Du kích làm binh vận
Sau Hiệp định Pari, quân viễn chinh Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam, tưởng rằng tình hình chiến sự bớt căng thẳng, nhưng không thế.
Theo lệnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, địch bất chấp những điều thỏa thuận trong hiệp định, tràn ngập lãnh thổ, lấn chiếm vùng của cách mạng đang kiểm soát. Riêng trên đất Sơn Lãnh và ranh giới các xã kế cận chúng hình thành hệ thống đồn bót dày đặc. Phía đông và đông bắc giáp Sơn Thành là các căn cứ Cấm Dơi, Động Mông - Đá Hàm. Phía nam tây nam giáp Sơn Long, Sơn Thắng là liên cụm căn cứ Hòn Chiêng, Núi đất, Dương Bằng. Trên trục đường Đông Phú - Hiệp Đức có chốt cầu Liêu. Trục đường 105 chạy rạch đôi giữa xã có Dốc Đỏ, Dốc Mỡn... Với hệ thống đồn bót dày đặc như vậy, bọn địch đã vây hãm, kiềm chặt các thôn Lãnh Thượng, Lãnh An, Xuân Quê thuộc Sơn Lãnh.
Đầu năm 1973 du kích Sơn Lãnh chỉ có một trung đội thiếu với vài chục tay súng, cộng thêm cán bộ dân chính đảng. Tất cả không quá 50 người, đều quyết tâm bám đất, bám công sự, vừa tự kiếm ăn vừa đánh giặc giữ làng.
Ông bà ta đã nói “mạnh dùng sức, yếu dùng chước”. Kế sách chiến tranh nhân dân được du kích Sơn Lãnh vận dụng lên tầm nghệ thuật. Giai đoạn này nổi lên phong trào “Du kích làm công tác binh vận”, du kích vừa đánh địch bằng súng đạn vừa tuyên truyền vận động. Do cuộc chiến kéo dài, cán bộ, du kích hy sinh hết lớp này đến lớp khác, lực lượng cách mạng tại địa phương còn lại rất mỏng. Vì thế mỗi chiến sĩ du kích đều tự giác làm tròn nhiệm vụ của một cán bộ chính trị, tham gia phát triển lực lượng theo phương châm đấu tranh “Hai chân ba mũi giáp công - Kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh địch vận”.
Tại các vị trí cách đồn địch vài trăm mét, du kích đào công sự dùng loa tay đọc các tài liệu nêu rõ chính sách 10 điểm hòa giải hòa hợp dân tộc của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, những điều quy định tại Hiệp định Paris, yêu cầu hai phía giữ nguyên hiện trạng vùng đang kiểm soát, không đụng độ lấn chiếm gây thêm thương vong cho nhau; ngâm thơ, ca hát kêu gọi binh lính quay về với nhân dân. Ban đầu họ phản ứng quyết liệt, ta biết trước điều đó nên đã thiết kế hệ thống công sự giao thông hào có đường tiến đường lui. Địch bắn ta tháo lui giảm thương vong. Khi trụ góc này lúc ở phía khác bất ngờ phát loa, ngâm đôi bài thơ rồi di chuyển sang nơi khác. Mưa dầm thấm lâu, nhiều tay chỉ huy tại các đồn nhận ra được thiện chí của ta, không đối chọi bằng súng đạn mà dùng lời lẽ đối thoại.
Chốt điểm Đá Bể nằm sâu trên đất Sơn Lãnh, trên bờ đông sông Lĩnh, ranh giới giữa Xuân Quê và Lãnh Thượng. Bên kia sông, ngay trước mặt địch là vùng ta kiểm soát; sau lưng đồn là vùng ngày địch đêm ta. Trong cái thế đó buộc địch phải tính toán đường sống, nếu tiếp tục nống ra lấn chiếm sẽ dễ bề cho quân giải phóng lấy lý do tấn công tiêu diệt. Tên chỉ huy đồn cũng bắt đầu đối thoại. Trong khi đối thoại tên này có hé lộ bóng gió muốn tháo lui xuống phía Cấm Dơi. Nắm bắt được ý tứ đó, ông Dinh cán bộ binh vận huyện đang công tác tại Sơn Lãnh đề nghị hai bên gặp nhau. Tên chỉ huy đồn Đá Bể đồng ý.
