Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak: Niềm tự hào ở vùng cao
Đã qua 50 năm, nhưng chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak vẫn luôn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc vùng cao Phước Sơn, lập nên kỳ tích sáng ngời ở vùng hậu cứ cách mạng một thời.
Ông Hồ Văn Nhun kể về chiến thắng Khâm Đức cách đây 50 năm. Ảnh: PHÚC DƯƠNG |
Trong ký ức của ông Hồ Văn Nhun, người dân tộc Giẻ Triêng, vẫn nhớ như in không khí của chiến thắng Khâm Đức ngày 12.5.1968. Đã qua tuổi 73 nhưng ông Nhun còn minh mẫn và hoạt bát, niềm nở đón khách. Ông bảo rất phấn khởi khi mấy ngày qua đài truyền thanh tuyên truyền chiến thắng vang dội Khâm Đức cách đây đã 50 năm. Năm 1965, sau khi học ở miền Bắc trở về, như nhiều thanh niên đồng bào Giẻ Triêng yêu nước, ông Nhun gia nhập lực lượng cách mạng, hiệu triệu thanh niên tham gia đấu tranh chống Mỹ. Với vai trò Bí thư Huyện đoàn, ông Nhun đã phát động phong trào huy động sức dân vùng hậu cứ hỗ trợ cho cách mạng. Phước Sơn thời điểm đó có 5 xã vùng cao, 3 xã vùng thấp, dân số khoảng 5.000 người. Các đồi núi có vị trí thuận lợi, dễ quan sát, địch cài cắm quân số, đồng thời mở đường vào các điểm chiến lược. Tuy vậy, để tránh sự phát hiện và rải bom đạn, chất độc hóa học của địch, ông đã chỉ huy hàng trăm thanh niên ngày đêm đào hầm bí mật và thi đua sản xuất lương thực để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến.
Ông Nhun nhớ lại: “Từ làng Rô qua sông Trường, làng Bầu; từ Phước Kim xuống Trà My địch bố trí quân phục kích rải rác, nhưng với tinh thần “việc gì khó có thanh niên”, lực lượng đã âm thầm đào rất nhiều hầm bí mật trong lòng núi. Thời đó, các nóc đều có kho lương thực đủ đầy đảm bảo phục vụ cho bộ đội. Khi biết Khâm Đức hoàn toàn giải phóng, lực lượng du kích, đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức ăn mừng, reo hò dưới các tán rừng”.
Từ năm 1963 - 1967, Mỹ ngụy tập trung xây dựng Khâm Đức thành tiền đồn biên phòng “bất khả xâm phạm”. Trại lực lượng đặc biệt Khâm Đức đã trở thành trung tâm huấn luyện biệt kích toàn miền Nam, địch vào vùng dân tộc thiểu số, các xã biên giới để chống phá cách mạng. Đầu tháng 3.1968, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2 Quân khu 5 do Đại tá Giáp Văn Cương - Sư đoàn trưởng (sau này là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân Việt Nam) trực tiếp khảo sát chiến trường Khâm Đức. Thời gian này, ta chủ trương mở rộng vùng hậu cứ cách mạng, khai thông hành lang chiến lược Đông Trường Sơn và các tuyến giao liên, vận tải trục ngang nối với hành lang xuống vùng đồng bằng. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao cho Sư đoàn 2 bộ binh mở đợt tiến công quân địch ở Khâm Đức - Phước Sơn. Giao nhiệm vụ cho sư đoàn, đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu nhấn mạnh: “Cuộc chiến đấu sắp tới rất quyết liệt, Mỹ ngụy sẽ có nhiều âm mưu, thủ đoạn để đối phó lại với ta, do đó ta cần phải có những biện pháp và cách đánh để giành thắng lợi, tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến trường”. Trong cuộc chiến này, trọng điểm Khâm Đức được tập trung toàn bộ lực lượng sư đoàn. Đêm 9.5.1968, Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) do đồng chí Nguyễn Chơn - Trung đoàn trưởng chỉ huy tổ chức tấn công cứ điểm Ngok Tavak. Ngay từ đầu, trận đánh diễn ra không thuận lợi do mũi đánh sân bay trực thăng bị vướng mìn không vào được. Trước tình hình đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn lệnh cho Tiểu đoàn trưởng 40 đưa đại đội dự bị tấn công vào hướng phản công của địch nhưng cũng không phát triển sang được khu sân bay trực thăng. Địch ngoan cố dựa vào các lô cốt, hầm ngầm chống cự quyết liệt.
Tám giờ 30 phút ngày 10.5, lợi dụng lúc quân ta đang đối phó với các đợt ném bom, máy bay trực thăng địch nhanh chóng đổ quân tăng viện lên Ngok Tavak. Đợt đổ quân này, địch đã bị khẩu đội pháo ĐKZ 75 ly do đồng chí Lê Hữu Thời chỉ huy bắn hạ 2 chiếc CH47 khi chúng vừa chạm đất, diệt gọn hàng chục tên Mỹ. Sáng 11.5, Thường vụ Sư đoàn quyết định đẩy nhanh tấn công tiêu diệt Khâm Đức. Đêm 11 rạng sáng 12.5, theo lệnh của Sư đoàn, đồng chí Phan Viên - Trung đoàn trưởng 21 đưa Tiểu đoàn Đặc công, Tiểu đoàn 22 cùng Tiểu đoàn 60 của Trung đoàn Ba Gia và lực lượng vũ trang huyện tổ chức “đánh bóc vỏ” và lần lượt tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi căn cứ Khâm Đức. Pháo nòng dài 85 ly và cối 120 ly của sư đoàn bắn mạnh vào khu trung tâm và sân bay; Tiểu đoàn cao xạ 23 ly đánh quyết liệt không cho máy bay địch hạ cánh. Sáu giờ sáng 12.5, quân ta tiếp tục siết chặt vòng vây. Pháo, cối của ta đánh áp đảo vào khu trung tâm; lực lượng bộ binh Trung đoàn 21 xung phong dũng mãnh vào Chi khu quân sự Khâm Đức, quân địch rời bỏ trận địa xuyên rừng chạy trốn về hướng Thượng Đức và Hiệp Đức. Trưa 12.5, quân và dân ta làm chủ hoàn toàn Khâm Đức, đánh tan rã tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 7 đại đội biệt kích và các lực lượng công binh, pháo binh của địch. Khâm Đức hoàn toàn giải phóng.
Nhìn nhận về cuộc chiến này, các nhà quân sự cho rằng, chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak đã mở rộng vùng hậu cứ cách mạng, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây, mở “cánh cửa thép” của đường mòn Hồ Chí Minh nối hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam và Hạ Lào, mở ra hành lang vận động của quân ta xuống vùng giáp ranh đồng bằng, tạo thời cơ để quân và dân ta đẩy mạnh chiến dịch Thu năm 1968 trên toàn chiến trường khu 5 giành thắng lợi.
PHÚC DƯƠNG