"Anh chàng tuổi trẻ" (tiếp theo và hết)
Tin liên quan
|
Chúng tôi biết anh Tú trong ngày lễ thành lập Tiểu đoàn 39. Đó là ngày 15.3.1948 tại sân vận động Vinh Huy, huyện Thăng Bình. Cả tiểu đoàn trong đội hình đồng diễn, đẹp làm sao những khối hình được sắp xếp một cách khéo léo, biến hóa linh hoạt, nhịp nhàng theo tiếng còi điều khiển của một người chỉ huy còn rất trẻ - đó là anh. Lúc này, anh là phái viên của Trung đoàn 108 xuống giúp tiểu đoàn tổ chức buổi đồng diễn đẹp đẽ và lịch sử này.
Sau đó, anh chính thức về Đại đội 1 với chức vụ Đại đội phó. Ngày ấy, tôi 18 tuổi, là văn thư của Đại đội 1. Vừa về đơn vị, dưới sự chỉ huy của anh, ngày 6.11.1948 đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay Mô-ran 500 tại ga Phú Cang, bắt sống 3 sĩ quan Pháp. Anh lại là người trực tiếp hỏi khẩu cung chúng. Đúng là ngày vui khôn xiết “Đời phong sương hiếm những ngày vui say” như lời bài ca bắn rơi máy bay của anh.
Đến năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định điều Tiểu đoàn 39 về Quảng Ngãi để huấn luyện và bảo vệ hậu phương. Sau 3 tháng huấn luyện, Tiểu đoàn được lệnh rời Quảng Ngãi về Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng chiến đấu..
Chiều ngày 1.5.1949 ra đi từ Mộ Đức, khoảng 23 giờ ngày 3.5.1949 đơn vị về đến thị xã Tam Kỳ. Thấy bộ đội mỏi mệt, chỉ huy đại đội cho các trung đội tạt vào nhà dân hai bên đường tạm nghỉ, sáng mai đi tiếp.
Anh Lê Đình Luân - Đại đội trưởng, tốt nghiệp đại học y khoa, vào quân đội, từng chiến đấu ở Mặt trận Lào, là cán bộ quân sự nhưng cũng là nhạc sĩ, hát hay, chơi vi-ô-lông giỏi, là con của bác sĩ Lê Đình Thám, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam. Hai anh Luân, Tú cùng ở Đại đội 1, quý nhau như ruột thịt. Mến nhau vì tài, quý nhau về đức. Anh Luân lúc này chưa vào Đảng, còn anh Tú, tuy ít tuổi hơn nhưng đã là đảng viên, của chi bộ đại đội. Các anh sống với nhau như đôi tri kỷ. Những bản nhạc anh Luân ra đời, là anh Tú viết lời.
Trước khi có lệnh Tiểu đoàn 39 về Quảng Nam, Nguyễn Hanh Tú đã được điều về làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Chánh - Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5 và có thể chuẩn bị đi học quân sự ở nước ngoài. Như vậy là anh Tú sẽ không còn ở Đại đội 1 nữa. Chuyến đi này chính là anh Tú tiễn chân Đại đội 1 và tiễn chân anh Luân.
Đêm đó, tôi trải chiếu nằm bên nghe hai anh nói chuyện dưới mái hiên của một ngôi nhà tranh nhỏ, nằm cạnh sân bóng rổ trường Tàu, cách đường 1 về hướng tây khoảng 20m. Có lúc mệt quá tôi thiếp đi, mỗi lần tỉnh giấc lại nghe tiếng rì rầm tâm sự của hai anh.
Trời sáng. Phố phường đã bắt đầu nhộn nhịp. Đại đội đã tập hợp lên đường. Dẫn đầu đơn vị là Đại đội phó Thọ (người thay anh Tú ) và Chính trị viên Lục. Lúc này tôi cũng đã có mặt ra đường cùng đơn vị. Bộ phận đi đầu vừa cất bước thì 2 máy bay địch cũng vừa ập tới. Chúng lượn một vòng. Đường 1 lúc này là hố ngang, hố dọc, tất cả đều ẩn nấp trong những hố đó.
