Từ ngục Đăk Glei về làng Rô (tiếp theo)

NGỌC KẾT 29/03/2019 03:24

Tin liên quan

  • Từ ngục Đăk Glei về làng Rô

Chuyến vượt ngục của hai nhà cách mạng ngày 14.3.1942, dường như đã được nung nấu từ rất sớm, ngay khi Tố Hữu vừa bị Pháp đưa đến ngục Đăk Glei.

Điều này thể hiện rất rõ trong hồi ký “Nhớ lại một thời” của Tố Hữu: “Tới nơi đây, lòng tôi bỗng cồn lên một ý nghĩ quyết liệt: Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm/ Trên mắt người trông với núi sương/ Núi hỡi, từ đây băng xuống đó/ Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường? –Nhất định thế, tôi sẽ vượt khỏi cái trại tập trung khốn kiếp này…”. Và, từ quyết tâm ấy, nhà thơ Tố Hữu đã bàn bạc với người bạn tù Huỳnh Ngọc Huệ. Sau đó là những ngày lên kế hoạch với sự giúp sức của các ông Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân… Nhà thơ Tố Hữu viết: “Chúng tôi thống nhất kế hoạch: Cải trang thành người dân tộc Kà Tu (Cơ Tu - NV). Huệ sang bên bản Đăk Bla kín đáo dò hỏi đường đi, nếu có ai tốt đưa đường càng hay…”. Và người dẫn đường trong cuộc vượt ngục ấy chính là ông A Nhic, người dân tộc Xê Đăng.

Ông A Nhic tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm với vai trò liên lạc. Ông cũng bị địch bắt nhốt ở ngục Đăk Glei nhưng không khai thác được gì nên thả ra sớm. Ông A Nhic giờ đây đã mất, nhưng chúng tôi may mắn gặp con trai ông, anh A Thanh Sắc - nguyên Trưởng phòng Dân tộc huyện Đăk Glei. Anh A Thanh Sắc vẫn còn giữ những kỷ vật quý giá ghi dấu kỷ niệm giữa cha mình và nhà thơ Tố Hữu. A Thanh Sắc cho hay, cha anh vẫn thường kể lại câu chuyện đưa Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ thoát khỏi vùng thung lũng điệp trùng Đăk Choong năm ấy. Bởi ngục Đăk Glei nằm lọt thỏm giữa những rặng núi cao vây bủa. Người vượt ngục nếu không biết hướng đi sẽ lẩn quẩn mãi giữa đại ngàn, không chết đói chết rét thì cũng bị thú dữ ăn thịt.

Theo lời anh A Thanh Sắc thuật lại chuyện kể của cha, rạng sáng ngày 14.3.1942, sau khi nhận tín hiệu của A Nhic là tiếng con man kêu phía bên ngoài nhà ngục, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ được sự giúp sức của các bạn tù thoát ra ngoài đến điểm hẹn. A Nhíc đón Tố Hữu cùng Huỳnh Ngọc Huệ và bằng kinh nghiệm đường rừng của mình, ông dẫn hai người cắt rừng, đi dọc theo con suối Đăk Choong nhắm hướng làng Bê Rê thẳng tới. A Nhic đưa hai người mãi cho tới đầu con sông Đăk My mới chịu quay về làng. Từ đây, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ cứ men theo sông Đăk My về xuôi và đến làng Rô vào một chiều chạng vạng sau gần tháng trời đói khát, kiệt quệ… Suối Đăk Choong như lời A Thanh Sắc nói giờ gần như bị xóa sổ khỏi vùng thung lũng này. Chúng tôi chỉ cảm nhận chi chít những con đường mòn đất đỏ chạy ngang dọc quanh đồi núi trọc.

