Chiến đấu đến giây phút cuối

HỒNG VÂN 03/07/2019 14:20

Đã hy sinh cách đây 55 năm, nhưng tấm gương của ông Phạm Hữu Bằng (Phạm Hữu Thăng) vẫn được nhân dân xã Điện Trung, (Điện Bàn) khắc ghi.

 

 Chị Phạm Thị Xanh, người con gái út của ông Phạm Hữu Bằng không nén được xúc động khi kể về cha mình: “Ba mẹ sinh được 3 chị em tôi rồi ông đi tập kết ra Bắc, trở về Nam hoạt động, không có cơ hội sinh thêm đứa con nào. Từ lâu chúng tôi muốn làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng (danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - NV) cho ba nhưng nhà toàn đàn bà con gái, lại chủ yếu làm nông nên không rành văn bản, giấy tờ…”.

Sắp xếp lại hồ sơ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 chuyển từ Hà Nội vào, quãng đời của người cha liệt sĩ hiện lên trong tâm trí của những người con gái thật gần gũi. Sinh năm 1920 ở thôn Hòa Giang, Điện Trung (Điện Bàn), tham gia cướp chính quyền, làm ủy viên Việt Minh xã, rồi bí thư chi bộ xã trước khi tập kết (1955), ông Bằng có 10 lăn lộn ở Gò Nổi. Ra Bắc, làm hiệu trưởng Trường Sơ cấp Kỹ thuật Bộ Thủy lợi, sau đó là cấp ủy viên, Phó ban Tuyên huấn Đảng ủy khu phố Ba Đình (nay là quận Ba Đình) Hà Nội, với sự gương mẫu và nhiệt huyết, ông liên tục được Bộ Thủy lợi rồi Ủy ban hành chính TP.Hà Nội khen thưởng, được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Giữa năm 1962, như bao người con miền Nam hướng về quê nhà dầu sôi lửa bỏng, ông Phạm Hữu Thăng lúc này đổi tên là Phạm Hữu Bằng xin được đi B. Chỉ một thời gian ngắn, ông được bầu vào Huyện ủy, rồi Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn, phụ trách phong trào vùng Gò Nổi. Ông đem nắp hầm về giao cho em ruột để đào căn hầm bí mật nhằm hoạt động lâu dài. Trong một lần đi công tác, ông bị địch bắn trọng thương ở bụng, điều trị chưa đầy một tháng, vết mổ chưa lành, ông lại tiếp tục đi gây dựng cơ sở ở Điện Hòa.

Ông Phạm Hữu Bằng (dấu chấm) chụp chung với Bác Hồ (ngoài cùng, bên phải) tại Ba Đình, Hà Nội (1961). Ảnh: T.L
Ông Phạm Hữu Bằng (dấu chấm) chụp chung với Bác Hồ (ngoài cùng, bên phải) tại Ba Đình, Hà Nội (1961). Ảnh: T.L

Cuối năm 1962 ông lọt vào ổ phục kích, cơ thể tiếp tục mang đầy thương tích và hỏng mắt phải. Tổ chức đưa ông lên chiến khu phẫu thuật và dự tính sẽ đưa ra Bắc điều dưỡng cho hồi phục nhưng người con của Điện Trung kiên quyết từ chối. Ông nói với các đồng chí của mình: “Cách mạng đang gấp rút, khó khăn, tôi bỏ đi sao đành”. Vậy là ông Bằng tiếp tục len lỏi, vận động các gia đình cơ sở ưu tú như bà Đương, bà Tấn, ông Tư Đều, Hương Minh, Giêng Lũy…, cùng nhiều bà con gầy dựng phong trào, tiến đến giải phóng Gò Nổi. Có lần ông nói: “Nếu còn sống đến ngày đất nước hòa bình, tôi sẽ xem ông Tư Đều là cha nuôi của tôi, bà Đương là mẹ nuôi của tôi”. Nhiều người được ông giác ngộ, bồi dưỡng sau này đều trở thành cán bộ kỳ cựu của xã như ông Phạm Phú Nhứt, Huỳnh Tre, Phạm Hữu Sử. 

