Chuyện một tộc họ Cơ Tu - Kỳ cuối: Tiếp nối truyền thống
Sau ngày giải phóng, ổn định đời sống mới, con cháu trong tộc họ Bhơriu tiếp tục tham gia việc Đảng, việc nước, được quần chúng nhân dân tin tưởng giao phó giữ các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức đoàn thể, xã hội; chung tay góp sức bảo tồn văn hóa, xây dựng quê hương.
Những điển hình tiêu biểu
Tích cực tham gia việc Đảng, việc nước sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, điển hình bấy giờ có ông Bhơriu Prăm từng trải qua các chức vụ Bí thư Huyện ủy huyện Hiên, Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) 3 khóa liên tục. Ông Bhơriu Brây từng làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiên, có thời gian về tăng cường giúp đảng bộ xã A Tiêng đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Ông Bhơriu Blai tham gia bộ đội tại Cơ quan Quân sự huyện Hiên. Hay như ông Bhơriu Tiêng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hiên và sau này làm Viện trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Giang; bà Bhơriu Mỹ làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang…
Ngoài tham gia phục vụ cách mạng ở huyện, nhiều con cháu trong tộc họ Bhơriu tiếp tục cống hiến trí tuệ xây dựng xã, thôn ngày một phát triển, vững mạnh. Trong đó có thể kể đến ông Bhơriu Danh hơn 4 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn, được nhân dân quý trọng, đến khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tăng cường lên huyện Đông Giang công tác. Ông Bhơriu Thiện sau này trở thành Tộc trưởng đời thứ 7 tộc họ Bhơriu, làm Trưởng thôn Bhơ Hôồng hơn 20 năm và sau đó làm Trưởng công an xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sông Kôn. Ông Bhơriu Dư tham gia làm giáo viên bổ túc Trường Nội trú Hiên, sau này làm Bí thư đảng ủy xã Sông Kôn. Ông Bhơriu Deng đi bộ đội phục vụ chiến trường Campuchia, sau này về làm Trưởng Công an xã Sông Kôn. Bên cạnh đó, nhiều con cháu sau khi được học tập, có chuyên môn nghiệp vụ đã được tham gia phục vụ Đảng, Nhà nước và giữ các chức vụ chủ chốt quan trọng tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và thậm chí ở các huyện A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên Huế).
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Vốn là tộc họ luôn ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Cơ Tu, ngay sau khi nghỉ hưu (1993), ông Bhơriu Prăm, ông Bhơriu Brây cùng những người cao tuổi trong làng Bhơ Hôồng đã tổ chức thành lập các tổ, cụm dân cư theo từng tộc họ riêng nhằm củng cố đội hát lý (ba boóch), nói lý (bha noóch), tân tung - da dá, pr’lư, cha chấp, cơ lới để thi trình diễn, đối đáp giữa các tộc họ, tổ, cụm dân cư trong thôn. Cách làm này ban đầu nhiều người chưa thích, nhưng một thời gian sau khi những người trẻ đi học xa trở về, việc am hiểu văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Cơ Tu có nguy cơ mai một, từ đó việc hát lý đối đáp, biểu diễn các loại nhạc cụ Cơ Tu từng bước được duy trì ngay từ tổ, cụm, tộc họ ở thôn Bhơ Hôồng. Nhờ vậy, nhiều con cháu trong tộc họ Bhơriu đã biết trình diễn các loại trống chiêng, nói lý, hát lý với khách mỗi khi đến thôn tổ chức cưới hỏi, giao lưu văn hóa.
Từ đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng trong con cháu Tộc Bhơriu được duy trì và phát triển sôi nổi, công tác tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều lễ hội được khôi phục, bảo tồn, là điểm sáng ở vùng cao. Trong đó, nổi bật có hai nghệ nhân điêu khắc xuất sắc của tộc họ được nhiều người biết đến và ca ngợi là Bhơriu Pố (ở xã Lăng, huyện Tây Giang), Bhơriu Nga (ở A Ting, huyện Đông Giang) và một số nghệ nhân đan lát, nghề rèn, hát lý, nói lý, ba boóch, bhơ noóch,... như Bhơriu Thiện, Bhơriu Bhưứh, Bhơriu Như, Bhơriu Bút, Bhơriu Ló… được mời đi trình diễn khắp nơi trong nước. Gắn với phát triển du lịch cộng đồng, những hộ gia đình tộc họ Bhơriu trở thành điểm dừng chân khám phá du lịch trải nghiệm, tìm hiểu các loại hình văn hóa và trực tiếp phục vụ dụ lịch theo hướng homstay.