Sông Đăk My mùa này nước cạn, con nước xanh trong, hiền hòa trôi chảy về xuôi. Đôi bên bờ sông là những ngôi làng nằm chênh vênh trên sườn núi, mây trắng nhởn nhơ bay trong khói chiều nương rẫy lúc chúng tôi ngược từ Đăk Glai về Phước Sơn theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại rồi xuôi xuống làng Rô, huyện Nam Giang. Chẳng hiểu, giữa xanh thẳm rừng già kia, đâu là con đường sương gió, nhọc nhằn ngày xưa hai nhà cách mạng đã từng đi qua. Chỉ biết, đó là một cuộc vượt thoát đầy gian nan, nguy hiểm mà trong hồi ký của mình, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Tưởng chỉ đi 10 ngày là đến tỉnh Quảng Nam, không ngờ phải qua 27 ngày đêm luồn rừng vượt suối, không có gì ăn phải nhai đọt lau, rau má, lá chua cho đỡ đói, cả hai gầy đét chỉ còn da bọc xương nhưng phải cố gắng đi về hướng tỉnh Quảng Nam...”. Sau này, trong “Nước non ngàn dặm” Tố Hữu đã nhắc nhớ đến người bạn tù ngày xưa bằng những câu thơ: “Đọt lau, rau má, vả xanh/ Đói lòng hát khúc quân hành vẫn vui/ Nhớ thương bạn lại bùi ngùi…”. Không chỉ quý mến người bạn tù đồng hành, trong hồi ký của mình Tố Hữu còn cho biết: “Huỳnh Ngọc Huệ đã biểu lộ ý chí và những nhân cách tốt đẹp của người chiến sĩ cộng sản”.

Bà Kaphu Thị Đẹp - vợ già làng Đinh Văn Reng vẫn còn giữ những tấm ảnh kỷ niệm giữa Tố Hữu với người dân làng Rô trong những dịp ông về thăm lại nơi này (ông Đinh Văn Reng là con trai của già làng Đinh Văn Để - người quyết định che giấu hai chiến sĩ cách mạng trong cuộc vượt ngục năm xưa). Còn ông Doãn Phú, cháu ngoại bà Đinh Thị Thơ - người dẫn đường đưa Tố Hữu và ông Huỳnh Ngọc Huệ vượt qua suối Đăk My, băng qua đỉnh núi phía trước mặt làng mình để tìm đến huyện Quế Sơn đi về xuôi sau hơn một tuần được dân làng Rô che chở - vẫn thuộc làu những câu thơ Tố Hữu viết về làng Rô, viết về bà ngoại của mình: “Ơi! Làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy/ Thương em, cô gái sông My/ Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng…”.

Tấm lòng của người làng Rô với cách mạng, với Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ dường như vẫn còn nguyên vẹn trong suy nghĩ, trong những câu chuyện mà lớp người như bà Kaphu Thị Đẹp hay ông Doãn Phú tâm tình với chúng tôi. Chỉ có điều, bây giờ về làng Rô, những nóc nhà nơi ngày xưa Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ tìm đến gặp già làng đã không còn nguyên vẹn, cả việc xây dựng căn nhà nhỏ kiểu gươl làng để lưu trữ, cất giữ những hình ảnh tư liệu về một thời làng Rô anh hùng, về Tố Hữu với dân làng Rô bao nhiêu năm rồi vẫn không thực hiện được. Cũng như nỗi buồn cứ len lỏi vào lòng chúng tôi khi đứng trước nhà ngục Đăk Glei dù đã được đầu tư khôi phục nhưng chỉ như một “cái xác không hồn”, mọi dấu vết, câu chuyện, hình ảnh liên quan đến một thời những người tù cách mạng nổi tiếng ở đây tịnh không có gì. Khách tới tham quan chỉ có thể đứng nhìn ngắm những ngôi nhà rồi quay bước trong nỗi tiếc nuối không nguôi về một nơi chốn lẽ ra phải cần được đầu tư thích đáng về phần “hồn”…
Dòng Đăk My vẫn lặng lờ mang nước về xuôi. Và, trên hành trình ấy, có lẽ đã mang theo bao dấu ấn xưa cũ mà những người cộng sản ưu tú từng lưu lại chốn này trôi đi biền biệt…

NGỌC KẾT

NGỌC KẾT