Đêm mồng 2 tết năm 1964, lợi dụng đình làng có hát bộ, địch không chú ý, ông Bằng cùng các đồng chí của mình bí mật về quê móc nối nhưng không may bị bọn mật thám phát hiện và chỉ điểm ở thôn Tân Bình 3. Ẩn trong cây rơm, biết chắc là không thoát được trước vòng vây dày đặc của kẻ thù nhưng ông không hề nao núng, bình tĩnh đập bể máy thu thanh, xé nát và nhai nuốt các tài liệu. Rạng sáng ngày 2.2.1964 (tức mồng 6 tết), Mỹ điều một trung đội lính nghĩa quân cùng bọn tề ngụy vây chặt, kêu gọi ông Bằng đầu hàng. Ông Bằng lấy hết sức bình sinh, dõng dạc hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Hồ Chủ tịch muôn năm…”. Chưa kịp dứt lời thì đồng loạt những họng súng của địch từ mọi phía bắn tới tấp về phía ông. Những sợi rơm vàng nhuốm đỏ máu của người cộng sản trung kiên. Biết chắc ông đã hy sinh, bọn địch ào đến phá nát cây rơm hòng tìm giấy tờ, tài liệu manh mối. Khi biết tất cả đã được thủ tiêu, chúng điên cuồng dùng cuốc chỉa kéo thi thể ông ra, cột hai tay, hai chân vào cây đòn khiêng về Vĩnh Điện bêu xác suốt mấy ngày hòng thị uy và phô trương chiến tích.

Ông Phạm Hữu Ảnh, cán bộ hưu trí Đà Nẵng, xúc động nhớ về chú ruột của mình: “Tôi và những người con của chú lúc ấy mới thiếu niên vẫn không sao quên được hình ảnh đau thương chú bị bọn địch giết hại. Chúng gí súng, bắt bà con trong thôn khiêng xác chú diễu hành, vượt cầu Kỳ Lam xuống thị trấn Vĩnh Điện rồi phơi thây liệt sĩ. Chúng tưởng làm vậy sẽ khuất phục được nhân dân Điện Bàn nhưng ngược lại, đồng bào thêm căm thù bọn cướp nước”. Thi hài của ông Phạm Hữu Bằng được gia đình chôn cất và sau này đã đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Trung.

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, những người anh em của ông Bằng đều dấn thân trên con đường giải phóng dân tộc. Ngoài một người em trai là thương binh Phạm Hữu Thiết còn sống, cả 4 anh em gồm Phạm Hữu Bằng, Phạm Hữu Phò, Phạm Hữu Trái, Phạm Thị Cân đều lần lượt hy sinh. Mẹ ông là Trần Thị Thắng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong nhà liệt sĩ Phạm Hữu Bằng có một kỷ vật được gia đình vô cùng trân trọng. Đó là tấm ảnh ông Bằng lúc này là Phó ban Tuyên giáo Ba Đình chụp chung với Bác Hồ năm 1961 khi Bác đến thăm khu phố. Cách đây hơn 20 năm, đoàn cán bộ của quận Ba Đình đã vào Điện Trung thăm, tặng gia đình kỷ vật này và một số tiền để sửa chữa căn nhà làm nơi thờ phụng liệt sĩ. Cô con gái út của ông Bằng cho biết: “Tiếc là từ đó đến nay, chị em tôi không còn liên lạc với Hà Nội. Ba tôi từ khi tham gia cách mạng đến giây phút cuối trên cõi đời đều luôn sống hết mình vì con đường ông đã chọn, dù công tác ở đâu cũng để lại tiếng thơm. Có ai như ba tôi, một năm, hai lần bị thương nặng, một mắt không thấy gì, có thể đồng ý để tổ chức đưa ra Bắc chữa trị, vậy mà kiên quyết ở lại quê hương, mang vết thương chưa lành đi vào hòn tên mũi đạn rồi hy sinh”.

Những người con gái của liệt sĩ Phạm Hữu Bằng không mấy khi được hưởng hơi ấm của cha mình, vậy mà ông lúc nào cũng như hiện hữu…

HỒNG VÂN