Về Chùa Hang
Tháng 3.1940, Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại, sau một thời gian tích cực tìm đường bắt nối. Tháng 10.1940, Xứ ủy Trung Kỳ liên lạc được với Tỉnh ủy Quảng Nam và quyết định tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng. Để chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị, Bí thư Chi bộ Tịch Tây (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) - Nguyễn Tiến Chế (Nguyễn Giám) được giao cùng một số đồng chí địa phương tìm địa điểm bảo đảm vật chất và bảo vệ hội nghị. Sau khi khảo sát, ông Nguyễn Tiến Chế báo cáo Tỉnh ủy chọn Chùa Hang làm địa điểm tổ chức hội nghị. Theo phân tích của ông: “Đây là một hang đá sâu, ẩn mình dưới ngọn núi đá có tên là Hòn Bà, tục gọi là núi Con Heo, diện tích không rộng lắm, xung quanh được bao phủ bởi nhiều lớp cây rừng, là địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực này nằm xa dân cư, có nhiều thú dữ, quanh năm ít người lui tới. Vì thế nơi đây rất thuận lợi cho việc hoạt động cách mạng, tránh được tai mắt và sự đánh phá của kẻ thù”.
Theo hồi ký của ông Nguyễn Tiến Chế, sau khi đón các đại biểu về nhà mình, sắp xếp chu đáo (lúc này ông Chế là Hương bộ làng Tịch Tây nên việc có nhiều người thường lui tới bàn bạc trao đổi tình hình mà không ai nghi ngờ gì), sáng sớm hôm sau ông làm người dẫn đường đưa tất cả đại biểu di chuyển đến địa điểm hội nghị. Ông Chế vừa là người dẫn đường, vừa quan sát cảnh giới, rồi còn gánh theo cơm nước để đảm bảo phục vụ hội nghị trong ngày. Trong hồi ký của mình, ông Chế ghi: “Thời gian hội nghị Chùa Hang diễn ra trong 2 ngày, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.1940. Số đại biểu là 12 người, trong đó số đại biểu tôi thường gặp, biết mặt, biết tên là anh Toàn (Võ Toàn), Nguyễn Sắc Kim, Trương An, Hồ Tỵ, Huỳnh Cự”.
Hội nghị Chùa Hang có ý nghĩa như một cuộc Đại hội của Đảng bộ tỉnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển hướng nhận thức quan trọng về đường lối giải phóng dân tộc của Đảng bộ, chuẩn bị những điều kiện hướng tới khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức gồm có các đồng chí Hồ Tỵ, Võ Toàn, Huỳnh Cự, Trương An, Nguyễn Sắc Kim, do đồng chí Hồ Tỵ làm Bí thư…
Trong chuyến khảo sát thực địa những địa điểm Tỉnh ủy đứng chân, chúng tôi đến Chùa Hang. Từ chân núi lên đến hang đá, đoạn đường tuy ngắn nhưng độ dốc tương đối lớn, phải mất hơn 30 phút chúng tôi mới có mặt tại Chùa Hang. Thật tình cờ, tại đây chúng tôi bắt gặp rất đông bà con đã lên đây từ sáng sớm. Sau khi trò chuyện, chúng tôi biết được, thường có nhiều người dân ở Núi Thành, Tam Kỳ và tỉnh Quảng Ngãi giáp ranh lên đây lễ chùa, viếng hương. Theo lời một bà cụ, người Tam Xuân 2 (Núi Thành), mỗi lần lên đây viếng hương bà không quên múc một ít nước giếng của chùa đem về dùng. Thì ra phía trong Chùa Hang có một cái giếng nhỏ đường kính khoảng 50 - 60cm, nước giếng rất trong, không sâu nhưng không bao giờ cạn.
Có thế thấy rằng, Chùa Hang có một vị trí vô cùng đắc địa để Tỉnh ủy lựa chọn làm chỗ đứng chân chỉ đạo cách mạng trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Ngày nay, Chùa Hang trở thành là điểm đến hết sức thú vị cho những ai muốn khám phá thiên nhiên hùng vĩ.
NĂNG ĐÔNG