Dấu ấn qua đất Quảng - Kỳ 2: "Đóng cửa nhà, già trẻ lên đường vận chuyển"
Sau khi từng bước đánh bại chiến lược “tìm và diệt” của Mỹ - ngụy trong 2 mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967, Trung ương Đảng đã quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, động viên những nỗ lực lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
Tất cả cho tiền tuyến
Tại Đặc khu Quảng Đà, để chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các ngành, các giới đã đẩy mạnh hoạt động. Các trung đoàn vận chuyển Trung Sơn, Nam Sơn và lực lượng thanh niên xung phong của Đặc khu Quảng Đà giữ vai trò nòng cốt trong vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường. Thực hiện sự chỉ đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, đội dân công vận chuyển vũ khí của huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang) được củng cố do đồng chí Zơ Râm Pháo làm Đội trưởng, nhiệm vụ được giao cho đội là vận chuyển 300 tấn vũ khí từ Đắk Duúc, xã La Dêê xuống sông Thanh để bàn giao cho Đoàn Trung Sơn vận chuyển bằng đường thủy xuống Bến Giằng và sau đó lực lượng khác chuyển bằng đường bộ xuống các hướng chiến trường trong tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ, đội chia đoạn đường vận chuyển thành 5 trạm, mỗi trạm cách nhau một ngày đường và bố trí từ 100 đến 120 dân công thường trực. Bên cạnh đó, để dốc toàn lực cho chiến dịch, lực lượng huyện đội và đại đội địa phương huyện cũng tham gia phối hợp với các xã.
Lúc bấy giờ, trên trục đường Trường Sơn và các tuyến đường nhánh xuôi về đồng bằng, xe cơ giới, xe đạp thồ của các đơn vị tấp nập qua lại. Từ vùng cao đến vùng trung, xuống vùng thấp, người đi lên xuống nhộn nhịp khẩn trương đưa hàng ra mặt trận. Nhiều xã như Coong Năng, Ta Pơơ, Đắk Pring, Đắk Tôi thực hiện khẩu hiệu: “Đóng cửa nhà, trẻ già lên đường vận chuyển”. Từ tháng 12.1967 đến tháng 3.1968, toàn huyện đã huy động hơn 790 dân công phục vụ thường trực trên các tuyến đường; huy động hơn 71.100 lượt ngày công phục vụ tại chỗ, trong đó có 196 nam nữ thanh niên tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ để bổ sung cho đoàn Trung Sơn, bộ đội địa phương huyện và ngành mậu dịch tỉnh.
Tại huyện Hiên (nay là các huyện Đông Giang và Tây Giang), từ ngày 26.12.1967 đến 20.2.1968, nhân dân trong huyện túc trực trên các tuyến hành lang đường Trường Sơn, nhất là cánh Trung, cánh Bắc và Đầu Gò (huyện Đại Lộc). Huyện ủy tập trung lực lượng chỉ đạo công tác. Hầu hết nhân dân từ thiếu niên, nhi đồng đến phụ nữ, lão thành, hễ ai còn sức đều tham gia dân công phục vụ cuộc tiến công nổi dậy. Tại Phước Sơn, với khí thế cách mạng sôi sục “cả huyện ra trận, cả nhà ra trận”, nhân dân các xã vùng thấp, vùng cao trong huyện, gồm hàng nghìn già trẻ, gái trai nô nức thi đua vận chuyển súng, đạn, lương thực phục vụ cho chiến trường. Đồng bào các dân tộc trong huyện cùng một lòng hăng hái đi dân công tiếp lương, tải đạn.