Ông Dinh bàn với lãnh đạo xã định ngày giờ gặp. Ông Dương Kỳ - Bí thư xã cho chị em phụ nữ gói bánh ú, bánh tét, đóng bánh in bánh nổ làm quà gặp mặt. Ông Dinh trực tiếp chọn người hát hay, ứng xử tốt, ăn bận lịch sự làm bộ mặt giao dịch. Qua cách ăn nói trên loa, ông Dinh nắm được sơ bộ trình độ đối phương, đề nghị Hội trưởng Phụ nữ xã Lý Thị Thường cùng ông trực tiếp giao dịch với địch.
Đúng 9 giờ sáng ngày 5 tháng 2 năm 1973, chỉ sau 10 ngày Hiệp định ký kết, theo lời hẹn, Đại đội trưởng lính cộng hòa đóng tại Đá Bể dẫn tiểu đội không mang vũ khí lội qua sông Lĩnh gặp ông Dinh, bà Thường tại vị trí hẹn trước.
Sau khi chào nhau theo lối nhà binh, hai bên giới thiệu tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, ông Dinh chủ động nêu mục đích:
- Chúng ta gặp nhau hôm nay trên tinh thần người cùng chung dòng máu Việt, lúc này đừng phân biệt người của hai chiến tuyến. Hãy lắng lòng hướng về cội nguồn là con Lạc cháu Hồng mà nói chuyện, mà đàm phán với nhau. Tôi đề nghị ngài trung úy cho ý kiến trước.
Tên trung úy nở nụ cười liếc nhìn chị Thường và hai nữ du kích, cất giọng Nam bộ:
- Xưa rày nghe mãi giọng của các cô. Giỏi thật, các cô đã làm lay động tinh thần của binh sĩ chúng tôi. Nhưng, không thể làm lung lay tôi được đâu nghen. Hôm nay tôi mới diện kiến những thiên thần dũng cảm, thật là một cuộc hội ngộ tuyệt vời. Như thế này mà tại sao ta lại ở hai phía, thật là tiếc.
Chị Thường nở nụ cười đôn hậu nhưng rất nghiêm túc:
- Cám ơn ngài trung úy!
Tên trung úy liền quay sang nghiêm giọng đàm phán với ông Dinh:
- Nhân danh quân lực Việt Nam Cộng hòa, tôi đề nghị các ông rút quân ra khỏi khu vực của chúng tôi đang kiểm soát 2km. Không ngăn chặn đường tiếp tế của chúng tôi. Đề nghị cho biết ý kiến của các ông!
Ông Dinh từ tốn, chậm rãi đáp:
- Nhân danh Chính quyền cách mạng, tôi chấp nhận đề nghị thứ hai, không chấp nhận đề nghị thứ nhất của ông. Quê hương chúng tôi đây, nhà cửa, gia đình chúng tôi ở đây, mồ mả tổ tiên của chúng tôi ở đây, đất quê tôi chúng tôi ở. Tôi đề nghị, một là các ông từ nơi khác đưa quân đến đây chiếm đóng thì nên rút đi, trả lại sự bình yên để dân Sơn Lãnh sinh sống, làm ăn trên chính quê hương của mình. Hai là, hai bên ngừng bắn cục bộ ngay tại thời điểm này; các ông tuyệt đối không bắn pháo cối vào làng; không hành quân lấn chiếm, giành đất, giành dân. Ba là, hai bên để nhân dân đi lại, mua bán tự do. Lính các ông không được đổ mắm muối, lương thực, tịch thu vải vóc thuốc tây nhân dân mua đưa về vùng chúng tôi làm chủ.
Tên đại úy chấp nhận các điều kiện của phía cách mạng đưa ra, nhưng còn ỡm ờ đôi chỗ:
- Binh lính của chúng tôi rất đông, khó kiểm soát hết hành vi của họ, có lúc sơ suất các ông thông cảm. Riêng việc rút quân là không thuộc quyền hạn của tôi. Cấp trên bảo ở thì chúng tôi ở, lệnh đi thì phải đi. Mong các ông hiểu cho...
Ông Dinh khẳng định với đối phương:
- Kỷ luật của đội quân chúng tôi rất cao, cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi luôn chấp hành đúng chủ trương của cấp trên. Các ông hãy tin tưởng, không thể có sự vi phạm những điều khoản đã được thỏa thuận hôm nay trên địa bàn xã Sơn Lãnh này. Chào tạm biệt. Hẹn ngày gặp lại.
Trước khi chia tay hai bên tặng quà cho nhau, phía ta tặng bánh tự làm, đối phương tặng gạo sấy, thuốc điếu, mứt kẹo trong bao bóng và không quên hát cho nhau nghe những bài hát mang hơi thở trông chờ hòa bình...
(Còn nữa)