Công sự trong lòng dân - Kỳ 2: Những công trình mới
Sau khi bị địch nghi ngờ, 3 hầm bí mật của nhà bà Thanh, ông Phiến, ông Trừng cũng “đóng cửa” luôn từ đó. Mãi đến năm 1971, khi cấp trên chỉ đạo lực lượng cán bộ các xã tăng cường đứng điểm và phát triển cơ sở, nhiều cán bộ đã về xóm Đình Long Xuyên đào hầm công sự mới trú ẩn.
Những tình huống oái ăm
Trong ký ức của mình, ông Vũ Đình Thuyết - nguyên Bí thư xã Xuyên Mỹ giai đoạn 1971 - 1972, không bao giờ quên những kỷ niệm khi ở dưới công sự do chính tay mình đào. Đầu năm 1971, được sự hỗ trợ của cô Nguyễn Thị Lan (nguyên Bí thư Đoàn xã Duy An, nay là thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), ông Thuyết đào một hầm bí mật dưới bụi tre bên cạnh ao đìa Ông Chủ, giữa đồng lúa. Trong cuốn hồi ký viết vào tháng 5.2015 của mình, ông Thuyết có kể một câu chuyện liên quan đến lần trú ẩn ở hầm bí mật: “…4 giờ sáng, tôi đi công tác về nhà bác Nguyễn Cẩm, cô Hai Cẩm (cô Lan - con gái đầu của ông Nguyễn Cẩm) nấu cơm cho ăn rồi đưa tôi ra công sự ngụy trang lại. Cô Cẩm bơm nước tưới ruộng bằng máy bơm nhỏ bên bờ ao, đến 9 giờ sáng, nước thấm xuống hầm mỗi lúc một đầy, tôi bắt đầu ngột thở, dùng lưỡi lê moi rộng lỗ hơi, đưa tay lên vẫy, cô Cẩm đến dỡ nắp hầm hỏi: “Chi rứa anh Thuyết?”. Tôi bảo: “Tắt máy bơm, nước xuống đầy hầm ngột quá”. Cô Cẩm tắt máy rồi giả lội xuống lúa nhổ cỏ. Những lần khác tôi vẫn ở công sự này, cô Cẩm ngụy trang nhưng không chạy máy nước mà chỉ vác cuốc giả đi thăm ruộng, khoảng 9 giờ mới vào nhà…”.
Một hầm bí mật chỉ có thể sử dụng trong khoảng thời gian nhất định rồi phải thay đổi, vì nếu ở lâu và thường xuyên, địch rất dễ phát hiện. Chính vì vậy, hầm bí mật ngoài đồng ruộng cũng chỉ được ông Thuyết ở đến cuối năm 1971. Đầu năm 1972, nhà cụ Cửu (cụ Võ Thị Chì - mẹ ông Cẩm) bắt đầu đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, ông Thuyết và nhiều đồng chí cán bộ khác đã ở trong hầm này một thời gian. “Có lần, tôi ở công sự trong hầm tránh pháo nhà cụ Cửu, bà nội cô Cẩm. Đến khoảng 8 giờ sáng, tên ấp trưởng cùng với lính mở đường lên, tên ấp trưởng vào nhà hỏi: “Bà có nuôi Việt cộng dưới hầm không?”. Cụ trả lời tỉnh bơ: “Có, đèn đây, ông xuống đó mà bắt Việt cộng!”. Tên ấp trưởng bỏ đi. Thường ngày cụ Cửu ngồi trước hiên xắt chuối, tôi ở dưới hầm nghe tiếng xạt xạt đều đều là biết an toàn. Một bữa khoảng gần trưa, nghe tiếng xắt chuối, tôi dỡ nắp công sự rúc lên bò ra cửa hầm dòm, thấy tên lính ngồi trên căn ván đưa đưa chiếc giầy bốt-đờ-sô đá vào chân ngựa căn ván nghe xạch xạch như tiếng xắt chuối. Tôi vội vã xuống công sự đậy nắp lại. Tối đó tôi hỏi cụ Cửu: “Hồi sáng cụ mới xắt chuối đó, cụ bỏ đi đâu rứa?”. Cụ nói: “Tụi nó đi, tao ra xóm sau xin hột mướp giống”. Tôi kể lại chuyện tôi rúc lên, cụ Cửu giật mình” - ông Thuyết kể.
Có ít nhất 9 hầm bí mật
Cũng theo lời ông Thuyết, ở hầm bí mật tại xóm Đình Long Xuyên thường gặp những tình huống oái ăm. Một lần sau năm 1973, khi đã ở cương vị là cán bộ tỉnh, ông Thuyết có lần về công tác ở xã Xuyên Mỹ, ông cùng ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư xã Xuyên Mỹ (giai đoạn 1973 - 1975) ở một hầm bí mật bên bụi chuối, mà nắp hầm trổ giữa đám đậu phụng sau nhà cụ Cửu. Đêm đó là tối 16 trăng tròn, 4 giờ sáng, 2 ông về hầm bí mật nhưng không thể ra được vì ở bên hàng xóm có một nhà tranh phên tre mục nát nhìn ra hầm rất rõ. “Lúc đó, bốn mẹ con cụ Cửu đang ngồi bên bếp lửa nói chuyện nhìn lên hướng miệng hầm. Không biết cách nào, chị Bảy Khoai (tức chị Nguyễn Chị Liên), con gái cụ Cửu (bây giờ là vợ của đồng chí Thanh - Bí thư xã), nhanh trí vác một tấm tranh ra che một bên cho anh em tôi nép đi theo, đến nơi, chị nói thật to “gà chi mà phá quá, bươi nát đám đậu còn chi”, chúng tôi xuống công sự an toàn” - ông Thuyết kể.
Ông Thuyết cho hay, giai đoạn 1971 - 1975, ở xóm Đình Long Xuyên có thêm 6 căn hầm bí mật mới, so với giai đoạn 1968 - 1970. Cụ thể, ngoài 2 căn hầm ngoài ao đìa Ông Chủ và trong nhà cụ Cửu còn có 2 căn hầm ở nhà ông Nguyễn Lanh, 1 hầm ở nhà ông Nguyễn Cượng và 1 hầm ở nhà ông Nguyễn Thê. Như vậy, theo số liệu mà chúng tôi thống kê được từ nhiều nhân chứng còn sống và các tư liệu lịch sử có được, trong giai đoạn từ năm 1968 đến năm 1975, ở xóm Đình Long Xuyên có ít nhất 9 căn hầm bí mật phục vụ cho việc nuôi giấu cán bộ các cấp và lực lượng du kích địa phương.
--------------------
Kỳ cuối: Giá trị lịch sử cần được nhìn nhận