Hai tiếng bom nổ xé trời, khói bụi mờ mịt, mặt đường rung chuyển. Ném bom xong 2 máy bay địch vụt đi, cả đơn vị lại tiếp tục lên đường. Đi được trên trăm mét, thấy y tá Đinh Sơn, hớt hải chạy lên: “Anh Lục đâu rồi? Đâu rồi?”. “Anh Lục đang đi với Trung đội 1, hỏi: “Chuyện gì vậy?”. “Tú chết rồi! Luân bị thương nặng”. Bấy giờ mới biết, khi đơn vị ra đường, hai anh vẫn còn đứng trong sân nhà dân. Loạt bom rủi thay lại rơi đúng vào nơi hai anh đang đứng. Tin của Đinh Sơn khiến đơn vị rụng rời. Có ngờ đâu, anh Tú lại ra đi một cách như vậy. Nhớ đêm liên hoan quân dân tại Đức Trung, trước lúc chia tay, bài hát “Có những nấm mồ” của các anh phải chăng là lời trăng trối: “…Lạnh lùng mồ hoang/ Chiều chiều mờ sương/ Khi cánh chim ngừng/ Tìm trong bốn phương/ Lòng ai xót thương/ Đợi bóng con về…/ Não nề cuốc kêu/ Sao buồn đìu hiu/ Người mẹ không bao giờ biết…”.
Đây là đoạn nhạc buồn của anh Luân và lời thê thảm xót xa là của anh Tú. Tiếng lòng của các anh vẫn đeo đẳng mãi trong tôi. Anh Luân bị thương nặng, 15 ngày sau qua đời. Anh ra đi lúc 25 tuổi, đời còn biết bao xán lạn. Bạn thân thiết của anh - Nguyễn Hanh Tú, một cán bộ, một chi ủy viên, tuổi đời còn quá trẻ, chưa tròn 21, đánh giặc hăng, huấn luyện giỏi, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ có tài. Một cán bộ đầy tài năng và triển vọng, không còn nữa.
Nhớ anh ở trận Thanh Quýt, Điện Bàn, bắn hết đạn, bị thương, mặt đầy máu, vẫn không chịu rời trận địa, còn tựa bờ rào chửi Pháp một hồi cho đã, mới chịu rút.
Di vật anh để lại, có hai cuốn sổ. Một, của đồng chí Phạm Văn Đồng tặng. Một, của đồng chí Cao Văn Khánh - Khu trưởng Khu 5 tặng, với dòng chữ: “Tặng Nguyễn Hanh Tú chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, để ghi chép những chiến công sau trận Thanh Quýt”. Và, chiếc áo len đỏ mà anh luôn đem theo bên mình.
Đã mấy chục năm rồi sau cuộc kháng chiến trường kỳ, trong cuốn Lịch sử Tiểu đoàn 39, tôi đã viết câu chuyện về anh và cũng đã có câu: “Rất tiếc là không biết được quê anh ở đâu?”. Năm tháng trôi qua, tưởng là đành chịu. Ngờ đâu, có một người xa lạ đã lặn lội tìm đến tận nhà tôi, hỏi thăm: “Bác có phải bác Minh không?”. Tôi đáp: “Vâng, tôi là Minh”. “Tôi có đọc cuốn Lịch sử Tiểu đoàn 39 do bác viết. Hôm nay, tôi cố tìm gặp cho được bác, để báo cho bác biết về quê hương đồng chí Nguyễn Hanh Tú”. Nghe nói, tôi mừng quá và cũng thật hết sức bất ngờ. Một nguồn tin mà tôi đã bao năm tìm kiếm. Người ấy cho biết: “Cha anh Tú là ông Nguyễn Hanh, cha mẹ anh Tú đều đã qua đời. Nay anh Tú chỉ còn người anh ruột ở TP.Hồ Chí Minh và quê anh là làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
Phải chăng, đây cũng là một điều kỳ diệu không thể hiểu nổi. Tôi chắp tay cảm ơn người bạn đầy nhiệt huyết và tôi cũng đã báo tin ngay cho thân nhân của anh Tú biết. May sao, thân nhân còn và đã ra gặp tôi. Và, chúng tôi đã làm thủ tục để Nhà nước công nhận liệt sĩ cho anh.
Đại tá VÕ VĂN MINH