Huyện ủy viên, Phó ban Binh vận huyện đang đi ngang với bà Châu để điều hành đám biểu tình liền lùi về phía sau mấy bước, hô vang khẩu hiệu. Có lẽ bà Tân không chường mặt cho địch biết người chỉ huy. Cùng lúc chân bà Châu vừa chạm mép đầu cầu sông Con, tay phất cờ cao, xướng theo miệng còn tròn vo... Đùng, đùng, đùng, rặt, rặt, rặt xé gió...!!! Lá cờ Mặt trận xịu xuống, bà Châu ngã sấp đè lên cán cờ, Hải quỵ bên mép mép đường lăn xuống ruộng, đoàn người phía sau ngã sập theo những loạt đại liên từ trên dốc găm thẳng tới. Người còn lại tháo lui toán loạn. Bọn địch hàn chặt trên con dốc phía bên kia sông Con, với cự ly rất gần đồng loạt siết cò, nhằm phía đám đông trong tay không tấc sắt nhả đạn...

(Còn nữa)

PHẠM THÔNG