Sau thắng lợi của ta ở đường 9 - Nam Lào, Đoàn 559 lại mở trục đường ô tô với quy mô lớn hơn - đường đông Trường Sơn chạy dọc miền núi Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam vào Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ. Trục đường chiến lược này trên địa bàn huyện Nam Giang nối từ A Xơơ, huyện Đông Giang qua thôn Pa Đhố đến Thạnh Mỹ, Giằng, Rô rồi vào Khâm Đức (Phước Sơn). Tuyến đường Tây - Đông lúc này nối với con đường Đông Trường Sơn tại Thạnh Mỹ, tiếp với đường Thắng Lợi xuống vùng B huyện Đại Lộc. Trên hành lang chuyển từ kho K81 xuống đến Bến Giằng - Thạnh Mỹ rồi đến các xã giáp ranh tây Đại Lộc, Quế Sơn, bên cạnh lực lượng Trung đoàn 38 còn có 1.800 dân công ngày đêm vận chuyển bằng các phương tiện: sức người gùi cõng, xe đạp thồ, thuyền, bỏ vào bao ny lon thả xuôi dòng sông với khí thế như trẩy hội. Gần như suốt năm 1972, trên tuyến hành lang này không lúc nào vắng bóng hình ảnh chiến sĩ dân công tải đạn, tải gạo phục vụ cho tiền tuyến.
Với khí thế tiến công sôi sục, tất cả cho tiền tuyến, quân và dân các huyện miền núi Quảng Đà đã góp sức người, sức của, tiếp lương, tải đạn cho tiền tuyến, góp phần xứng đáng làm nên thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Khai thông hành lang chiến lược
Tuyến đường Trường Sơn từ Nam Giang lên Khâm Đức nối với Đắk Lây (Kon Tum) qua nước bạn Lào là cửa ngõ lên Tây Nguyên xuyên thẳng xuống Đông Nam bộ. Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, từ năm 1960 Mỹ - Diệm đã chọn Khâm Đức làm căn cứ huấn luyện biệt kích, đào tạo những đại đội biệt kích cơ động. Chúng cho xây dựng Chi khu quân sự Khâm Đức, biến nơi đây thành cụm căn cứ quân sự liên hoàn (Khâm Đức - Ngok Ta Vak), có sân bay quân sự và trung tâm huấn luyện biệt kích. Từ đây địch liên tục mở các cuộc càn quét, vây ráp, đốt phá bản làng, sát hại đồng bào, cướp bóc tài sản; làm hoa tiêu, chỉ điểm cho máy bay, pháo binh địch ném bom, bắn phá vùng giải phóng, cắt đứt hành lang chiến lược và sự chi viện của địa phương ra các chiến trường, gây biết bao tội ác với cách mạng và nhân dân. Vì vậy, cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok Ta Vak như một “ung nhọt” cần phải loại bỏ.
Thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, từ ngày 9 - 12.5.1968, ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Khâm Đức - Ngok Ta Vak. Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vak là chiến thắng của tư tưởng tấn công, đánh mạnh vào ngụy quân, ngụy quyền tay sai, tiêu diệt một bộ phận quan trọng của Mỹ, mở rộng vùng hậu cứ cách mạng, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây, mở toang cánh cửa vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, nối hậu phương lớn miền Bắc với Khu 4, Khu 5, Tây Nguyên, Hạ Lào đến miền Đông Nam Bộ, mở ra con đường vận tải cơ giới xuống vùng giáp ranh đồng bằng, tạo thời cơ để quân và dân ta đẩy mạnh chiến dịch năm 1968 (Kế hoạch X2) trên toàn chiến trường Khu 5 giành thắng lợi.
Trước diễn biến mới trên chiến trường toàn miền Nam, tháng 5.1971, Trung ương Đảng đã quyết định: “Đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên toàn Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua”. Để phục vụ chiến dịch, công tác vận tải được chú trọng. Lúc bấy giờ, trên địa bàn huyện Nam Giang được Cục Hậu cần Quân khu 5 chọn làm nơi đứng chân tập kết hàng hóa để chuyển đi các chiến trường khác theo yêu cầu chiến đấu. Thực hiện yêu cầu đó, Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã cùng với Tiểu đoàn vận tải phục vụ chiến trường do Ban Cán sự khu Lam Sơn thành lập và tổ chức lực lượng thường xuyên trực trên tuyến đường để làm nòng cốt trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực từ đường Hồ Chí Minh về các kho trung chuyển ở vùng trung của huyện bằng đường bộ và thủy. Trên các tuyến đường vận tải, già trẻ, gái trai, lực lượng bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân công các huyện miền núi ngày đêm lên xuống tấp nập trên đường, tăng chuyến đưa 700 tấn hàng; hoàn thành chế biến và vận chuyển 200 tấn lương thực đến điểm tập kết.
-------------------
Kỳ cuối: Đi đến thắng lợi cuối cùng