Năm 2008, với vai trò Tộc trưởng đời thứ 6 của tộc họ Bhơriu, ông Bhơriu Prăm đứng ra thành lập Hội đồng gia tộc, mời con cháu mang dòng họ Bhơriu từ các vùng, huyện lân cận về gặp mặt, ra mắt tộc họ. Hàng năm, mỗi mùa xuân về, con cháu khắp nơi lại tụ họp, quay quần bên nhau trong mái gươl làng Bhơ Hôồng để tuyên dương con cháu, hộ gia đình có thành tích tốt và chỉ ra những hạn chế, thiếu gương mẫu của con cháu trong tộc họ để có hướng giáo dục, giúp đỡ. Việc thành lập Hội đồng gia tộc từng bước xây dựng khối đoàn kết, thống nhất ngay từ những người trong tộc, hạn chế dần tình trạng gây mất đoàn kết, vi phạm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt an ninh trật tự được giữ vững ngay từ hộ gia đình, công tác hòa giải luôn thực hiện tốt ở cơ sở được huyện, tỉnh biểu dương điển hình.
Chung tay xây dựng quê hương
Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thôn Bhơ Hôồng luôn được đánh giá có ý thức chủ động tốt trong công tác bảo vệ màu xanh quê hương. Việc này được thực hiện ngay từ khi ông Bhơriu Prăm lúc còn sống, trực tiếp ươm giống cây kiền kiền nhờ con cháu trong tộc họ vào rừng trồng để có gỗ quý sau này. Trước thực trạng nhiều cá nhân lén lút vào rừng chặt cây lấy gỗ đem bán, nhiều người trong tộc đã cùng các ngành chức năng ở xã và huyện thay nhau vào rừng bắt lâm tặc, chặn các đoạn sông, suối không cho vận chuyển gỗ về xuôi. Từ cách làm thiết thực, nhiều diện tích rừng ở đầu nguồn suối Ma Lu, Zuôi đến nay vẫn còn nhiều loại gỗ quý hiếm.
Báo cáo trước tộc họ trong ngày tổng kết 10 năm hoạt động của tộc họ Bhơriu, ông Bhơriu Thiện - Tộc trưởng đời thứ 7 cho biết: Tộc họ Bhơriu hiện có tổng số 243 hộ/822 khẩu (nam 405 người, nữ 417 người) đang sinh sống rải rác tại nhiều thôn thuộc các xã Sông Kôn, A Ting, Tà Lu,… (huyện Đông Giang) và hơn 200 hộ đang sinh sống tại huyện Tây Giang, Nam Giang và các huyện Alưới, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế). Có 73 người con ưu tú là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, 103 hộ phấn đấu thoát nghèo bền vững, 37 con cháu đã hoàn thành trình độ đại học và nhiều người hiện đang theo học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong tộc họ, nhiều người lớn tuổi trong tộc họ Bhơriu đã nêu gương chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, đứng ra hòa giải, giải quyết kịp thời và thành công các mâu thuẫn nội bộ nhỏ lẻ trong cộng đồng thôn, khu dân cư, đảm bảo tốt an ninh trật tự; điển hình như ông Bhơriu Pố (xã Lăng, Tây Giang), ông Bhơriu Rưưng (Cloò, Sông Kôn), ông Bhơriu Thiện (thôn Bhơ Hôồng), ông Bhơriu AGưm (xã A Ting), ông Bhơriu Đâu (xã Tà Lu), ông Bhơriu Léh (xã Dang)...
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dòng chảy của thời gian theo từng đời người quá cố trong tộc họ và sự chuyển cư gập ghềnh như nốt trống pr’lư, ít nhịp nhàng như tiếng chiêng theo điệu da dá, nhưng người Cơ Tu mang tộc họ Bhơriu đã sống theo thời gian, vượt qua sự lung lay về nguồn gốc để trường tồn hãnh diện đông đúc khắp nơi đến ngày hôm nay.