Dấu ấn qua đất Quảng - Kỳ 1: Đi trước một bước

LÊ NĂNG ĐÔNG 25/05/2020 09:36

Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907 - 1986) từng nói: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng... Vinh quang thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại”.Trong những chiến công vẻ vang ấy của Bộ đội Trường Sơn, có một phần đóng góp của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam.

Đoàn xe chở vũ khí, đạn dược vượt núi rừng Quảng Nam chuyển hàng phục vụ chiến trường. Nguồn ảnh: “Quảng Nam - 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc 1930 - 1975”.
Đoàn xe chở vũ khí, đạn dược vượt núi rừng Quảng Nam chuyển hàng phục vụ chiến trường. Nguồn ảnh: “Quảng Nam - 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc 1930 - 1975”.

KỲ 1: ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Trước khi đường Trường Sơn được mở ở Liên khu 5, trên dãy Trường Sơn đã có hệ thống đường mòn, đường giao bưu Bắc - Nam. Đây là những đường dây giao liên do Liên khu ủy 5 chỉ đạo các Tỉnh ủy tổ chức từ tháng 3.1955.

Thiết lập đường dây giao liên

Tại Quảng Nam, Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi huyện thành lập một tổ gồm 4 - 5 người, do đồng chí huyện ủy viên phụ trách, về các buôn làng móc nối xây dựng cơ sở. Mỗi buôn làng xây dựng một cơ sở gồm 2 thanh niên tích cực. Cơ sở này có nhiệm vụ soi đường bí mật từ làng mình sang làng khác và phải bắt được liên lạc với cơ sở của làng đó. Đồng thời có nhiệm vụ chuyển tài liệu, đưa đón cán bộ. Đường dây giao liên từng bước hình thành bí mật, từ buôn làng này sang buôn làng khác. Đường dây này thường đi qua những khu rừng rậm, vượt núi cao, qua sông, phải tránh những con đường thường có người qua lại. Từ năm 1959 trở đi, dần dần mỗi tỉnh đều tổ chức các đoàn giao liên (đoàn hành lang). Các tuyến giao liên bí mật đi qua các buôn làng trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ là cơ sở thực tiễn để phát triển thành hệ thống đường nối hậu phương lớn với chiến trường Liên khu 5 nói riêng, chiến trường miền Nam nói chung, có ý nghĩa to lớn đối với những thắng lợi trên từng chiến trường.

Sau Hiệp định Giơnevơ, trước các chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng” hết sức dã man của Mỹ - Diệm, nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên đánh đổ Mỹ - Diệm. Trước tình hình đó, từ ngày 12 đến 22.1.1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng đã xác định “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp của cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng”.

Các tuyến giao liên bí mật đi qua các buôn làng trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ là cơ sở thực tiễn để phát triển thành hệ thống đường nối hậu phương lớn với chiến trường Liên khu 5 nói riêng, chiến trường miền Nam nói chung, có ý nghĩa to lớn đối với những thắng lợi trên từng chiến trường.

Thực hiện Nghị quyết 15, ngày 19.5.1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Đầu tháng 6.1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng tây nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Ngày 13.8.1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Mở đường vượt Bến Giằng

Đến năm 1960, địch phát hiện tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta, chúng tập trung lực lượng và phương tiện quân sự đánh phá và chia cắt hết sức quyết liệt. Việc vận chuyển trên đường Trường Sơn (đông) gặp nhiều khó khăn, hiệu suất thấp, thậm chí có thời gian phải ngừng hoạt động. Khắc phục tình trạng trên, Đoàn 559 kiến nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho mở đường bộ về phía tây, qua nước bạn Lào, rồi rẽ về tây Quảng Nam lên Kon Tum. Đầu năm 1961, đường Trường Sơn chính thức lật cánh sang phía tây. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thôn A Sò, xã A Nông, huyện Tây Giang là nơi khởi đầu cho tuyến đường Trường Sơn từ nước bạn Lào đi vào địa bàn tỉnh Quảng Nam với 12km.

Bị thất bại thảm hại trong cuộc hành quân đổ bộ xuống vùng Nà Ahu (Tây Giang), quân ngụy vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xây dựng các chốt điểm ở miền núi huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang và huyện Tây Giang). Năm 1964, chúng dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống Cơnoonh xây dựng chốt điểm trên cao ở gần chân núi Tà Xiên để phối hợp với đồn Ròró ở Giằng (nay là huyện Nam Giang) nhằm khống chế, uy hiếp đường Trường Sơn và kiểm soát vùng biên giới Việt - Lào. Với thế trận chiến tranh nhân dân vững chãi, vòng vây của ta ngày một siết chặt, “chốt điểm trên cao” của địch ở Cơnoonh ngày càng rơi vào thế cô lập hoàn toàn. Do đó, sau gần một năm đóng chốt, ngày 6.2.1965, quân ngụy buộc phải rút chốt điểm Cơnoonh. Đây là chốt điểm cuối cùng của quân ngụy trên núi rừng huyện Hiên bị xóa bỏ.

Bước sang năm 1965, do nhu cầu chiến trường ngày càng được mở rộng, Bộ đội Trường Sơn tiếp tục mở đường vượt bến Giằng. Tại đây, con đường tách ra thành 2 tuyến. Đường chiến lược tây Trường Sơn vào Nam qua thôn 5, 6 thuộc xã Đắk Tôi (Nam Giang) rồi vào Phước Hiệp (Phước Sơn). Tuyến đường Tây - Đông chia làm 2 nhánh, một nhánh xuôi về đồng bằng Quảng Đà đi ngang qua xã Chà Vàl, Ra Ràng, A Xăh, Cà Dy, Bến Yên rồi đi xuống vùng B Đại Lộc. Một nhánh khác rẽ xuống các xã Tà Lu, Za Hung, Đhrêi, Trung Mang do Đoàn vận tải Trung Sơn chuyên trách.

Việc mở đường từ đường giao liên Nam - Bắc đến đường Trường Sơn được Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Giang thực hiện rất khẩn trương với một quyết tâm: “Tất cả để đánh Mỹ, tất cả để thắng Mỹ; giữ vững mạch máu giao thông chiến lược của cách mạng; thông đường, thông tuyến như giữ hơi thở của mình”. Để giữ vững mạch máu giao thông, vận chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam, nhiều bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng. Sau một thời gian, bộ đội cùng với lực lượng thanh niên xung phong tiếp tục mở đường, lấp hố bom địch đảm bảo cho xe thông tuyến từ Thạnh Mỹ lên Cà Dy (Nam Giang) đi qua 5 xã, thị trấn của Phước Sơn là Phước Xuân, Phước Mỹ, Phước Đức, Phước Năng và thị trấn Khâm Đức rồi mở ra cửa ngõ lên Tây Nguyên tại Đắk Lây (tỉnh Kon Tum). Khi tuyến đường Trường Sơn được khai phóng qua các huyện miền núi Quảng Nam, cũng là lúc Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đóng góp sức người, sức của vận chuyển lương thực, vũ khí và đạn dược cho khắp chiến trường.

_____

Kỳ 2: “Đóng cửa nhà, già trẻ lên đường vận chuyển”

LÊ NĂNG ĐÔNG